Không Được Trộm Cắp – 29/8/2020

3297

 

Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15

“Ngươi chớ trộm cắp.”

Câu hỏi suy ngẫm: Trộm cắp là gì? Trộm cắp vi phạm những nguyên tắc căn bản nào trước mặt Chúa? Ngày nay, con dân Chúa có thể vi phạm điều răn này dưới những hình thức nào?

Trộm cắp là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái phép. Trộm cắp bị xem là hành vi phạm tội cơ bản trong pháp luật ở mọi quốc gia. Với Chúa thì người trộm cắp vi phạm luật công bình của Đức Chúa Trời. Chúa ban cho mỗi người khả năng, ân tứ và một vị trí nhất định trong xã hội. Ngài muốn mọi người chăm chỉ làm việc, hoàn thành công việc đã được phân định để mưu sinh cho mình và gia đình. Không ai được phép biếng nhác lao động nhưng lại muốn hưởng thụ bằng cách chiếm đoạt thành quả lao động của người khác (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10). Ngoài ra, người trộm cắp vi phạm luật yêu thương. Chúa là tình yêu, con dân Ngài cũng phải bước đi trong sự yêu thương. Chúa Giê-xu đã tóm tắt điều răn thứ hai về mối liên hệ giữa con người với nhau là “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma-thi-ơ 22:39b). Con dân Chúa phải sống với luật vàng Chúa dạy: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri” (Ma-thi-ơ 7:12).

Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khẩn cấp, chúng ta có thể hỏi xin hay hỏi mượn người lân cận mình. Trong trường hợp này, “Lá lành đùm lá rách” là một hình ảnh đẹp vô cùng! Khi gia đình và cả cộng đồng Hội Thánh biết sống yêu thương, chia sẻ với nhau, không lợi dụng nhau, thì mọi người đều vui vẻ và xã hội được thái an. Đó cũng là lý do Chúa Giê-xu dạy con dân Chúa không nên từ chối giúp đỡ nhau: “Ai xin của ngươi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ” (Ma-thi-ơ 5:42).

Hành vi trộm cắp là biểu hiện của người tham ăn mà biếng làm, không thỏa lòng về những điều Chúa ban cho mình, thiếu đức tin nơi Chúa là Đấng chu cấp vật thực mỗi ngày. Ngoài ra, trộm cắp cũng có thể là biểu hiện của người có lòng kiêu ngạo, không muốn hạ mình nhờ người khác giúp đỡ mình.

Có lẽ hầu hết Cơ Đốc nhân không trộm cắp về vật chất như bạc vàng, con gà, trái bí v.v… Nhưng có thể chúng ta đang vô tình trộm cắp những tài sản phi vật chất như bản quyền, thông tin, ý tưởng, dịch vụ, thời gian hay sức lực của người khác. Là người làm công, chúng ta phải làm hết sức mình như làm cho Chúa, làm đúng và đủ thời gian quy định (Cô-lô-se 3:23). Là người chủ, chúng ta cần bảo đảm cung cấp tất cả các quyền lợi chính đáng cho công nhân làm việc dưới sự giám sát của mình (Cô-lô-se 4:1). Mỗi người phải tâm niệm sống đúng theo điều răn Chúa dạy: “Ngươi chớ trộm cắp”.

Bạn được Chúa nhắc nhở về những hình thức trộm cắp nào bạn đang vướng vào? Bạn có quyết định sẽ thay đổi ra sao?

Lạy Chúa, con cầu xin Ngài tha thứ cho con vì con đã trộm cắp nhiều thứ, dưới nhiều hình thức làm tổn hại cho người lân cận mình. Xin Chúa thêm tình yêu và đức tin cho con, để con sống yêu thương người khác như chính mình.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-ghê 1.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcLong An: Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Chi Hội Long Hựu    
Bài tiếp theoKinh Thánh Dạy Gì Về Người Mẹ Cơ Đốc?