Bài thứ 42: Suy Niệm

890

Đọc Thi-thiên 119:1-16

Câu căn bản: “Con sẽ suy ngẫm kỷ cương Chúa, chú tâm vào đường lối của Ngài.  Con ưa thích luật lệ Chúa sẽ không quên lời của Ngài.” (câu 15-16).

 

 

Suy niệm:  Suy niệm là điều mà nhiều tôn giáo có thực hiện, nhưng trong thực hành, không có tôn giáo nào mạnh cho bằng Cơ-đốc-giáo.  Tuy nhiên, suy niệm Lời Chúa trong đạo Chúa đã bị quên lãng khá lâu, về sau nhiều nhóm tà giáo đem ra sử dụng như phương pháp tu luyện mới.  Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau: tĩnh tâm, tĩnh nguyện, giờ yên lặng, học biết Chúa mỗi ngày v.v. suy niệm là giây phút người tin Chúa dành riêng mỗi ngày để đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh và cầu nguyện.  Đơn giản chỉ có thế, nhưng bạn thử hỏi trong vòng các tín hữu quen thuộc xem có bao nhiêu người dành mỗi ngày năm phút để suy niệm về những vấn để tâm linh?  Bạn sẽ thấy thất vọng!  Ngay trang suy niệm này đã được soạn sang năm thứ ba, nhưng mỗi ngày cũng chưa có nhiều người mở ra đọc!

 

Thi-thiên chương 1 nói về người ưa thích lời Chúa và nghiên cứu ngày đêm.  Thi-thiên 119 ghi lại tâm sự của người tin Chúa ngày xưa: “Con sẽ suy ngẫm kỷ cương Chúa, chú tâm vào đường lối của Ngài.  Con ưa thích luật lệ Chúa, sẽ không quên lời của Ngài.”

 

Suy niệm Lời Chúa khác hẳn tụng kinh của nhiều tôn giáo khác.  Đó là lúc người con của Chúa ngưng lại tất cả hoạt động để tập trung vào một mình Chúa, nhận thức rằng mình thuộc về Cha Trên Trời và Ngài là Cha của mình.  Giây phút ấy người con cảm tạ Chúa hay suy nghĩ về các nan đề trong cuộc đời và dâng lên trước mắt Cha để cầu xin được yên tĩnh trong tâm linh.

 

Trong 24 tiếng đồng hồ, giờ suy niệm Lời Chúa tốt nhất là sáng sớm khi thức giậy, hay giây phút sau cùng trước khi nằm ngủ.  Nhiều khi những lúc vì lý do nào đó mất ngủ cũng có thể dùng để làm giờ suy niệm.

 

Sau đây là các đề nghị để cải tiến giờ Suy Niệm Lời Chúa:

1.      Tập trung vào Lời Chúa trong Kinh Thánh.  Cách hay nhất là lựa chọn những câu Kinh Thánh theo chủ đề rồi học thuộc; vào giờ suy niệm ôn lại.  Cũng nên mở Kinh Thánh đọc theo một lịch hướng dẫn hay theo bài Suy Niệm này mỗi ngày, rồi suy nghĩ về các ý nghĩa và sự áp dụng.

2.      Dành vài phút suy nghĩ về bản chất của Chúa : sự oai nghi vĩ đại của Ngài, tình thương bao la vô hạn.  Khi suy nghĩ như vậy, các nan đề của bạn sẽ trở nên quá nhỏ nhoi, giúp bạn tránh lo lắng và sợ hãi.

3.      Suy nghĩ về những gì Chúa đã làm cho cá nhân bạn.  Có thể hát một Thánh Ca mà bạn yêu thích, sau đó bạn cầu nguyện với Chúa theo thứ tự: Ca ngợi Chúa – Xưng tội – Cầu xin – Cảm tạ.

 

Bài trướcHiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo 2 Tỉnh Cà Mau & Bạc Liêu.
Bài tiếp theoBài thứ 43: Giá Mà !!!