Anh Em Như Thể Tay Chân – 2/11/2018

4910

 

I Cô-rinh-tô 12:12-27

12 Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. 13 Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa. 14 Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể. 15 Nếu chân rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân. 16 Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân. 17 Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu? 18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định. 19 Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu? 20 Vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân.
21 Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chân rằng: Ta chẳng cần đến bay. 22 Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng. 23 Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn, 24 còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, 25 hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. 26 Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng.
27 Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy.

Câu gốc: “Chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau” (Rô-ma 12:5).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô lấy hình ảnh gì để minh họa về Hội Thánh? Hình ảnh đó nói lên điều gì trong mối liên hệ với nhau trong Hội Thánh? Là các chi thể trong cùng một thân, chúng ta phải sống với nhau như thế nào?

Trong thư gửi cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô, Sứ đồ Phao-lô đã nhờ ơn Chúa vẽ lên một bức tranh tuyệt vời về sự hiệp nhất trong Hội Thánh qua hình ảnh của một thân thể. Ông ví sánh mỗi Hội Thánh địa phương là một thân thể của Đấng Christ mà chính Ngài là Đầu (Ê-phê-sô 5:23). Trong một thân thì có nhiều chi thể và mỗi chi thể giữ vai trò và chức năng khác nhau, nhưng tất cả các chi thể phải hòa quyện với nhau để cùng thực hiện tốt chức năng của thân và cùng xây dựng thân thể khỏe mạnh.

Sứ đồ Phao-lô cũng nêu ra ví dụ cụ thể rằng chi thể này không thể nói chẳng cần đến chi thể kia (câu 21) hay cho rằng mình không thuộc về thân (câu 15-16). Và cả thân cũng không thể chỉ có một chi thể giống nhau: “ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?” (câu 17). Ông đưa ra những hình ảnh này để các tín hữu thấy rằng Chúa đặt để mỗi thành viên trong Hội Thánh ở những vị trí với những trách nhiệm và chức năng khác nhau (câu 18-20). Từng chi thể phải nhận biết vị trí cũng như chức năng của mình để thực hiện tốt theo sự đặt để của Chúa. Hơn thế nữa, mỗi chi thể phải biết “lo tưởng” đến nhau để giúp nhau cùng tăng trưởng (câu 23-25). Nếu có một chi thể bị suy yếu thì sẽ ảnh hưởng đến cả thân. Trái lại, khi một chi thể được tôn trọng thì các chi thể khác cũng được vui mừng (câu 26).

Tục ngữ Việt Nam có câu: “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, quan niệm con người còn như vậy huống chi là những chi thể trong thân của Chúa. Chúng ta nên sống yêu thương, hiệp một chân thành với nhau trong Hội Thánh. Khi một tín hữu có nan đề thì các con cái Chúa khác phải biết quan tâm, hỗ trợ và nâng đỡ, khích lệ lẫn nhau. Chúng ta là anh em trong Hội Thánh dù có khác nhau về sắc tộc, hoàn cảnh, giai cấp… nhưng tất cả đều có chung một Cha Thiên Thượng và chung một Thánh Linh trong cùng một thân của Đấng Christ, vì vậy Hội Thánh phải hiệp một với nhau (câu 13). “Anh em như thể tay chân” rất đúng với ý nghĩa hình ảnh Hội Thánh mà Sứ đồ Phao-lô mô tả ở đây. Ngoại trừ tay giả hoặc chân giả, thì tay hay chân không thể tách rời khỏi thân, cũng vậy, mỗi tín hữu trong Hội Thánh cần gắn bó yêu thương nhau và liên kết với thân để được lớn lên và khỏe mạnh.

Các tín hữu tại Hội Thánh bạn có cư xử với nhau như anh em trong một gia đình không?

Lạy Chúa, xin giúp con ý thức con là một chi thể trong thân thể của Chúa để con luôn biết sống yêu thương và lo tưởng đến các chi thể khác trong thân thể Ngài.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Các Quan Xét 14.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcHiệp Nguyện Tỉnh Hậu Giang Tháng 10/2018
Bài tiếp theoBổ Nhiệm MS Huỳnh Công Danh Làm Quản Nhiệm Chi Hội Bình Thủy, Tp. Cần Thơ