HTTLVN.ORG – Ngợi khen Đức Chúa Trời là Đấng đã ban ơn cứu chuộc Hội Thánh. Ngài đã khai sinh và lãnh đạo Hội Thánh của Ngài bởi năng quyền của Thánh Linh trải qua các thời đại. Trong dòng chảy lịch sử 105 năm của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, thì Chúa đã sai phái các tôi tớ trung thành của Ngài để đem hạt giống Tin lành đi mọi miền đất nước, trong đó có Hội Thánh Tin Lành Chi Hội Chợ Lách – tỉnh Bến Tre.
Hội Thánh Chợ Lách được thành lập từ tháng 7 năm 1971 đến nay (2016) vừa tròn 45 năm. Trong suốt 45 năm qua, Hội Thánh đã trải qua rất nhiều những thăng trầm. Nhưng quả đúng như Lời Chúa phán trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 16:18 “…Ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó”. Có quá nhiều khó khăn xảy ra, nhưng Chúa luôn tể trị và không để Hội Thánh của Ngài bị ma quỉ huỷ phá. Chúa đã dạy dỗ các tôi tớ và con dân Ngài nhiều bài học quý báu trong những chặng đường hanh thông lẫn chông gai. Nhìn lại 45 năm qua, Hội Thánh của Chúa chỉ biết cúi đầu và cúi lòng mình xuống để đồng thanh với tác giả Thi Thiên 116:12 “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi”. Để bày tỏ lòng biết ơn Chúa, Hội Thánh đã đồng lòng hiệp ý với nhau để tổ chức chương trình Lễ Cảm tạ Chúa và kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Thánh vào lúc 9 giờ ngày 17/09/2016.
Chúa cho có khoảng 300 người tham dự, bao gồm gia đình các Mục sư tiền nhiệm, cùng với các tôi con Chúa trong khu vực tỉnh Bến Tre và lân cận. Bên cạnh đó còn có đại diện chính quyền địa phương các cấp đến tham dự.
Với chủ đề Báo Đáp Ơn Lành Chúa Ban nương trên nền tảng Kinh Thánh trong Thi Thiên 116:12-19, Mục sư Nguyễn Hữu Bình – Phó Hội trưởng thứ II Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN) – rao giảng Lời Chúa.
Chương trình kết thúc lúc 12 giờ cùng ngày trong bầu không khí vui tươi đầy tiếng hoan ca ngợi khen Chúa.
Kính xin tôi con Chúa các nơi luôn nhớ đến Hội Thánh Chợ Lách chúng tôi và thêm lời cầu nguyện, để Hội Thánh tiếp tục báo đáp ơn lành Chúa ban bằng cách: 1. Cầm cái chén cứu rỗi, mà cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va; 2. Sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các sự tôi hứa nguyện, tại trước mặt cả dân sự Ngài; và sẽ 3. Dâng của lễ thù ân cho Chúa”. Amen!
CTV. Thái An
Một số hình ảnh được ghi nhận:
Quang cảnh buổi lễ
Mục sư Đỗ Phước Thạnh – Quản nhiệm HT Chợ Lách – chào mừng
Ban hát thanh thiếu niên và thanh tráng
Ban hát giới nữ
Ban hát các ông bà Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo
Mục sư Nguyễn Hữu Bình – Phó Hội trưởng thứ 2 – giảng Lời Chúa
Đại diện TLH chúc mừng và tặng quà
Mục sư Tăng Văn Hi cầu nguyện chúc phước
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ HỘI THÁNH TIN LÀNH CHỢ LÁCH 1971 – 2016
Địa danh Chợ Lách là một huyện nằm trên Cù Lao Minh, trước 30.04.1975 trực thuộc tỉnh Vĩnh Long, sau này thuộc về tỉnh Bến Tre. Chợ Lách là một huyện đầu cùng của tỉnh Bến Tre, giáp với tỉnh Vĩnh Long, gồm 10 xã và một thị trấn. Diện tích 168.000 km2, dân số khoảng 150.000 người.
