Bài thứ 7: Cầu Nguyện Chân Thật

787

Đọc Thi-thiên 42:1-11

Câu căn bản: “Đức Chúa Trời ôi! Linh hồn con mơ ước Chúa như con nai cái thèm khát khe nước.” (câu 1).

 


Suy niệm:  Tác giả Thi-thiên này cho chúng ta một thí dụ về sự khác nhau giữa cầu nguyện và thực sự cầu nguyện.  Khi cầu nguyện tác giả muốn được tương giao với Chúa hơn bất cứ điều gì trong đời.  Có nhiều người cầu nguyện nhưng không thành khẩn muốn tâm giao với Chúa.  Bạn thử đọc lại câu 2: “Linh hồn con khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống.  Khi nào con đến và gặp mặt Ngài?”  Bạn có tha thiết muốn gặp Chúa như thế không?  Tác giả rất chân thành, thưa chuyện với Chúa về chính cảm nghĩ của mình!  Tính cách tâm giao như thế khi cầu nguyện mở đường cho Chúa đáp ứng những nhu cầu chứ không phải chỉ xã giao bề ngoài. Chúng ta hãy dùng Thi-thiên này như mẫu mực cầu nguyện với Chúa và xin Chúa trao đổi với mình.

 

Tác giả Thi-thiên 42 còn dẫn chúng ta vào những cấp độ cầu nguyện sâu xa hơn nữa.  Kinh nghiệm về tình thương vững bền của Chúa đưa tác giả trở về thân gần với Cha trên trời.  Những gì Chúa đã làm khiến chúng ta hi vọng những việc Ngài sẽ làm.  Ca ngợi cảm tạ làm cho lòng rộng mở.  Chúng ta càng cảm tạ Chúa bao nhiêu, chúng ta càng sẵn sàng đón nhận những kế hoạch của Chúa dành cho chúng ta bấy nhiêu.  Hãy khiến ngày hôm nay làm ngày cảm tạ Chúa về những ân lành Chúa ban cho chúng ta qua mọi nan đề và phức tạp của cuộc đời!

 

Chúng ta không cần lo lắng nữa khi đã dâng trình mọi sự việc lên Chúa của toàn vũ trụ này.  Chúng ta phải chân thành dâng lên Chúa lời cầu nguyện về những nhu cầu và rồi cảm tạ vì Chúa đã nghe và sẽ hành động để thực hiện.  Chúa Cứu Thế sẽ bảo vệ cho lòng chúng ta khỏi những điều làm chúng ta ưu tư lo lắng.

 

Cầu nguyện là một thời điểm suy niệm về những tư duy sáng tạo và tích cực về Chúa Cứu Thế và về những việc Chúa khả dĩ xử lý đối với các nan đề của chúng ta.

 

 

Bài trướcBài thứ 6: Hãy Ngưng Than Trách Và Bắt Đầu Xưng Tội!
Bài tiếp theoKhai Giảng Lớp Thánh Kinh Căn Bản Khóa II, Khu Vực I Tỉnh Đăk Lăk.