Ba Điều Cần Nhớ Khi gặp Khó Khăn Trong Đời Sống

5607

HTTLVN.ORG – Cuộc sống thật khó khăn. Có ai không đồng ý như vậy không? Mới đây, trong lớp Trường Chúa nhật, giáo viên yêu cầu chúng tôi liệt kê những lĩnh vực chúng tôi cảm thấy Chúa đang thử thách mình. Ngay lập tức, có người nói sức khỏe. Hoặc chúng ta hoặc người thân của chúng ta đang khổ sở với bệnh tật. Người khác thì nhắc đến vấn đề trong công việc. Nhiều cái gật đầu đồng ý. Sau đó chúng tôi nói đến sự căng thẳng liên quan đến con cái. Khi giáo viên hỏi có phải thử thách sẽ chấm dứt khi con cái không còn ở chung với chúng ta không (lớp chúng tôi phần lớn trong độ tuổi 50 và bước vào 60), tất cả đều nói không. Vấn đề thay đổi, nhưng một khi đã là cha mẹ thì mãi là cha mẹ. Rồi có người đề cập đến sự phản bội. Cả lớp trở nên nghiêm nghị khi nghe từ này vì tất cả chúng tôi đều từng bị bạn bè làm cho thất vọng. Một số người bị người phối ngẫu ruồng bỏ. Khi giáo viên đề cập tiền bạc là nguyên nhân gây ra những nan đề tiềm ẩn, ông cười và nói một số người gặp nan đề vì có quá nhiều tiền. Ông nói: “Không biết trong chúng ta có ai gặp vấn đề đó không?” Nhưng tiền bạc (hay thiếu tiền) thường là nguyên nhân số một dẫn đến bất hòa trong hôn nhân.

 Thử thách chỉ dành cho bạn

Có người nói rằng Đức Chúa Trời làm cho thử thách phù hợp với từng người để không thể so sánh những gì xảy đến cho tôi với những việc xảy đến cho bạn. Những cuộc chiến của chúng ta không giống nhau, vì chúng ta có một Cha Thiên Thượng khôn ngoan, làm cho thử thách vừa khớp với mỗi người. Gia-cơ chắc sẽ đồng ý với điều này. Trong một phương diện, toàn bộ lá thư của ông nói về cách đáp ứng đúng đắn khi ở dưới áp lực. Ông đã nhắc chúng ta nhớ rằng thử thách là điều cần thiết cho sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta (Gia-cơ 1:2-4) và rằng phước hạnh dành cho những người có đáp ứng đúng đắn (Gia-cơ 1:12) và không đổ lỗi cho Chúa khi gặp khó khăn (Gia-cơ 1:13-15). Trong Gia-cơ 1:16-18 ông đưa ra lập luận bằng cách nhắc chúng ta rằng Đức Chúa Trời lúc nào cũng tốt lành, ngay cả khi chúng ta đối diện thử thách khốc liệt nhất. Chúng ta có thể nói như thế này: Không phải Đức Chúa Trời đang bị thử nghiệm trong cơn thử thách của chúng ta; mà chúng ta mới là người bị thử nghiệm. Ngài dùng những hoàn cảnh khó khăn để thử nghiệm đức tin chúng ta. Phân đoạn này cho chúng ta thấy ba điều cần nhớ nếu muốn vượt qua thử nghiệm với kết quả mỹ mãn.

  1. Nhớ đến tình yêu của Đức Chúa Trời

“Hỡi anh em yêu dấu, chớ tự dối mình” (c. 16). Khi khó khăn đến, thật dễ đổ lỗi cho Chúa về nan đề của chúng ta. Giống như A-đam trong vườn Ê-đen, chúng ta là những chuyên gia đổ thừa.