Thị trấn Chợ Lách đã trở nên sung túc nhờ có con kênh nối liền hai nhánh Cổ Chiên và Hàm Luông của sông Tiền, là một thủy lộ chính cho các tỉnh miền Tây đi về miền Đông, thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.
I. GIAI ĐOẠN SƠ LẬP (1971 – 1975) : Năm 1971, Ban Trị sự Địa hạt Nam phần (Tiền Giang) đã phối hợp với Ban Trị sự và Chủ tọa của Hội Thánh Vĩnh Long bấy giờ là Mục sư Đặng Văn Diệp, đến truyền giảng Tin Lành và phát triển tại vùng Chợ Lách, nên đã tìm ra một số con cái Chúa từ lâu không có cơ hội nhóm lại hay thỉnh thoảng đến nhóm thờ phượng Chúa tại Vĩnh Long. Sau đó Ban cầu nguyện Hội Thánh Vĩnh Long thỉnh thoảng đến nhóm với tính cách tuần hoàn tại nhà ông bà Chung Khâm Cang – ở phía sau khu phố chợ, gồm một số người như ông bà Chung Khâm Cang, ông Lê Hữu Huỳnh, ông Nguyễn Văn Ơn, ông Nguyễn Anh Tùng, bà Phạm Thị Chơi, bà cụ Năm Ngữ (nhủ danh Lê Thị Tánh) – một con cái Chúa cao tuổi nhất. Bà đã tin Chúa từ Gò Công và ngày nay hầu hết cháu, chít, chắc của bà đều đã tiếp nhận Chúa, thật Chúa nhân từ đã làm việc đặc biệt trên gia đình bà.
Tháng 07/1971, Ban Trị sự Địa hạt bổ nhiệm TĐS Nguyễn Trung Thông (nay là Mục sư) đến làm Chủ tọa Hội Thánh Chợ Lách. Buổi nhóm đầu tiên chỉ có 5 người lớn và 6 em nhỏ tại nhà ông bà Chung Khâm Cang. Nhóm người nhỏ bé này vẫn tiếp tục sống bởi đức tin, nên được Chúa mở đường thuê một căn phố của ông Huỳnh Văn Tài để dùng làm nơi nhóm thờ phượng Chúa của Hội Thánh (nay thuộc khu phố 1, thị trấn). Buổi nhóm đầu tại nhà thờ tạm vào Chúa nhật 31.10.1971, với đầy đủ băng ghế, tủ giảng, bàn Tiệc Thánh do sự đóng góp của con cái Chúa, cùng với sự hiệp tác của Truyền đạo Ông Dương Sang (cố Mục sư Ông Dương Sang) và nhất là sự giúp đỡ lớn lao của Tổng Liên Hội HTTLVN. Cảm tạ ơn Chúa!
Năm 1972, Ban Trị sự Địa hạt bổ nhiệm TĐS Nguyễn Thanh Nhuần đến thay thế TĐS Nguyễn Trung Thông. Trong thời gian này Hội Thánh tổ chức được giờ nhóm cầu nguyện tuần hoàn mỗi chiều thứ Năm, nên con cái Chúa được dứt dấy nhiều. Nhận thấy nơi nhóm tạm chỉ là một căn phố mướn, có nhiều bất tiện, nên vấn đề tìm đất hoặc mua nhà để làm nhà thờ là nan đề hàng đầu của Hội Thánh trong các thì giờ cầu nguyện. Khoảng cuối năm 1972, Chúa có mở đường cho Hội Thánh dời đến một căn phố mới của ông Lê Tấn Chỏi ở khu phố 2 thị trấn – (cháu của ông bà cụ Hồ Văn Sa, Hội Thánh Vĩnh Long). Căn phố này có chiều ngang 2,9m, dài 7m để dùng làm nơi thờ phượng Chúa, và một mái lá dài 3m nối tiếp phía sau dùng làm chổ ở cho gia đình tôi tớ Chúa. Hội Thánh vẫn tiếp tục sinh hoạt nơi đây cho đến tháng 12/1988.
