Đọc Xuất Ai-cập ký 20:1-17
Câu căn bản: Con không được tham muốn nhà người lân cận con, cũng không được tham muốn vợ, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa hay bất cứ vật gì thuộc về người lân cận con. Câu 17.
Suy niệm: Điều Răn thứ mười: “Con không được tham muốn….” Đây là ánh đèn dò xét của Chúa quét từ chỗ hành động sang thái độ, tức là từ việc làm sang động lực thúc đẩy, từ chỗ những việc cấm làm đến chỗ ước muốn sai trái bị nghiêm cấm.
Chữ “tham” mang ý nghĩa mưu cầu một điều lợi bất chính và không ngay thật. Tham lam rất gần với ganh tỵ, tức là thấy người khác có điều gì mà mình không có và muốn chiếm đoạt cho mình.
Trong thư Cô-lô-se sứ đồ Phao-lô gọi tham lam là thờ hình tượng, vì những điều ta tham muốn trở thành thần tượng của ta, chế ngự tư tưởng và hành động, sai khiến ta tìm cơ hội để được thỏa mãn.
1 Ti-mô-thê 6:10 dạy rằng : “Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối.”
Điều Răn này có thể diễn ý là: “Con chớ tham muốn bất cứ điều gì thuộc về kẻ thân gần con.” Nghĩa là mỗi người phải thỏa lòng với những gì mình đang có. Thỏa lòng là đức tính bảo vệ ta chống lại cám dỗ đưa đến chỗ vi phạm các Điều Răn từ số 5 đến số 10.
Người không thỏa lòng là người chỉ nghĩ đến mình, và coi người khác như phương tiện để thỏa mãn lòng tham của mình. Còn người thỏa lòng không quan tâm lắm về cách người khác đối xử với mình và sống rất tự do và thoải mái.
Thánh Kinh trình bầy thỏa lòng như một bí quyết hạnh phúc. Người tin Chúa Giê-xu được bình an của Chúa làm cho thỏa lòng và tin rằng Chúa chu cấp mọi nhu cầu cho mình.
Hê-bơ-rơ 13:5-6 dạy rằng: “Chớ tham tiền, hãy hài lòng với những gì mình có, vì chính Đức Chúa Trời có phán: ‘Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu’. Như vậy, chúng ta có thể nói cách mạnh dạn: ‘Chúa giúp đỡ tôi, tôi sẽ không sợ. Người đời làm gì được tôi?’”