 “Đó không phải lỗi của con. Con không đáng bị như vậy. Ngài đã khởi đầu việc đó. Ma quỷ khiến con làm như vậy. Con không thể kiểm soát bản thân. Họ cố tình hãm hại con. Toàn bộ là sự lừa đảo. Con thật là xui xẻo. Nếu con già hơn/ trẻ hơn/ giàu hơn/ thông minh hơn/ độc thân/ có gia đình/ học hành tốt hơn/ có mối quan hệ tốt hơn, thì điều đó chẳng xảy đến cho tôi”. Cuối cùng, mọi lời biện hộ đều dẫn chúng ta quay về với Chúa. Ngài là Đấng có liên quan đến chúng ta. Ngài tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta sự sống, và một ngày kia chúng ta sẽ khai trình với Ngài. Tất cả những lời biện hộ trơn tru đều sẽ bị vạch trần là dối trá khi chúng ta đứng trong ánh sáng chói lòa của sự toàn hảo của Ngài. Vì vậy, đừng để bị lừa dối cho rằng bạn có thể đổ lỗi cho Chúa về những cám dỗ mình đối diện. Đó là điều đầu tiên Gia-cơ muốn chúng ta nhận biết.

Mọi lời bào chữa đều là đổ lỗi cho Đức Chúa Trời

Ông thêm vào một lẽ thật quan trọng khi gọi độc giả là “anh em yêu dấu của tôi”. Đó không chỉ là thuật ngữ bày tỏ lòng yêu mến. Gia-cơ hẳn không biết hết tất cả những Cơ Đốc nhân Do Thái bị tản lạc ở nhiều nơi (xem Gia-cơ 1:1). Cụm từ này không giống như thể ông đang nói “Tôi yêu mến anh em”. Dĩ nhiên đúng là như vậy, nhưng cụm từ mang ý nghĩa sâu sắc hơn thế. Gia-cơ đang nhắc độc giả của mình rằng họ được Chúa yêu rất nhiều. Họ là anh chị em trong Đấng Christ, những người đã kinh nghiệm tình yêu thương của Đức Chúa Trời cách sâu sắc. Ông thật sự đang nói “khi anh em bị cám dỗ thì đừng bỏ cuộc, hãy nhớ Chúa yêu thương anh chị em nhiều đến mức nào.” H. B. Charles Jr nói như thế này: “Hiểm họa của tội nhân chưa được cứu là sự vô tín. Hiểm họa của tội nhân đã được cứu là lòng tin sai trật.”

Coi chừng “lòng tin sai trật!”

Chúng ta “tin sai” khi quên giá Đức Chúa Trời đã trả để cứu chúng ta. Chúng ta “tin sai” khi quên cái hố mà từ đó mình được giải cứu. Chúng ta “tin sai” khi buộc tội Đức Chúa Trời bạc đãi chúng ta. Thật sự không có thuốc nào chữa căn bệnh “tin sai” ngoại trừ thay thế điều sai lầm bằng lẽ thật. Tôi có gặp một người phụ nữ tin nhận Chúa khi đang tuyệt vọng với hầu như mọi tội lỗi mà bạn có thể tưởng tượng ra. Khi đến nhà thờ, cô không gặp khó khăn gì trong việc nhận rằng mình là một tội nhân. Trong thư điện tử gửi cho tôi,  cô liệt kê nhiều tội lỗi của mình, và nói thế này:

Một đêm kia, tôi vừa lái xe trong giờ cao điểm trên đường cao tốc, vừa nghe một chương trình phát thanh Cơ Đốc. Tôi không biết chính xác ai đang nói trên đài, nhưng có ai đó đang nói về sự đóng đinh và tôi không biết chuyện gì đã xảy ra- tôi bắt đầu khóc và nói đại loại như “Chúa Giê-xu ôi, xin tha thứ cho những tội con đã phạm với Ngài. Con xin lỗi Ngài, sau hết những gì Ngài đã làm cho con, thì con đã làm gì cho Ngài – bây giờ con biết Ngài là ai.” Cảm xúc trong xe hơi lúc đó tuôn tràn. Tôi không biết chuyện gì xảy ra lúc đó – nhưng bây giờ thì tôi biết. Thánh Linh đã giáng xuống trên tôi, kêu gọi tôi đến với Chúa Giê-xu và tôi đã đến. Chẳng phải đó là một trải nghiệm lạ thường trong cuộc đời tôi, và điều đó đã xảy ra trong giờ giao thông cao điểm vào một đêm lạnh giá tháng Mười một sao? Tôi ra khỏi nhà sáng hôm đó và khi trở về trong đêm là một người phụ nữ khác- tôi không giải thích được chuyện gì đã xảy ra.