Tháng 2/1973, TĐS Nguyễn Thanh Nhuần phải rời Hội Thánh. Đây là một thử thách lớn cho Hội Thánh, con cái Chúa bơ vơ như chiên không có người chăn. Song, cảm tạ Chúa, Đức Chúa Trời vẫn thành tín, Ngài lo liệu mọi sự cho Hội Thánh bằng cách dùng cố Mục sư Nguyễn Văn Thắng và TĐS Phạm Văn Đơ (Mục sư Phạm Văn Đơ) đến lo cho Hội Thánh trong các ngày Chúa nhật.
Ngày 29.6.1973 TĐS Nguyễn Văn Lớn (Mục sư Nguyễn Văn Lớn) chính thức được Ban Trị sự Địa hạt cải bổ từ Hội Thánh Vĩnh Châu đến chủ tọa Hội Thánh Chợ Lách. Trong khoảng thời gian này, các gia đình con cái Chúa vẫn trung tín không bỏ qua một sự nhóm lại nào.
Nối tiếp những người đi trước, Thầy Truyền đạo mặc dù mới đến cũng đã nhận thấy nhu cầu của Hội Thánh nên đã thiết tha cầu nguyện xin Chúa sớm cho có một nhà thờ, hầu có thể dễ dàng trong việc đem người khác đến với Chúa. Đức tin được thể hiện bằng việc làm, đầy tớ Chúa đã hiệp với Ban Trị sự Hội Thánh để lo việc di dời và xây cất nhà thờ mới, nhưng vẫn không kết quả. Sau đó, TĐS Nguyễn Văn Lớn phải về Thần Học Viện Nha Trang để tiếp tục học Lời Chúa.
Năm 1974, TĐS Nguyễn Tấn Phúc được Ban Trị Sự Địa hạt bổ nhiệm đến hầu việc Chúa tại Chợ Lách cho đến 30/4/1975.
II. GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP (1975 – 1987) :
Sau 30/4/1975, TĐS Nguyễn Tấn Phúc đã trở về với gia đình tại Vĩnh Long, cùng lúc ấy, một số con cái Chúa cũng trở về nguyên quán của mình để sinh sống. Hội Thánh Chợ Lách phải ở trong tình trạng khuyết chủ tọa. Nhưng cậy ơn Chúa, nắm chắc lời hứa của Ngài trong Kinh Thánh, Ban Trị sự Hội Thánh đã hiệp nhau duy trì sinh hoạt thuộc linh bằng cách luân phiên hướng dẫn cầu nguyện và tiếp tục học Kinh Thánh Trường Chúa nhật.
Cùng lúc ấy, Chúa đã làm một việc đặc biệt cho Hội Thánh là dự bị một thanh niện tiếp nhận Chúa tại Hội Thánh Vĩnh Long trở về hiệp tác với Hội Thánh trong sinh hoạt thờ phượng Chúa và lo cho những người trẻ. Sau đó, thanh niên này nghe tiếng Chúa kêu gọi và đã dâng mình đi học Kinh Thánh ở Thần Học Viện Nha Trang trong năm 1976. Thanh niên này là Mục sư Đỗ Văn Ba hiện đang hầu việc Chúa tại Hội Thánh Ấp Bắc (Mỹ Tho).
Tháng 6.1975, TĐS Lê Văn No (Mục sư Lê Văn No) sau khi học Lời Chúa 2 năm tại Thần Học Viện Nha Trang, được Ban Trị sự Địa hạt bổ nhiệm đến lo cho Hội Thánh Chợ Lách đúng lúc kịp thời. Giữa một Hội Thánh nhỏ bé, ít người, thiếu thốn mọi bề, đầy tớ Chúa vẫn cậy ơn Ngài vui với Hội Thánh, vui trong chức vụ mà hầu việc Chúa, gây dựng Hội Thánh Đức Chúa Trời. Bởi sự đồng công của Đức Chúa Trời, do việc làm của Đức Thánh Linh, mà Hội Thánh từ đó dần dần lớn lên, có nhiều tội nhân ăn năn tin Chúa. Số người mới được chăm sóc, gây dựng và trưởng thành, trở nên cột trụ cho Hội Thánh ngày nay.
