Bạn không thể vừa làm hài lòng Chúa vừa làm hài lòng người ta: 5 Phương cách giúp bạn trấn áp nỗi lo sợ con người

5700

Tìm cách để làm hài lòng người khác là một mưu kế và cạm bẫy cũ rích nhưng đầy lợi hại đến từ Sa-tan. Nếu chúng ta cho rằng tư tưởng này xuất phát từ việc rèn luyện lòng tự trọng, từ một phong trào kêu gọi sự khoan dung lẫn nhau, hay bắt nguồn từ mạng xã hội, thì chúng ta đã không lường trước nguy cơ của sự cám dỗ này đưa đến. Tội tìm cách để làm hài lòng người khác đã hiện hữu từ thời xa xưa. Khi tổ phụ loài người phạm tội sa ngã, con người chúng ta đã có khuynh hướng thích thú khi được khen ngợi và tán thưởng từ người khác. Và, chúng ta luôn rơi vào tình trạng lo sợ làm buồn lòng mọi người xung quanh.

Điểm yếu không dễ thay đổi và thường được cho là tinh tế ở chúng ta – là việc cả nể người khác – có nguồn gốc từ xa xưa và lan truyền rộng rãi trong xã hội, trong lịch sử, và rất thường ở trong tâm thức chúng ta. Đối với Đức Chúa Trời, Ngài ghét làm hài lòng con người. Sứ đồ Phao-lô cảnh báo trong Ga-la-ti 1:10 rằng: “Còn bây giờ, tôi muốn được lòng loài người hay Đức Chúa Trời? Có phải tôi đang cố gắng làm đẹp lòng loài người không? Nếu tôi vẫn cố làm đẹp lòng loài người thì tôi chẳng phải là đầy tớ của Đấng Christ.” Quả thật, không ai có thể tuyệt đối vừa hầu việc Đức Chúa Trời lẫn con người. Và, chỉ có Chúa mới biết rõ chúng ta đang thực sự hầu việc đối tượng nào, là người mà chúng ta khao khát được làm đẹp lòng nhất (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:4).

Chúa Giê-xu đã chỉ ra nỗi lo sợ cố hữu của con người khi Ngài đương đầu với những kẻ ưa thích việc lấy lòng người khác trong thời đại của Ngài: “Các ngươi vẫn chịu vinh hiển lẫn của nhau, không tìm kiếm vinh hiển bởi một mình Đức Chúa Trời đến, thì thể nào các ngươi tin được?” (Giăng 5:44). Việc tìm cách làm vừa lòng con người đã làm họ không nhìn biết Chúa Giê-xu. Nếu không nhận ra điều sai lầm này, chúng ta cũng không khác gì họ. Giăng 12:43 cho chúng ta thấy rằng: “Họ chuộng danh vọng bởi người ta đến hơn là danh vọng bởi Đức Chúa Trời đến”. Sự ưa thích đó là bản chất và sự nguy hiểm của việc tìm cách lấy lòng người khác.

Làm thế nào để triệt tiêu bản tính thích lấy lòng người khác

Làm thế nào để chúng ta nhận ra thiên hướng này và muốn triệt tiêu nó? Phao-lô đối mặt với sự cám dỗ đặc thù này trong hai phân đoạn Kinh Thánh được đề cập một cách cụ thể đến những kẻ làm tôi tớ, trong Ê-phê-sô 6: 5–9 và Cô-lô-se 3: 22–25

“Hỡi kẻ làm tôi tớ, … hãy vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác, … không phải vâng phục trước mặt người… như các ngươi kiếm cách làm đẹp lòng người ta.” (Ê-phê-sô 6:5-6)

“Hỡi kẻ làm tôi tớ, trong mọi sự phải vâng phục kẻ làm chủ mình về phần xác, không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta.” (Cô-lô-se 3:22)

Sứ đồ Phao-lô kêu gọi những kẻ làm tôi tớ hãy đối xử với chủ của họ theo cách đi ngược lại với thói thường, cho dù họ có thể phải khổ tâm và chịu đựng. Hơn nữa, lời khuyên này của ông không chỉ được áp dụng cho mối quan hệ giữa chủ và tớ, nhưng cũng phù hợp đối với những mối quan hệ như giữa ông chủ và nhân viên, chồng và vợ, cha mẹ và con cái, bạn bè và hàng xóm. Hai phân đoạn Kinh Thánh này được ví như là một sách giáo khoa hướng dẫn cách chúng ta cự tuyệt với bản tính thích lấy lòng người khác trong bất kỳ mối quan hệ nào, bao gồm ít nhất năm lời khuyên quan trọng như sau:

  1. Hãy lấy lòng run sợ mà yêu kính

“Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy run sợ, lấy lòng thật thà mà vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác” (Ê-phê-sô 6: 5)