Xin được trích dẫn bài hát tôi yêu thích, có vẻ rất thích hợp ở đây, và trong bài có một câu chắc chắn tóm tắt tất cả những điều đã xảy ra kể từ khi tôi tin Chúa: “Ngợi ca Chúa Từ ái, ban ơn lạ lùng, đời tôi vốn tràn những lệ đắng. Tôi đã hư mất bao ngày, lầm than trong nơi tội đầy, mà ơn Chúa còn đoái thương tôi.”

Cô ấy ký tên “Người đang nương náu dưới chân thập tự giá”. Đó chính là nơi chúng ta phải luôn luôn có mặt. Ngày nào chúng ta còn nương náu tại thập tự giá, suy ngẫm về điều Chúa Giê-xu đã làm cho chúng ta, thì chắc chắn chúng ta không bị lừa dối khi đối diện khó khăn.

  1. Nhớ đến lòng nhân từ của Chúa

“Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao, và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào” (c. 17). Đề tài có vẻ thay đổi đột ngột, nhưng mạch tư tưởng thì rõ ràng. Chúng ta không được đổ lỗi cho Chúa về những cám dỗ của mình vì ước muốn xấu xa dẫn đến tội lỗi và rồi dẫn đến sự chết (câu 13-15). Hai lần Gia-cơ cảnh báo chúng ta không được đổ lỗi cho Chúa về những nan đề của mình. Khi phạm tội, chúng ta chỉ có tự trách mình mà thôi.

 Mọi điều tốt lành đều đến từ Chúa

Câu 17 nêu lên một sự tương phản. Mọi điều tốt đẹp trong thế giới này cuối cùng đều bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Nếu điều đó là tốt, ấy là vì Đức Chúa Trời đã làm điều đó, Ngài ban hay Ngài gửi điều đó đến cho chúng ta. Những lời lẽ quen thuộc của bài Thánh Ca 23 khẳng định rất rõ ràng: “Tôn vinh Chân Thần nguồn ơn vô đối”. Tôi thắc mắc liệu chúng ta có thật sự tin như thế không. Chúng ta có hiểu rằng chúng ta sống động ngay lúc này vì Chúa muốn chúng ta sống không? Chúng ta thở được vì Ngài ban cho chúng ta không khí để thở và lá phổi để hít không khí vào. Nếu Chúa rút lại bàn tay ban ơn phước, thì không một ai trong chúng ta có thể hít thêm hơi thở nào nữa. Chúng ta nhìn thấy, nghe, di chuyển, suy nghĩ, cười, vỗ tay, mơ ước và khóc lóc đều vì Chúa cả. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều biết như vậy, nhưng hiếm khi chúng ta nghĩ đến điều này. Hiếm khi chúng ta dừng lại để tạ ơn Chúa về phước sự sống Ngài ban cho. Nhưng mới đây tôi có nghe một tin đáng buồn rằng con trai của Phó tổng thống Joe Biden là Beau đã qua đời ở tuổi 46 vì ung thư não. Ông là một trong những người quyền lực nhất trên đời này, nhưng con trai ông lại mất vì ung thư. Danh sách bệnh tật và đau đớn dường như kéo dài mãi. Không sớm thì muộn, sự chết đều đến với tất cả chúng ta.

