Phục Truyền 6:4-9
“Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai” (câu 4).
Câu hỏi suy ngẫm: Nội dung sứ điệp trong câu 4 nhấn mạnh điều gì? Vì sao sự xác tín này đặc biệt quan trọng với công tác dạy dỗ Lời Chúa? Đối chiếu đức tin của bạn với câu Kinh Thánh này, bạn thấy thế nào?
Khác với lĩnh vực giáo dục của xã hội, sự dạy dỗ Lời Chúa luôn nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa người dạy và sứ điệp được dạy dỗ. Giáo viên dạy về thuyết tiến hóa có thể tin hoặc không tin điều mình dạy. Nhưng Lời Chúa hôm nay cho biết chúng ta không chỉ dạy điều mình nghe, mà còn phải dạy điều mình tin.
Người giảng dạy Lời Chúa phải khẳng định rằng, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời (của) chúng ta…” Đức Chúa Trời mà chúng ta giảng dạy không phải là một Đấng xa lạ, một Đấng nào đó của một tôn giáo, nhưng là Đức Chúa Trời CỦA chúng ta. Mặc dù nền tảng của sự giảng dạy Lời Chúa phải được đặt trên Lẽ Thật là Lời Đức Chúa Trời, tuy nhiên sự giảng dạy Lời Chúa phải là kết quả của kinh nghiệm cá nhân với Đức Chúa Trời. Chúng ta rao giảng Lời Chúa không như làm một bổn phận nghề nghiệp nhưng xuất phát từ đức tin cá nhân của chúng ta nơi Ngài. Sứ đồ Phao-lô nói,“Vì chúng tôi có đồng một lòng tin, y như Lời Kinh Thánh rằng: Ta đã tin, cho nên ta nói, cũng vậy, chúng tôi tin, cho nên mới nói” (II Cô-rinh-tô 4:13). Chúng ta phải tin Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất. Đó là đức tin nơi một Đức Chúa Trời Sáng Tạo, Thành Tín. Chúng ta tin những điều được “nghe” từ Đức Chúa Trời, nghĩa là tin nơi Lời Ngài. Chúng ta dạy điều chúng ta tin nghĩa là chúng ta phải dạy người khác về Đức Chúa Trời và Lời Ngài.
Đức tin nơi Đức Chúa Trời và Lời Ngài không chỉ là điều kiện thiết yếu cho người dạy Lời Chúa nhưng đức tin đó còn khiến cho sự giảng dạy có hiệu quả. Sứ đồ Phao-lô nói, “Vả, đạo Tin lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:5a). Sự giảng dạy thiếu vắng sự tin quyết sẽ không có sức thuyết phục vì chỉ mang tính lý thuyết.
Bằng chứng của đức tin nơi Đức Chúa Trời và Lời Ngài thể hiện qua việc người dạy Lời Chúa phải sống với điều mình tin và thực hành điều mình dạy người khác. Người dạy Lời Chúa phải là người dẫn đường chứ không phải là người chỉ đường; dạy người khác bằng lời nói và cũng bằng gương mẫu của đời sống chính mình. Sứ đồ Phao-lô đã khuyên ông Ti-mô-thê rằng: “Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con; phải bền đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu” (I Ti-mô-thê 4:16). Người dạy Lời Chúa phải cẩn trọng trong đời sống, nuôi dưỡng đức tin nơi Chúa để công tác dạy Lời Chúa được kết quả.
Bạn đang làm người chỉ đường hay người dẫn đường trong việc dạy Lời Chúa?
Lạy Chúa, xin cho con mỗi ngày biết Chúa hơn, trưởng thành hơn trong đức tin, và xin Chúa dùng con đem đến sự gây dựng thuộc linh cho anh chị em con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 31.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org