Năm 1977, do sự sắp đặt của Chúa, TĐS Lê Văn No thành lập gia đình với cô Võ Thị Ánh Nguyệt và cô trở thành một người cộng sự đắc lực giúp đầy tớ Chúa, cùng chia vui xẻ buồn, gắn bó trong sự khó khăn để lo gây dựng Hội Thánh Chúa.
Từ năm 1977 – 1980, gia đình đầy tớ Chúa cũng như Hội Thánh Chúa đã phải nhẫn nhục chịu đựng với người láng giềng bên cạnh luôn tạo sự khó khăn, nhất là trong sự nhóm lại thờ phượng Chúa ngày Chúa nhật. Cảm tạ ơn Chúa, “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô ma 8.28). Đấng khôn ngoan đã cho phép điều này xảy ra, để con cái Chúa tại Hội Thánh Chợ Lách và Hội Thánh khắp nơi tích trữ hạt giống quí báu nơi Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện, và Hội Thánh đã gặt được kết quả là ngôi nhà thờ hiện nay. Trong cơn thử thách đó, Đức Chúa Trời thật đã có thêm sức cho Hội Thánh và nhất là cho đầy tớ Chúa để chịu nổi và vượt qua.
Đến tháng 4.1982, nhận rõ ý Chúa, Hội Thánh cậy ơn và quyền phép Đức Thánh Linh mà thực hiện các chương trình thờ phượng và giảng Kinh Thánh cho đồng bào mỗi tháng một lần vào ngày thứ Năm trăng tròn. Việc làm đức tin này đã gặt hái kết quả tốt đẹp, đáng ngợi khen Chúa. Lúc đó, số tín hữu Hội Thánh Chợ Lách Nam Phụ Lão Ấu trên dưới 100 người. Trung bình nhóm lại khoảng 30 – 40 tín hữu.
III. GIAI ĐOẠN DI DỜI VÀ XÂY CẤT NHÀ THỜ (1988 – 2010) :
Dân Y-sơ-ra-ên là Hội Thánh của Đức Chúa Trời khi xưa, mỗi lần gặp một biến cố là để cho chương trình của Đức Chúa Trời dược thể hiện trên họ được tốt hơn, phước hạnh hơn.
Thật vậy, năm 1987, được chính quyền cho biết cơ sở thờ phượng Chúa của Hội Thánh Tin Lành nằm trong khu quy hoạch của Ủy ban huyện Chợ lách và sau đó chủ phố ngỏ ý đòi lại căn phố vì nhu cầu của gia đình. Cụ thể hơn, qua năm 1988, chủ phố đã trình đơn đến chính quyền thị trấn xin giải quyết. Lúc bấy giờ, Hội Thánh chỉ biết đổ nước mắt, kêu van cùng Đức Chúa Trời – là Đấng đã mua chuộc và sáng lập Hội Thánh Ngài mà thôi.
“Con đường cùng của loài người là dịp tiện của Đức Chúa Trời”. Cảm tạ Chúa, đúng thời điểm , Đức Chúa Trời đã hành động để hướng dẫn cho công việc Chúa tại Hội Thánh Chợ Lách cách kỳ diệu và lạ lùng. Sau bao tháng năm cầu nguyện, đến ngày 19.6.1988, Chúa cảm động lòng chính quyền địa phương tạo điều kiện hướng dẫn thủ tục cho phép Hội Thánh Tin Lành Chợ Lách di dời cơ sở thờ phượng Chúa từ khóm 2 đến mặt bằng mới, tọa lạc ở khóm 1, là phần đất của ông Dương Văn Quến và con là Dương Duy Long, sang nhượng vĩnh viễn cho Hội Thánh Tin Lành Chợ Lách. Diện tích là 900m2, dài 45m, ngang 20m với giá tiền 1 lượng vàng 24K. Và Chúa đã dùng nhiều tôi tớ, con cái Chúa khắp nơi ủng hộ đủ cho nhu cầu này. Halelugia! Ngày 25.7.1988, Hội Thánh nhận được giấy phép xây dựng nhà thờ do Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Lách ký. Theo qui cách bán kiên cố, ngang lọt lòng 6m, dài lọt lòng 16m (bản chiết tính ngày 5.8.1988) dự chi xây dựng nhà thờ là 17.000.000 đồng (tương đương 10 lượng vàng 24K). Đây là nhu cầu quá lớn so với nhân, vật lực của Hội Thánh Chợ Lách. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện, tin thác nơi Chúa, bước đi trong đức tin và thật sự chúng tôi đã không hổ thẹn.