Nương náu dưới chân thập tự

Nếu bạn có thể đọc được những dòng chữ này, hẳn bạn đang sống. Nếu bạn vẫn còn sống, đó là quà tặng từ Đức Chúa Trời. Nếu Chúa ban cho bạn món quà sự sống, lẽ nào bạn không tạ ơn Ngài sao? Chúng ta nên suy nghĩ về câu hỏi của Phao-lô ở I Cô-rinh-tô 4:7 “Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao?” Bạn có khoe khoang về của cải hay danh tiếng hay tài năng hoặc thành tích của mình không? Bạn có nghĩ rằng mình xinh đẹp chỉ vì do di truyền không? Ai ban cho bạn tài năng, sức lực, óc sáng tạo và tài khéo léo? Ai ban cho bạn những phước lành mà bạn cho là chuyện đương nhiên?

Cơn mưa nhẹ từ trời

Gia-cơ nhấn mạnh điều này khi ông nói mọi tặng phẩm tốt đẹp đều bởi Cha sáng láng “mà xuống”. William Shakespeare nhắc chúng ta rằng “Lòng thương xót không gượng ép, mà rơi xuống như cơn mưa nhẹ từ trời”.

Những dòng thơ nổi tiếng trong bài The Merchant of Venice đúng trong mọi phương diện. Lòng thương xót lúc nào cũng ban xuống. Lòng thương xót bắt đầu với Đức Chúa Trời và hướng đến con người. Lòng thương xót bắt đầu từ trời, và kết thúc trên đất. Bạn đừng mặc cả về lòng thương xót vì để mặc cả, bạn phải có gì đó để đưa ra, mà chúng ta thì chẳng có gì để đưa cho Chúa cả. Lòng thương xót thật sự giống như cơn mưa nhẹ làm mềm mảnh đất cứng cỏi là tấm lòng con người.

Chúng ta sống động vì Chúa muốn chúng ta sống động

Chúng ta cần điều này vì chúng ta là tội nhân tệ hại hơn chúng ta nghĩ. Ngay cả Cơ Đốc nhân tốt đẹp nhất cũng không có hy vọng gì về thiên đàng nếu không có ơn thương xót sáng ngời của Chúa. Nếu Ngài không tha thứ và tiếp tục tha thứ, nếu Ngài không tiếp tục tuôn đổ lòng thương xót như “cơn mưa nhẹ từ trời”, thì chúng ta hoàn toàn bị hư mất. Chúng ta đang phục vụ Đức Chúa Trời nào? Ngài hoàn toàn tốt lành. Ngài luôn luôn tốt lành. Ngài mãi mãi tốt lành.

Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thôi tốt lành

Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thôi tốt lành. Ngài không thể ít tốt lành hơn. Mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp cả. Ngài không tốt lành hôm nay rồi ngày mai trở nên xấu xa. Ngài không đổi ý thất thường và quyết định hôm nay tử tế nhưng ngày mai thì hà khắc. Chúng ta là như thế, nhưng Chúa thì không. Khi bạn bị cám dỗ đầu hàng, hãy nhớ đến sự nhân lành của Đức Chúa Trời. Khi bạn cảm thấy như muốn nhượng bộ cám dỗ, hãy nhớ đến đức nhân từ của Đức Chúa Trời. Khi bạn không muốn sống nữa, hãy nhớ đến sự nhân từ của Chúa.

  1. Nhớ đến ân điển của Chúa

“Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta, hầu cho chúng ta được nên như trái đầu mùa của những vật Ngài dựng nên” (c.18). Khi Gia-cơ nghĩ đến lòng nhân từ của Chúa, ông tự nhiên sử dụng một minh họa mà độc giả của ông sẽ hiểu. Cụm từ “sanh chúng ta” dịch từ từ liệu Hy Lạp có nghĩa là “sanh ra”. Chúng ta biết gì về sự sanh ra từ thiên thượng này?