Phương thuốc để giải tỏa nỗi lo sợ làm trái ý người khác không phải là trấn áp sự lo sợ đó mà là thay bằng một sự run sợ khác – tích cực hơn, lành mạnh hơn, đem đến sức sống hơn – đó là sự kính sợ Đức Chúa Trời. Để triệt tiêu tính cách thích lấy lòng người khác, chúng ta phải yêu thương họ với lòng kính yêu và run sợ đối với Chúa. Phần lớn tình trạng luôn bị chi phối vào những cảm xúc và ước muốn của người khác bắt nguồn từ sự quan tâm hời hợt của lòng và trí chúng ta đối với Chúa. Chúng ta hãy cho để tâm trí mình được phát huy sự cảm kích thiêng liêng của một tấm lòng run rẩy và sợ hãi – một sự run sợ cần yếu mà bất kỳ một linh hồn tin kính nào cũng có thể cảm nhận được khi đứng trước sự oai nghi và tôn kính của Đức Chúa Trời (Thi Thiên 96: 9).

Phao-lô cũng nêu quan điểm tương tự trong Cô-lô-se 3:22: “Hãy vâng phục trong mọi sự. . . không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì kính sợ Chúa, hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc.” Có bao nhiêu người trong chúng ta sợ làm người khác thất vọng hoặc không chấp nhận mình hơn là sợ làm buồn lòng Đức Chúa Trời? Hãy cất bỏ những nỗi lo sợ đó để thay bằng sự kính sợ Đức Chúa Trời, điều này sẽ khai sáng tâm trí và đẩy lùi các động cơ không xứng hiệp của chúng ta trong các mối quan hệ xung quanh. Thay vì thường xuyên hoang mang và lo lắng vì không biết người khác nghĩ gì hoặc phản ứng về mình như thế nào, chúng ta nên để dành thời gian đó để suy ngẫm về sự thánh khiết, công bình và lòng thương xót của Đức Chúa Trời.

  1. Hãy luôn vâng theo những gì Chúa phán dạy.

[Hãy vâng phục] không phải chỉ trước mặt, như những người kiếm cách làm vui lòng người khác, nhưng phải như tôi tớ của Đấng Christ, lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 6:6)

Bài học và lời khuyên này có vẻ quá đơn giản để trở nên hữu dụng trong thực tế: Kiên quyết làm theo những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm, hay còn gọi là “Làm theo ý muốn của Chúa“. Người thích làm người khác hài lòng thì luôn chạy theo ý thích của người khác bằng mọi cách. Ngược lại, người kính sợ Đức Chúa Trời thì tập trung vào việc suy ngẫm và theo đuổi ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng làm sao chúng ta biết được ý muốn của Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh?

Phao-lô đã trả lời câu hỏi này một cách rõ ràng và đơn giản nhất có thể: “Vì ý muốn của Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3). Ý muốn của Đức Chúa Trời cho chính đời sống của bạn là bạn phải được nên thánh – rằng mỗi ngày bạn phải trở nên giống Chúa nhiều hơn. Khi đứng trước một quyết định nào đó, câu hỏi được đặt ra là: lựa chọn nào khiến tôi trở nên giống Chúa Giê-xu hơn? Điều gì khiến tôi tin cậy vào Chúa hơn hết (II Cô-rinh-tô 1:9; 12:9)? Điều gì sẽ dẫn người khác đến gần với Đức Chúa Trời hơn (I Phi-e-rơ 3:18)? Điều gì sẽ quy sự vinh hiển cho danh Đức Chúa Trời nhất (Giăng 17: 4; 12: 27–28)?

Tuy nhiên, có nhiều quyết định không phải lúc nào cũng minh bạch đúng-sai rõ ràng như chúng ta muốn; cũng như chúng ta cũng dễ bị lầm lẫn giữa con đường theo Chúa Giê-xu và con đường tội lỗi. Vì vậy, ngoài việc đơn giản là theo đuổi sự nên thánh, Phao-lô cũng dạy chúng ta rằng: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” Rô-ma 12:2). Những người kính sợ Đức Chúa Trời sẽ luôn để ý lắng nghe những gì Đức Chúa Trời phán trong Kinh Thánh một cách cẩn thận nhất, họ suy ngẫm về luật pháp của Ngài cả ngày lẫn đêm (Thi Thiên 1:2), và sau đó nhất tâm vâng theo lời Chúa với cả khả năng và trí hiểu biết của mình.

Không ai trong chúng ta sẽ được biết một cách tỏ tường tất cả những ý muốn và mạng lệnh của Đức Chúa Trời; nhưng điều chúng ta có thể làm, trong mọi hoàn cảnh, là thuận phục theo những gì chúng ta đã được Chúa phán dạy.