Cậy ơn Chúa, ngày 9.9.1988, Lễ Đặt Viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Tin Lành Chợ Lách được tổ chức cách long trọng do Mục sư Nguyễn Văn Thanh Vân – Nguyên Thủ quỹ Địa hạt chủ trì, tham dự có Mục sư Tăng Văn Hi – nguyên Nghị viên Tổng Liên Hội, cố Mục sư Lê Văn Tính – nguyên Nghị viên Địa hạt và các tôi tớ, con cái Chúa lân cận. Ngày 18.9.1988, nhà thờ được khởi công theo bản đề án thiết kế xây dựng của anh Nguyễn Khương Hùng vẽ giúp. Chịu trách nhiệm xây cất là Ông Nguyễn văn Thắng, về sau có sự cộng tác xây cất của quý ông Nguyễn Văn Nở, Tô Văn Le. Tháng 12.1988, Chúa nhậm lời của con cái Chúa nên cảm động chính quyền địa phương hướng ý Hội Thánh làm đơn bổ sung điều chỉnh các điểm: lợp ngói thay cho tôn, nền lót gạch thay cho xi-măng, vách gạch thay gỗ, xây hồ báp têm tại khu tòa giảng trong nhà thờ. Đơn bổ sung được ký ngày 5.12.1988. Tất cả chung sức, chung lòng kẻ công người của, cả trong lẫn ngoài Hội Thánh đã góp phần làm cho hoàn thành việc xây dựng.
Nhà thờ vào ngày 15.12.1989. Thật cảm tạ Chúa! Lễ Cung hiến nhà thờ đã được cử hành vào ngày 10.4.1990 thật long trọng do cố Mục sư Đoàn Văn Miêng, nguyên Phó Hội trưởng HTTLVN (MN) là diễn giả.
Các công trình khác được xây dựng tiếp theo như: Tư thất từ năm 1990 – 1994.
IV. GIAI ĐOẠN ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN (2010 – 2016) :
Đầu năm 2010, Mục sư Lê Văn No xin được thay đổi nhiệm sở và được Ban Trị sự Tổng Liên Hội HTTLVN (MN) đồng ý. Thời gian này Hội Thánh khuyết Quản nhiệm, song cảm tạ Chúa, Ngài vẫn đoái thương khiến Hội Thánh vẫn duy trì sự nhóm lại, qua sự điều hành của Ban Chấp sự đương nhiệm cùng sự giúp đỡ, hướng dẫn của Ban Trị sự Tổng Liên Hội HTTLVN(MN), Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Bến Tre. Hội Thánh được các tôi tớ Chúa các nơi đến rao giảng Lời Chúa hàng tuần.
Đến tháng 8.2010, sau 5 tháng khuyết quản nhiệm, Ban Trị sự Tổng Liên Hội HTTLVN (MN) đã bổ nhiệm Truyền đạo Đỗ Phước Thạnh đến Quản nhiệm Hội Thánh. Lễ Bổ nhiệm được tổ chức vào ngày 19.8.2010 thật long trọng.
