Phi-líp 1:3-6
3 Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi, 4 và mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn hở, 5 vì cớ từ buổi ban đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin lành; 6 tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ.
Câu gốc: “và mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn hở, vì cớ từ buổi ban đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin lành” (câu 4-5).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho ai và với tinh thần nào? Vì sao ông có thể cầu nguyện trong tinh thần này? Theo bạn, tình yêu thương nhau trong Hội Thánh có thể được bày tỏ qua hành động cụ thể nào?
Nếu Lời Chúa là lương thực thuộc linh, thì cầu nguyện và cầu thay là hơi thở của Cơ Đốc nhân. Có người đã nói rằng cầu nguyện là đỉnh cao của sự tương giao với Chúa, và cầu thay là đỉnh cao của sự cầu nguyện. Nhận định trên hoàn toàn đúng đối với Sứ đồ Phao-lô. Khi viết thư cho Hội Thánh Phi-líp, ông đang bị cầm tù tại La Mã. Dẫu vậy, khoảng cách địa lý không thể ngăn cản tình yêu mà ông dành cho họ, và ông đã bày tỏ tình yêu đó qua lời cầu thay.
Khi nghĩ về Hội Thánh Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô cầu thay “cho hết thảy anh em”, không thiếu một ai, cả những tín hữu sốt sắng, mạnh mẽ, đang hầu việc Chúa cách tích cực, hay những nhân sự đang gây ra nan đề cho Hội Thánh như bà Ê-vô-đi và bà Sin-ty-cơ. Và Sứ đồ Phao-lô “hằng cầu cho… cách hớn hở”. Khi Sứ đồ Phao-lô đem Hội Thánh vào sự cầu thay, ông kinh nghiệm niềm vui thay vì sự nặng nề của nan đề. Đây là một lẽ thật thuộc linh quan trọng mà chúng ta cần nắm lấy khi muốn sống cuộc đời yêu thương, đó là trước khi chúng ta đối diện với nan đề trong Hội Thánh, hãy đem nan đề đó vào trong sự cầu nguyện. Chính trong sự cầu thay, chúng ta sẽ đối diện với anh em và những nan đề do họ gây ra trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, trong sự tin cậy nơi sự hướng dẫn khôn ngoan của Ngài, và trong tinh thần yêu thương mà Ngài ban cho chúng ta.
Vì sao Sứ đồ Phao-lô có thể vui mừng khi cầu thay cho Hội Thánh Phi-líp? Vì ông nhận biết giữa ông và các tín hữu “được thông công trong …đạo Tin lành”. Dẫu có những sai lầm hay thiếu sót, nhưng chúng ta có thể vui về nhau vì tất cả chúng ta đều được thông công trong ân điển cứu rỗi của Chúa Giê-xu, vì ân điển của Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục bao phủ và giữ gìn sự cứu rỗi mà Ngài ban cho chúng ta “từ buổi ban đầu cho đến bây giờ”, và vì Đức Chúa Trời vẫn đang dùng cuộc đời của mỗi chúng ta và Hội Thánh Ngài để dự phần trong “sự tấn tới của đạo Tin lành” (câu 5). Chúng ta không chỉ là anh em một nhà với nhau mà còn là những người đồng công, những người cùng nhau thực hiện sứ mệnh cao cả nhất Chúa giao cho chúng ta trên đời này. Tình yêu trong Hội Thánh bày tỏ qua việc nhớ đến nhau và cầu thay cho nhau cách vui mừng.
Bạn có thường vui mừng cầu thay cho nhau không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì được ở trong Hội Thánh của Ngài, và về mối thông công trong Hội Thánh. Con tạ ơn Chúa vì biết có nhiều anh chị em nhớ đến con và cầu thay cho con. Xin cho con cũng sốt sắng cầu thay cho nhau.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Các Quan Xét 19.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org