  1. Hãy từ bỏ sự an toàn trong vỏ bọc của sự giả tạo

Vâng phục mọi điều . . . không những hầu việc trước mắt họ, hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc.” (Cô-lô-se 3:22; Ê-phê-sô 6:5)

Theo hầu hết các định nghĩa đưa ra, tội thích lấy lòng người khác được cho là sự ăn ở hai lòng. Vì nếu chúng ta luôn cố tìm cách làm hài lòng người khác, thì hầu như không thể giữ được bản tính nhất quán hoặc ngay thật (đặc biệt nếu như chúng ta đang cố gắng làm hài lòng nhiều người cùng một lúc). Điều này có nghĩa là – về một phương diện khác – chúng ta đấu tranh chống lại bản chất thích lấy lòng người khác là quý trọng và bảo vệ cho sự chính trực.

Chúng ta có thay đổi chính mình trước mặt một số người nào đó nhằm làm cho họ vui không? Chúng ta có những hành vi hoặc lời nói hùa theo một nhóm người nào đó với mong muốn được hòa nhập với họ, và từ đó cũng sẵn sàng biến hóa bản thân để phù hợp với một nơi khác? Nếu như thế thì có lẽ không một nơi nào phù hợp với con người thật của chúng ta. Tính không trung thực thường ngụy trang những điểm yếu và phơi bày ra những điểm mạnh của mình. Nó che đậy những tội lỗi kín giấu cách khéo léo và phô trương những bản chất dễ hấp dẫn con người. Đó là bản chất luôn biện minh, tự đề cao mình và thích khoe khoang.

Sự cần thiết để có được sự trung thực là hãy tống khứ và từ bỏ những bản tính giả tạo bề ngoài. Không ai, dù là người tin theo Chúa hay không, muốn người ta biết đến mình là một người giả tạo, vậy tại sao chúng ta vẫn rơi vào bẫy của nó? Một phần vì sự giả tạo khiến chúng ta cảm thấy an toàn, quan trọng, và thành công. Chúng ta thường nghĩ rằng nếu chúng ta mặc cho mình một hình ảnh yêu mến và ngưỡng mộ mọi người, thì chúng ta cũng sẽ được yêu mến và ngưỡng mộ như vậy. Tất nhiên, vấn đề là chúng ta (và Chúa) biết rất rõ động cơ của chúng ta là gì đằng sau những sự ngụy tạo và diễn xuất thật hoàn hảo này. Và cái kết, ai là người được người khác yêu mến, ắt hẳn không phải là chúng ta.

Hãy nhớ rằng: Sự chân thành không giả dối là con đường chắc chắn nhất để dẫn đến sự thanh thản trong tâm hồn, được mọi người yêu mến, sống hiệu quả và trải nghiệm sự tự do.

  1. Vâng phục Chúa tại nơi công khai lẫn chỗ kín nhiệm

“Sự vâng phục. . . hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc, như bạn làm cho Chúa, không phải bằng cách hầu việc trước mắt.” (Ê-phê-sô 6:5–6; Cô-lô-se 3:22)

Sự thử nghiệm này có lẽ là một sự sáng tỏ tức thì: “không phải bằng cách hầu việc trước mắt.” Hoặc, không phải chỉ khi có người khác xem chừng. Đặc biệt, sự thử nghiệm này càng rõ hơn khi chúng ta đang nhắm vào một số đối tượng nào đó để mong được họ công nhận hoặc khen ngợi. Vấn đề này có thể trùng hợp với vấn đề vừa nêu ở phần 3, nhưng nó nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa cái tôi ở nơi công khai và cái tôi tại nơi kín giấu của chúng ta – chúng ta là ai khi chúng ta chỉ ở một mình. Một trong những cách rõ ràng nhất làm cho linh hồn chúng ta bị đùa đến sự hư mất là việc lợi dụng danh Chúa chỉ để thu hút sự quan tâm và tán thưởng cho riêng mình.

Chúa Giê-xu đã cảnh báo: “Hãy giữ, đừng làm sự công bình mình trước mặt người ta, cho họ đều thấy. Bằng không, thì các ngươi chẳng được phần thưởng gì của Cha các ngươi ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 6: 1). Ngài còn nói rằng, những kẻ giả hình luôn tự phô trương khi họ giúp đỡ người nghèo, khi cầu nguyện, hoặc kiêng ăn “để họ có thể được người khác khen ngợi.” Chúng ta hãy nghe sự đánh giá đúng mực và nghiêm khắc trong những lời phán tiếp theo của Ngài: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, họ đã nhận được phần thưởng của mình rồi” (Ma-thi-ơ 6: 2). Những người tìm cách lấy lòng người khác có thể tìm được niềm vui từ sự khen ngợi đến từ thế gian trong một phút chốc nào đó. Tuy nhiên, nếu đó là những gì họ sống để mưu cầu, thì đó cũng là tất cả những gì họ có được. Thêm một vài giải thưởng trong công việc, thêm một vài lời khen ngợi từ bạn bè, thêm một vài lượt yêu thích trên mạng xã hội, thêm một vài nụ cười và những cái vỗ về hời hợt – để rồi sau đó tất cả chỉ là phù du.

