Bài thứ 291: Ngày Của Chúa

823

 Đọc Xuất Ai-cập ký 20:1-17

Câu căn bản: Hãy nhớ ngày nghỉ để giữ làm ngày Thánh.  Câu 8.

 

 

Suy niệm:  Điều Răn này bắt đầu với “Hãy nhớ” để nhắc dân Chúa về lịch sử hành hương về Ca-na-an khi Chúa không ban lương thực ma-na trong ngày thứ bảy, vì là ngày nghỉ; ngoài ra, ngay từ Sáng Thế ký 2:2 đã nói đến ngày nghỉ này. Việc tuân giữ ngày Sa-bát khởi đầu từ khi sáng tạo.

Ngày Sa-bát trong Cựu ước và Ngày của Chúa trong Tân ước. Ngày Sa-bát trong Cựu ước kỷ niệm cuộc sáng tạo và cuộc giải phóng dân Chúa khỏi Ai-cập.  Ngày của Chúa trong Tân ước kỷ niệm cuộc phục sinh của Chúa Cứu thế mở ra một kỷ nguyên mới cho loài người. (Giăng 20:19; Công Vụ 20:7; Khải Huyền 1:10 ).

Từ ban đầu cho đến có cuộc phục sinh của Chúa Giê-xu Đức Chúa Trời đã ấn định ngày thứ bảy của tuần lễ làm ngày Sa-bát; và từ khi Chúa Giê-xu phục sinh thì ngày thứ nhất trong tuần lễ là ngày Sa-bát của tín hữu thuộc Hội Thánh của Chúa Giê-xu phân biệt với ngày Sa-bát cổ truyền của Do-thái giáo.

Nếu ngày Chúa nhật là ngày Sa-bát của người tin Chúa Giê-xu thì chúng ta phải làm như chính Chúa Giê-xu đã làm. Chúa không dùng ngày Sa-bát để giải trí hay tiêu khiển nhưng để thờ phượng Chúa và làm việc từ thiện.

Chúng ta phải tôn kính Chúa không những chỉ là bằng lòng trung thành của chúng ta theo Điều Răn thứ nhất, trong đời sống tư duy, theo Điều Răn thứ hai và trong lời ăn tiếng nói theo Điều Răn thứ ba, nhưng còn bằng việc chúng ta dùng thì giờ trong nhịp độ làm việc và nghỉ.

Sáu ngày làm việc chấm dứt bằng một ngày nghỉ cho Chúa để nhắc nhở chúng ta rằng thời gian sống của chúng ta là Chúa ban cho, và chúng ta phải biết ơn. Khi chúng ta cam kết tin nhận Chúa và nói rằng: “Xin Chúa chấp nhận cuộc đời của con” thì trong cuộc đời ấy có cả những phút giây và thời gian của ta. Vâng giữ đúng Điều Răn thứ tư là như vậy.

 

Bài trướcTHƠ: Ngày Trở Về
Bài tiếp theoLễ Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành Dâng Nglung – Đăk Nông