Bắt đầu từ Đức Chúa Trời

Phân đoạn Kinh Thánh nói rằng Chúa cứu chúng ta “theo ý muốn Ngài”. Cho dù chúng ta có thể nói gì khác nữa về “ý chí tự do” của chúng ta, thì cũng cần hiểu rõ một điều quan trọng là Sự cứu rỗi không bắt đầu từ chúng ta, mà từ Đức Chúa Trời.Tôi nhớ đến một tân tín hữu đã hết sức vui mừng đứng lên trong buổi nhóm cầu nguyện để làm chứng thể nào Chúa Giê-xu đã cứu mình. Sau đó, một Cơ Đốc nhân lớn tuổi có ý muốn răn bảo anh nên nói “Anh ơi, những gì anh chia sẻ rất tuyệt, nhưng anh không nói gì về điều anh phải làm trong sự cứu rỗi cả.” Người tân tín hữu trả lời “Điều tôi phải làm là chạy đến với Chúa càng nhanh càng tốt. Điều Chúa phải làm là theo đuổi tôi cho đến khi tìm được tôi và cứu tôi bởi ân điển của Ngài.” Gia-cơ đồng ý với câu trả lời đó. Sự cứu rỗi là của Chúa. Đôi lúc chúng ta nói “Tôi đã tìm thấy Chúa”, là điều hoàn toàn đúng. Nhưng nếu Chúa không tìm thấy chúng ta trước, thì chúng ta không bao giờ có thể tự mình tìm thấy Ngài.

Sản sinh đời sống mới

Tại sao chúng ta cần đời sống mới? Câu trả lời thật đơn giản. Chúng ta cần đời sống “mới” vì đời sống “cũ” chúng ta có từ khi sinh ra đầy dẫy tội lỗi và sự bất tuân. Như Gia-cơ vừa mới nói trong câu 14-15, tư dục sinh ra tội lỗi, tội lỗi dẫn đến sự chết. Warren Wiersbe nói như thế này:

“Bằng cách làm cho chúng ta được sanh lại, Đức Chúa Trời tuyên bố Ngài không thể chấp nhận sự ra đời trước đó…Ngài khước từ lần đầu tiên bạn được sinh ra (cho dù trong mắt con người có thể bạn có xuất thân cao quý), và Ngài thông báo rằng bạn cần được sinh ra lần thứ hai” (Hãy Trưởng Thành, tr. 53).

Đó là lý do Chúa Giê-xu phán “Ngươi phải được sanh lại” (Giăng 3:7). Tái sanh không phải là một lựa chọn nếu bạn muốn lên thiên đàng. Ngay cả những người tốt đẹp nhất trong chúng ta cũng cần được sanh lại. Đó là tặng phẩm của Đức Chúa Trời, được ban cho bởi ân điển và nhận lãnh bởi đức tin.

Đến bởi Lời của Lẽ thật

Đó là lý do chúng ta phải rao giảng Lời Chúa! Lời đem lại sự sống không phải lời của chúng ta. Tôi có thể nói đến khi mỏi mệt, nhưng lời nói của tôi không bao giờ ban sự sống. Lời của tôi là lời của con người. Chúng có những giới hạn đi chung với xác thịt của tôi. Lời tôi nói có thể làm cho người ta cười, hoặc an ủi hay làm người ta nổi giận hay cay đắng. Lời của tôi có thể chỉ dẫn hoặc thách thức. Nhưng lời tôi nói tự thân nó chẳng có năng lực để ban sự sống.

Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể ban sự sống

Nhưng Lời Chúa thì khác. Vì lời đó đến từ Đức Chúa Trời, nên có thẩm quyền tối thượng. Vì đó là lời chân thận, nên đáng tin cậy hoàn toàn. Hê-bơ-rơ 4:12 nhắc chúng ta rằng Lời Đức Chúa Trời “sống và linh nghiệm”. Đó là thanh gươm bóc trần những điều giấu kín trong lòng. Khi chúng ta giảng Lời Chúa trong năng quyền của Thánh Linh, lời ấy sẽ xuyên thấu từng tấm lòng, phơi bày mọi tội lỗi, vạch trần mọi lời biện hộ, chỉ ra nhu cầu của chúng ta và dẫn chúng ta đến với thập tự giá của Đấng Christ nơi chúng ta có thể được tha thứ.