Khi việc tìm cách làm hài lòng người khác được thực hiện, thì điều chúng ta nhận lại được chỉ là sự một cạn cợt, hời hợt vô tâm và rốt cuộc là trống rỗng. Do đó, chúng ta phải nhận thức rằng một phần thưởng vô cùng to lớn, không bao giờ vơi cạn, và luôn đầy trọn khi chúng ta làm đẹp lòng Đức Chúa Trời cho dù có bất cứ ai nhìn nhận điều đó hay không.

  1. Hãy tìm kiếm sự ban thưởng từ Chúa

“Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng.” (Cô-lô-se 3: 23–24; Ê-phê-sô 6: 8)

Những người thích tìm cách làm người khác hài lòng có thể tận hưởng được niềm vui của sự khen ngợi trên đất, nhưng họ sẽ trật phần thưởng trên trời. Khi chúng ta ưa thích danh tiếng của con người hơn sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì một lời dối trá đáng sợ từ sự ca tụng của con người sẽ đem đến cho chúng ta sự thỏa mãn hơn là bữa tiệc cưới Chiên Con phước hạnh đang chờ đợi chúng ta (Khải Huyền 19: 9). Để tránh việc chuốc lấy hậu quả từ hành động giả hình thích lấy lòng con người, Chúa Giê-xu dạy chúng ta rằng:

“Nhưng khi con làm việc từ thiện, đừng để tay trái biết tay phải làm gì,  để việc từ thiện của con được kín đáo; và Cha con, là Đấng thấy trong nơi kín đáo sẽ ban thưởng cho con.” (Ma-thi-ơ 6: 3–4 TTHĐ)

Chúng ta không thể đo lường giá trị của phần thưởng này. Đối với những ai có mục đích sống là để làm vui lòng Đức Chúa Trời, Ngài sẽ không tiếc ban cho người ấy bất kỳ món quà hay niềm vui nào. “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32). Không có phần thưởng, thành tựu hoặc sự công nhận nào có thể khiến chúng ta hạnh phúc hơn với mọi điều chúng ta được nhận lãnh và trải nghiệm từ sự ban cho của Đức Chúa Trời (Thi Thiên 16:11). Hãy từ bỏ lòng khao khát được mọi người khen ngợi và tán thưởng và thay bằng việc khao khát cho những gì mà bạn chỉ có thể nhận lãnh từ Đức Chúa Trời.

Làm Đẹp Lòng Chúa, Yêu Mến Mọi Người

Hãy nhớ, việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không có nghĩa là xem thường người khác. “Vì Con Người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10:45). Chúa đặt sự quan tâm và lợi ích của chúng ta trên cả lợi ích của Ngài (Phi-líp 2:3–5) – hãy chiêm nghiệm về điều này! Ngài phán: “Bởi đó, mọi người sẽ biết rằng các ngươi là môn đồ của ta, nếu các ngươi có lòng yêu thương nhau” (Giăng 13:35). Việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không miễn trừ chúng ta bày tỏ lòng yêu thương sâu sắc và hi sinh vì người khác. Trái lại, điều này sẽ giải phóng chúng ta khỏi áp lực trước nhu cầu cần được khen ngợi hoặc sự lo sợ bị khước từ.

Vì vậy, hãy làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và yêu thương mọi người, như cách của Đấng Christ. “Một người lính ra trận, thì chẳng còn lấy việc đời lụy mình,” cũng chẳng cần lo lắng về việc mình sẽ được mọi người đón nhận hoặc ghi nhớ mình như thế nào “vì mục đích của anh ta là làm hài lòng kẻ đã chiêu mộ mình.” (II Ti-mô-thê 2:4). Hễ làm việc gì, hãy hết lòng hết trí mà làm trước ánh mắt nhân từ đầy yêu thương, dõi theo và oai nghi của Chúa. Nếu chúng ta biết vui thỏa và run rẩy trước mặt Ngài (Thi Thiên 2:11), thì sự cám dỗ để làm vui lòng con người sẽ bị lu mờ và tiêu tan.

Tác giả: Marshall Sega
Trần Thanh Trang dịch
Nguồn: DesiringGod

Bài trướcHội Đồng Bồi Linh Tỉnh Khánh Hòa Năm 2021
Bài tiếp theoLúa Mì, Lửa, Hay Búa? – 20/4/2021