Khiêm Nhường, Mềm Mại, Nhịn Nhục – 2/5/2021  

4913

 

Ê-phê-sô 4:1-3

“Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chiều nhau” (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô thách thức con cái Chúa phải sống xứng đáng với điều gì? Điều đó khiến chúng ta phải trở nên những con người như thế nào? Qua đó chúng ta sẽ giữ được điều gì trong Hội Thánh?

Chúa cứu chúng ta, ban cho quyền trở nên con cái Ngài và đặt chúng ta trong Hội Thánh như những người đại diện cho Chúa trên đất. Vì thế, Sứ đồ Phao-lô thách thức con dân Chúa phải sống xứng đáng với ơn Chúa ban, phải trở nên người “khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chiều nhau” (câu 2).

“Khiêm nhường” là phẩm tính quan trọng mà mỗi Cơ Đốc nhân cần phải học. Khiêm nhường là biết hạ mình, xem người khác quan trọng hơn mình. Chúa Giê-xu đã để lại tấm gương khiêm nhường tuyệt đối khi Ngài bằng lòng từ bỏ địa vị cao sang nơi Thiên đàng, hạ mình xuống thế gian làm người và gánh chịu cái chết nhục nhã trên thập tự giá (Phi-líp 2:1-11). Là con cái Chúa, chúng ta phải học theo gương của Ngài, phải hết sức khiêm nhu, hạ mình vì người khác và vì sự vinh hiển của Chúa.

“Mềm mại” là phẩm tính tiếp theo mà con cái Chúa cần phải có. Mềm mại hay nhu mì không có nghĩa là yếu đuối, nhu nhược, nhưng là sức mạnh có thể thuyết phục người khác. Trong tiếng Hy Lạp, từ “mềm mại” được dùng cho một loại thuốc giảm đau, mang ý nghĩa làm dịu sự căng thẳng hay đau đớn. Chúa Giê-xu từng phán: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường, nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:29). Chúng ta hãy học theo gương Chúa để có tấm lòng “nhu mì, khiêm nhường” nhằm giúp người khác đến với Chúa và có thể được “yên nghỉ”.

“Nhịn nhục” là phẩm tính gắn liền với nhu mì, mềm mại. Trong cách cư xử với nhau, khi chúng ta mềm mại thì sẽ có thể nhịn nhục được, và khi chúng ta nhịn nhục được thì sẽ trở nên mềm mại. Nhịn nhục là một trong những vẻ đẹp của Cơ Đốc nhân khi sống trong tình yêu thương vì chỉ khi tình yêu hiện diện, chúng ta mới có thể nín chịu và kiên nhẫn với người khác. Sứ đồ Phao-lô cũng đề cập điều này khi mô tả về tình yêu thương: “tình yêu thương hay nhịn nhục” (I Cô-rinh-tô 13:4). Như vậy, nhịn nhục là sẵn sàng chịu đựng, không kháng cự và nhẫn nhịn lắng nghe trong tình yêu thương và sự hạ mình.

Tiếp theo, Sứ đồ Phao-lô khuyên con cái Chúa “cố gắng duy trì sự hiệp nhất của Thánh Linh bằng sợi dây hòa bình” (câu 3 BTTHĐ). Hội Thánh Chúa cần sự hiệp nhất, vì thế mỗi con cái Chúa phải cố gắng “dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một” ấy. Hòa bình sẽ có được khi con cái Chúa biết sống với nhau trong tinh thần khiêm nhường, mềm mại và nhịn nhục. Hội Thánh Chúa sẽ phát triển khi mọi người hòa thuận hiệp một và cùng nhau gây dựng Hội Thánh.

Bạn có đang sống khiêm nhường, mềm mại và nhịn nhục với mọi người không?

Lạy Chúa, xin giúp con luôn sống khiêm nhu, mềm mại, nhẫn nhục và biết chịu đựng người khác trong tình yêu thương.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lê-vi Ký 25:47 – 26:13

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị ovui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/channel/UCaSY8ebjVfMKhPups5jZ9yw

 

Bài trướcBồi Linh – Thông Công Thanh Thiếu Niên Tin Lành Tỉnh Đồng Tháp
Bài tiếp theoKlei Luă Gŭ, Êdu Êun, Klei Gĭr  – 2/5/2021