Hoàn toàn biến đổi chúng ta

Các độc giả Do Thái ở thế kỷ thứ nhất quen thuộc với khái niệm “trái đầu mùa”. Mỗi năm, phần thu hoạch đầu tiên được để riêng cho Chúa như lời chứng rằng toàn bộ vụ mùa thuộc về Chúa. Khi gọi chúng ta là “trái đầu mùa” có nghĩa là chúng ta là dấu hiệu cho thế giới biết rằng vụ thu hoạch lớn đang đến. Đức Chúa Trời muốn dùng chúng ta để phô bày ân điển của Ngài cho cả thế giới. Chúng ta phải là “Vật trưng bày A” về những điều Đức Chúa Trời có thể làm qua những con người lầm lỗi, đau khổ. Bạn có thể nói công việc của chúng ta là gây ra lỗi lầm và đau khổ. Chúng ta đã đóng đinh phần đó. Công việc của Chúa là bày tỏ ân điển Ngài qua những con người như chúng ta. Ngài đang làm điều đó suốt ngày suốt đêm.

Chúng ta là những con người lầm lỗi và đau khổ

Điều đó giúp chúng ta nhìn những thử nghiệm của mình từ một góc nhìn mới. Gần đây, tôi bắt gặp câu này trên trang Facebook của một người bạn: “Khi mọi chuyện đã xong, bạn sẽ phát hiện ra rằng nó không hề là chuyện ngẫu nhiên”. Nếu đời sống bạn hiện tại có vẻ như chuyện tình cờ, thì bạn có thể chắc chắn rằng tất cả chưa kết thúc. Chúng ta không bao giờ thật sự “kết thúc” trong đời này vì Chúa luôn có thêm việc để làm trong chúng ta. Để kết thúc sứ điệp này, chúng ta hãy tóm lược bằng cách nhắc chính mình lẽ thật mà chúng ta đã nghe trước đó: Không phải nói về tôi mà về Chúa. Không phải chuyện bây giờ mà là cõi đời đời.

Không có hy vọng nửa vời

Hiện tại thường không có ý nghĩa gì với chúng ta. Tôi không có công thức thần thông nào cho bạn để bạn xua đuổi nỗi sợ hãi, quét sạch sự hỗn loạn, và lau khô những giọt nước mắt. Chúng ta được nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng mưa phải rơi vào từng cuộc đời. Đôi khi chỉ là cơn mưa lắc rắc, có khi lại đổ ào xuống và thỉnh thoảng như cơn nước lụt dọa nhấn chìm chúng ta. Nói cách khác, nếu bạn đi đến nơi mà mọi câu hỏi được trả lời, mọi vấn đề được giải quyết, và mọi thử thách đều tan biến, thì hãy ngồi xuống thư giãn. Bạn đã đến được thiên đàng rồi đấy. Còn từ bây giờ cho đến lúc đó, luôn có “nguy hiểm, khó khăn, cám dỗ” trước mặt chúng ta. Không ai được miễn trừ khỏi những khốn khó của đời này. Nhưng ân điển đã đưa chúng ta đến đây thì chắc chắn sẽ dẫn chúng ta về nhà với Chúa cách an toàn. Ai đó đã trải qua giai đoạn khó khăn đã viết như vầy trên Facebook: Hy vọng là việc khó khăn. Bạn thật sự không thể hy vọng nửa vời. Hoặc là bạn hy vọng về điều gì đó, hoặc là bạn không hy vọng.

Khi gặp phải khó khăn…Hãy nhớ đến tình yêu của Chúa. Nhớ đến sự nhân từ của Chúa, và nhớ đến ân điển của Ngài. Một trí nhớ tốt để nhớ những điều đúng sẽ giúp bạn mạnh mẽ khi gặp khó khăn.

Lược dịch: Khuê Trần
Tác giả: Ray Pritchard/Bible Study Tools

Bài trướcHội Đồng Bồi Linh Tỉnh Phú Yên 2019
Bài tiếp theoTP.HCM: Tổng Kết Lớp Huấn Luyện Âm Nhạc Khoá I