Mưu Cầu Hòa Bình – 2/4/2019

2840

 

Cô-lô-se 3:15-17

15 Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn.
16 Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời.17 Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. 

Câu gốc: “Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn” (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Để duy trì sự hiệp một trong Hội Thánh, con dân Chúa cần theo đuổi điều gì? Tại sao? Làm thế nào để chúng ta theo đuổi điều này trong mối liên hệ giữa chúng ta với con cái Chúa trong Hội Thánh?

Trong câu 15, Sứ đồ Phao-lô dạy con dân Chúa hãy để sự bình an của Chúa cai trị tâm tư ý tưởng mình trong tinh thần biết ơn vì đã được Đức Chúa Trời tái sinh làm con trong gia đình của Ngài. Đây là sự bình an “mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể.” Đức Chúa Trời đặt con dân Chúa vào trong Hội Thánh là thân thể Chúa để hưởng sự bình an Ngài ban cho. Vì vậy, Cơ Đốc nhân không thể sống tách biệt khỏi cộng đồng, cũng không thể phục vụ một mình, mà phải sống hòa hợp với anh chị em cùng niềm tin. Để sống hòa hợp trong cộng đồng dân Chúa, chúng ta không những phải yêu thương nhau bằng tình yêu của Chúa, nhưng còn phải mưu cầu hòa bình, để sự bình an của Chúa cai trị đời sống chúng ta. Qua Chúa Giê-xu chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời để sống hòa thuận với người khác. Sự bình an của Chúa cai trị lời nói, việc làm, sẽ giúp chúng ta theo đuổi mối liên hệ yêu thương, hòa bình, và sẵn sàng hòa giải với anh chị em chúng ta.

Trong mối liên hệ anh chị em trong Chúa, chúng ta cần tự hỏi, “Lời này tôi nói, việc này tôi làm có gây dựng hòa bình hay gây nên bất hòa trong Hội Thánh?” Nếu giúp tạo hòa bình, thì lời đó, việc đó đúng. Nếu gây chia rẽ, thì tốt hơn chúng ta không nên nói hay làm. Khi làm công việc Chúa trong Hội Thánh, con cái Chúa thường có những ý kiến chủ quan khác nhau, cho nên nếu chúng ta không để sự hòa bình của Chúa cai trị, chúng ta sẽ chia rẽ, xâu xé lẫn nhau.

Để giữ sự bình an và hiệp một, chúng ta phải nhớ sự bình an và liên hệ hiệp một trong Hội Thánh quan trọng hơn việc chúng ta dành phần thắng về mình trong những vấn đề tranh cãi. Dĩ nhiên, chúng ta không thỏa hiệp với những gì đi ngược lại với chân lý Phúc Âm, không dung thứ tội lỗi hay điều ác. Chúng ta gìn giữ sự hiệp một bằng cách nói lên sự thật trong tình yêu thương. Đừng để cho những thiệt hại nhỏ nhặt, những bất đồng về sở thích, hay quan điểm cá nhân phá hỏng mối liên hệ hiệp một trong thân Chúa. Thay vào đó, chúng ta để sự bình an của Chúa chủ động trong những quyết định của chúng ta trong cách cư xử với mọi người trong Hội Thánh.

Bạn thường phản ứng thế nào trước những ý kiến trái chiều của anh chị em khác trong Hội Thánh? Bạn có nỗ lực gì để duy trì sự bình an và hiệp một trong Hội Thánh?

Lạy Chúa, Hội Thánh là thân Chúa, tất cả chúng con là chi thể của thân Ngài. Xin giúp con tìm kiếm sự hòa bình và duy trì sự hiệp một trong Hội Thánh bởi sự bình an của Ngài cai trị đời sống con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Giăng 2.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcTruyện Ngắn Cơ Đốc: Màu Hoa Tím – BTMV 64
Bài tiếp theoBồi Linh – Thông Công Phụ Nữ Tin Lành Tỉnh Bình Định