Truyền đạo Đỗ Phước Thạnh cùng gia đình là cô Nguyễn Thị Thái An và cháu Đỗ Phước Thanh Thảo mới được 16 tháng tuổi đã trải qua một số khó khăn nhất định, tôi tớ Chúa cùng với Ban Chấp sự hiệp tác gây dựng công việc Chúa. Từng hồi, từng lúc, Đức Chúa Trời vẫn tể trị và hướng dẫn Hội Thánh theo ý muốn của Ngài. Tôi tớ Chúa, Ban Chấp sự trung tín thăm viếng, chăm sóc gia đình các tín hữu, đồng thời bởi sự đồng công của Đức Thánh Linh, một số tội nhân ở khu vực xã Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung (Chợ Lách), Giồng Keo (Mỏ Cày Bắc) đã ăn năn tiếp nhận Chúa, gia nhập Hội Thánh.
Cùng lúc này, sinh hoạt thuộc linh của Hội Thánh ngày càng tăng trưởng nên các ban ngành theo độ tuổi lần lượt được thành lập như Ban Thanh tráng, Ban Thanh – Thiếu niên sáp nhập từ thanh niên và thiếu niên, Ban Thiếu – Ấu nhi, Ban nữ giới cùng với Ban Trung niên đã được thành lập vào năm 2001. Vì vậy, Hội Thánh phải có cơ sở đáp ứng và các phòng Thiếu – Ấu nhi được xây dựng, nối dài thêm khu vực nhà xe. Các phương tiện kỹ thuật như hệ thống âm thanh, máy chiếu, tivi, máy điều hòa được các con dân Chúa trong, ngoài Hội Thánh dâng giúp. Dù vậy, các công trình trên vẫn chưa đủ đáp ứng, Hội Thánh tiếp tục cậy đức tin, bước đi trên lời hứa của Đức Chúa Trời, nên Chúa cho Hội Thánh sang nhượng được một mặt bằng diện tích 246m2 giáp ranh nhà thờ của Bà Phạm Thị Oanh (đang trong quá trình các thủ tục pháp lý để được cấp giấy chủ quyền cho Hội Thánh).
Một số tín hữu ở xa khó đi lại cần được chăm sóc nên các tổ học Kinh Thánh được mở ra tại Phú Long, Phú Mỹ, Phú Phụng, Long Thới…. Hiện nay, vẫn duy trì nhóm lại hàng tuần tại tổ học Kinh Thánh tại Phú Phụng, Long Thới. Hàng tuần Hội Thánh cũng đang hiệp tác với Hội Thánh Hòa Ninh, Hội Thánh Mỏ Cày để lo chăm sóc, gây dựng đức tin cho các con cái Chúa tại các khu vực nói trên.
Song song với công tác gây dựng và phát triễn, Hội Thánh cũng chung tay, góp sức với chính quyền địa phương trong các công tác từ thiện xã hội như khám chữa bệnh, cấp thuốc, tặng kính, trao quà cho đồng bào nghèo, hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo… Với hi vọng xoa dịu những nỗi đau, chia sẻ những khó khăn của mọi người như Lời Chúa dạy: “Kính Chúa, yêu người”.
Hiện nay, tổng số tín hữu của Hội Thánh là 190 người, 90 gia đình. Số con cái Chúa nhóm lại hàng tuần khoảng 105 người. Hội Thánh có 5 lớp Trường Chúa nhật, 6 ban ngành theo độ tuổi nhóm lại hàng tuần. Mỗi sáng có giờ hiệp nguyện, các ngày thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu có các ban nhóm lại sinh hoạt, học Lời Chúa, thứ Bảy các nhóm hát dẫn tập dợt mỗi tối. Mục sư nhiệm chức Đỗ Phước Thạnh vừa được Ban Trị sự Tổng Liên Hội HTTLVN (MN) tổ chức Lễ Tấn Phong Mục sư vào ngày 19.8.2016 tại Nhà thờ Bạc liêu.
Cảm tạ Đức Chúa Trời là Vua đời đời, nên Hội Thánh Chợ Lách đã được thành lập và phát triển cho đến ngày nay là bởi quyền tể trị của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Hội Thánh chúng tôi cũng không thể quên các tôi con Chúa gần xa đã hiệp cùng với chúng tôi gây dựng Hội Thánh bằng sự dâng hiến, thăm viếng, cầu thay…
“Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài không xiết kể” II Cô-rinh-tô 9.15. |