Một Phần Của Cuộc Sống – 15/5/2018

2709

 

Nê-hê-mi 10:32-34

32 Chúng tôi cũng định lấy luật lệ buộc chúng tôi mỗi năm dâng một phần ba siếc-lơ dùng về các công việc của đền Đức Chúa Trời chúng tôi, 33 về bánh trần thiết, về của lễ chay thường dâng, về của lễ thiêu hằng hiến, về của lễ dâng trong ngày sa-bát, trong ngày mồng một, và trong các ngày lễ trọng thể; lại dùng về các vật thánh, về của lễ chuộc tội cho dân Y-sơ-ra-ên, và về các công việc làm trong đền Đức Chúa Trời của chúng tôi. 34 Chúng tôi, là những thầy tế lễ, người Lê-vi, và dân sự khác, bắt thăm về việc dâng củi lửa, đặng mỗi năm, theo kỳ nhứt định, tùy nhà tổ phụ mình, mà đem những củi đến đền của Đức Chúa Trời chúng tôi, hầu cho đốt trên bàn thờ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng tôi, y như đã chép trong luật pháp vậy. 

Câu gốc: “Chúng tôi cũng định lấy luật lệ buộc chúng tôi mỗi năm dâng một phần ba siếc-lơ dùng về các công việc của đền Đức Chúa Trời chúng tôi” (câu 32).

Câu hỏi suy ngẫm: Dân Chúa cam kết dâng hiến như thế nào cho Chúa? Các khoản dâng ấy dùng cụ thể cho việc gì? Những ai tham gia vào công việc dâng hiến ấy? Bạn cam kết cụ thể cho việc dâng hiến như thế nào?

Sau bao nhiêu năm dân Y-sơ-ra-ên ai nấy cũng chỉ lo cho nhà của mình mà lại thờ ơ với ngôi nhà thuộc linh chung. Giờ đây họ quyết định từ bỏ nếp sống vị kỷ ấy, tiến một bước xa hơn, là tái cam kết với Chúa rằng họ sẽ dâng hiến một phần tài chính của mình cho Chúa, nhằm bảo đảm duy trì mọi sinh hoạt thường nhật trong đền thờ. Sự tái cam kết này nói lên việc dân Chúa đã nhận thức được họ cần có trách nhiệm với Nhà của Đức Chúa Trời. Và công việc dâng hiến vào Nhà Chúa là dành cho tất cả mọi người, kể cả thầy tế lễ và người Lê-vi, không giới hạn thành phần (câu 34). Đây là một cam kết không dễ dàng đối với những người lâu nay chỉ biết lo làm ăn buôn bán kiếm tiền, kể cả trong ngày sa-bát (câu 31). Nhưng giờ đây, dân Chúa đã thức tỉnh. Sau bao lần vấp ngã trong quá khứ, dân Chúa kinh nghiệm được rằng mọi điều mình có đều đến từ Chúa. Vì thế, dâng hiến nghiễm nhiên trở thành việc ưu tiên trong kế hoạch chi tiêu của mình. Hay nói cách khác, dâng hiến trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của người dân Y-sơ-ra-ên. Có thể nói, việc cam kết này thể hiện bước trưởng thành tâm linh của dân Chúa, vì từ nếp sống chỉ biết lo cho lợi ích của riêng mình, thay đổi thành nếp sống biết lo cho công việc Nhà của Chúa.

Ngày nay, dâng hiến cũng là một cam kết riêng giữa mình với Chúa, chứ không phải hành động của sự ngẫu hứng. Sự cam kết dâng hiến thể hiện lòng biết ơn của chúng ta dâng lên cho Chúa, đồng thời thấy được trách nhiệm của chúng ta trong công việc Nhà Chúa chung. Cam kết dâng hiến không phân biệt là giáo phẩm hay tín đồ, người nghèo hay người giàu, mà là tất cả mọi Cơ Đốc nhân. Thế nhưng trong thực tế, không phải dễ để ai ai cũng dám quyết định đi đến cam kết dâng hiến như dân Y-sơ-ra-ên, bởi sự cam kết đòi hỏi sự hy sinh của mỗi cá nhân, sự trung tín ngay cả khi có những khoản chi xảy ra ngoài dự định nhưng vẫn phải làm theo điều mình đã hứa với Chúa. Khi chúng ta xem dâng hiến là cam kết, là một phần của cuộc sống chúng ta sẽ không bao giờ dám cắt xén phần đã định riêng cho Chúa, kể cả những lúc khó khăn nhất. Và có một điều chắc chắn rằng, chúng ta sẽ kinh nghiệm phước hạnh Chúa nhiều cách khác nhau khi chúng ta trung tín đến cùng trong cam kết dâng hiến cho Chúa.

Bạn đã từng kinh nghiệm Chúa thế nào khi trung tín dâng hiến cho Ngài?

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ mọi điều con có đều đến từ Chúa. Xin cho con mạnh dạn cam kết dâng hiến cho Ngài, cam kết góp phần phục vụ trong công việc Nhà Chúa.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lê-vi Ký 8.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcChương Trình Truyền Giảng Ca Nhạc Thánh Tại Hội Thánh Tân Nghĩa, Tỉnh Bình Thuận
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Tỉnh Ninh Thuận Tháng 5/2018