Cuộc Chiến Giữa Hai Dân Tộc – 15/1/2019

2612

 

Ê-xơ-tê 3:5-6

5 Khi Ha-man thấy Mạc-đô-chê không cúi xuống và không lạy mình bèn nổi giận dữ. 6 Người ta đã học cho Ha-man biết Mạc-đô-chê là người Giu-đa, nên người cho sự tra tay trên một mình Mạc-đô-chê là một sự nhỏ mọn, người bèn tìm mưu giết hết thảy dân Giu-đa, là tông tộc của Mạc-đô-chê, ở trong toàn nước A-suê-ru. 

Câu gốc: “Người ta đã học cho Ha-man biết Mạc-đô-chê là người Giu-đa, nên người cho sự tra tay trên một mình Mạc-đô-chê là một sự nhỏ mọn, người bèn tìm mưu giết hết thảy dân Giu-đa, là tông tộc của Mạc-đô-chê, ở trong toàn nước A-suê-ru” (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Ha-man là hậu duệ của ai? Tại sao ông Ha-man muốn âm mưu giết hại toàn dân Giu-đa sinh sống tại Ba Tư? Tại sao có thể nói đây là cuộc chiến giữa hai dân tộc? Chúng ta thể hiện tình yêu thương với dân tộc mình như thế nào?

Theo sử sách thì ông Ha-man là hậu duệ của ông A-gát, vua dân A-ma-léc. Đây là dân đã đến khiêu chiến và tấn công dân Y-sơ-ra-ên khi họ vừa ra khỏi xứ Ê-díp-tô (Xuất Ê-díp-tô 17:8-16). Cũng bởi lý do này mà trong cuộc chiến với dân A-ma-léc thời Vua Sau-lơ trị vì, Chúa đã ra lệnh vua phải diệt sạch dân A-ma-léc, nhưng ông lại không làm theo (I Sa-mu-ên 15:1-9). Hậu quả của hành vi bất tuân trong lịch sử ấy không những là nỗi tủi nhục cho Vua Sau-lơ khi phải chết trong tay của dân A-ma-léc (II Sa-mu-ên 1:1-10), nhưng điều đáng nói hơn là hậu duệ dân A-ma-léc vẫn còn sống, và một trong số đó chính là ông Ha-man, kẻ thù truyền kiếp của dân Y-sơ-ra-ên. Đó là lý do tại sao khi ông Ha-man biết ông Mạc-đô-chê là dân Giu-đa thì rắp tâm hãm hại toàn dân Giu-đa đang sinh sống tại nước Ba Tư thay vì chỉ giết một mình ông Mạc-đô-chê. Điều này cũng phản ánh bản chất độc ác của ông Ha-man nói riêng, và của dân tộc A-ma-léc nói chung. Còn riêng về phần ông Mạc-đô-chê, một trong những lý do khiến ông Mạc-đô-chê bất tuân lệnh vua, từ chối cúi lạy ông Ha-man cũng bởi vì ông Mạc-đô-chê biết ông Ha-man là hậu duệ của A-ga, vua dân A-ma-léc. Ông Mạc-đô-chê chắc chắn vẫn còn nhớ những điều mà dân tộc này đã làm trên dân tộc ông, bởi tất cả đều được ghi chép trong sử sách của dân Y-sơ-ra-ên (Phục Truyền 25:17-18).

Từ những điều kể trên cho chúng ta thấy, đây không đơn thuần là cuộc chiến cá nhân giữa ông Mạc-đô-chê và ông Ha-man, mà chính là cuộc chiến giữa hai dân tộc, dân Chúa và dân A-ma-léc. Có thể nói, hành động không cúi lạy của ông Mạc-đô-chê trước ông Ha-man không chỉ phản ánh nếp sống tin kính Chúa trong ông, mà còn thể hiện một tinh thần dân tộc bất khuất của một người Do Thái đang sống lưu vong giữa vương triều Ba Tư.

Ngày nay, ai cũng biết dân Y-sơ-ra-ên có tinh thần dân tộc rất cao, dù họ sống bất cứ nơi đâu. Bằng chứng là họ sẵn sàng từ bỏ tất cả sự nghiệp đã gây dựng nhiều đời ở nước ngoài để trở về thành lập nước Do Thái vào năm 1948. Chúa đặt để chúng ta là dân tộc Việt Nam. Dù chúng ta đang sống nơi đâu, xin Chúa cho chúng ta luôn thể hiện tinh thần kính Chúa, yêu thương dân tộc mình. Một trong những cách thể hiện tình yêu thương là rao truyền danh Chúa cho nhiều người được cứu.

Bạn có quan tâm thể hiện tinh thần kính Chúa, yêu thương dân tộc mình trong cuộc sống không?

Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì đặt để con là một người Việt Nam. Xin dạy con biết sống kính yêu Chúa và yêu thương đồng bào, dân tộc con, hết lòng đem Tin Lành đến cho nhiều người.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 10.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcBài 102: Chúa Giê-Xu Sống Lại Và Truyền Ban Mạng Lịnh Lớn.
Bài tiếp theoMơ Xuân Thiên Thượng