Sos – Phân Biệt “Tà Đạo” Giữa Cộng Đồng Việt Nam

5870

Hai chữ “tà đạo” hay “đạo lạ” là danh từ đặt cho tổ chức tự xưng là “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, được nhắc đến liên tục trong những ngày gần đây trên các trang web và một số đài truyền hình cộng đồng. Sự kiện này đã khiến cho đa phần cư dân Việt Nam cho rằng tất cả những người theo Tin Lành chân chính cũng là theo “tà đạo”.

Trước tình trên, giới trẻ Cơ Đốc (Hội Thánh Tin Lành Việt Nam) cần có những kiến thức căn bản để giải thích và giúp cộng đồng phân biệt ai là “tà đạo”, ai là những người tin Chúa chân chính. Nhiều tín hữu cho biết chỉ cần học và giải thích đúng Kinh Thánh là “chánh giáo” thì mọi người sẽ biết ai là “tà giáo”. Nhưng người chưa tin Chúa thì làm gì hiểu và tin Kinh Thánh là chân lý mà chúng ta giải thích. Bởi lẽ, nhiều giáo lý của tổ chức “Hội Thánh Đức Chúa Trời” có phần giống với giáo lý Tin Lành. Bởi vậy, giới trẻ Cơ Đốc nói riêng và tín hữu Tin Lành nói chung, cần nhận thức và giải thích theo cách nhìn “tà đạo” của người không tin Chúa. Trên cơ sở đó, dùng Kinh Thánh để minh chứng cho nếp sống “chánh giáo” của người Tin Lành chân chính. Sau đây, là những lý do khiến cộng đồng gọi tổ chức ấy là “tà đạo”:

1/ Lý do khiến cộng đồng gọi tổ chức “Hội Thánh Đức Chúa Trời” là “tà đạo”:

Theo đài truyền hình An ninh Thái Nguyên cho biết:

Thứ nhất:

Tổ chức này đã lôi kéo một số người dân u mê, vì quá tin theo nên mất thời gian, mất tiền bạc; sinh viên bỏ bê việc học tập, các thành viên trong gia đình mâu thuẫn.

Thứ hai:

Theo lời của gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh (Hà Châu – Phú Bình – Thái Nguyên) nói về cậu con trai Nguyễn Văn Phượng (Đại học năm 2 ĐH CNTT Thái Nguyên): từ khi tham gia tổ chức này, Phượng không ủng hộ việc mua bàn thờ tổ tiên, không tiếp xúc giao lưu với mọi người, và đặc biệt không ăn những thức ăn đã thờ cúng, thắp hương…

Thứ ba:

Chị La Thị Lan (Hàm Yên – Tuyên Quang): tôi đau khổ lắm, cảm tưởng dường như đã mất con đến nơi… Con tôi chỉ một mực tin là Đức Chúa Trời là tất cả, bố mẹ chỉ là đấng sinh thành… Tương lai nó sẽ đi đến đâu?

Thứ tư:

Theo lời của đài: Hội Thánh của Đức Chúa Trời còn gieo rắc những luận điệu lệch lạc, vô bổ như: “Ngày tận thế, sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời” hay được hưởng nhiều phúc, nếu người nào đi truyền giáo kết nạp hội viên.

Thứ năm:

Khi tham gia:

+Không được tìm hiểu thông tin của nhau.

+Thứ Bảy hàng tuần các thành viên phải đến thờ phụng, gác hết mọi công việc…

+Phải dâng lễ: 1/10 số tiền thu nhập cá nhân trong tuần. Nhưng không biết số tiền đó đã đi đâu.

Thứ sáu:

Theo đài: người hướng dẫn tổ chức này không hề có giấy chứng nhận chức sắc tôn giáo, và không được phép truyền giảng Kinh Thánh, cũng như thực hiện hoạt động truyền đạo, giảng đạo của bất kỳ tôn giáo nào… Khi bị chính quyền và các lực lượng chức năng kiểm tra các hành vi vi phạm, người này đã rời khỏi Thái Nguyên và chỉ đạo các thành phần cốt cán hoạt động Hội Thánh với phương thức tinh vi hơn.

Thứ bảy:

Theo đài tryền hình VTC 1: Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ đã phối hợp với Cục An ninh Chính trị Nội bộ A83 Bộ Công An để gửi công văn đến các sở, trường để cảnh báo sinh viên về việc bị lôi kéo vào tổ chức có tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời”…

2/ “Tín hữu Tin Lành” không phải là người theo “Hội Thánh Đức Chúa Trời” vì:

Thứ nhất:

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chống đối hoàn toàn việc lôi kéo sinh viên bỏ bê việc học. Vì Kinh Thánh ký thuật tấm gương những nhà lãnh đạo đa phần đều có học thức như Môi-se được học mọi tri thức của Ai-cập trong 40 năm, thêm 40 năm trải nghiệm sống nơi đồng vắng; … Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng chủ trương tạo mọi điều kiện khuyến học cho học sinh, sinh viên… Mặt khác, người tín hữu Tin Lành được dạy giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình bằng sự im lặng và cầu nguyện, chứ không bạo động, chống đối “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44)

Thứ hai:

Theo Điều răn thứ nhất của Kinh Thánh: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3). Nhưng, người tin Chúa một mình không được dạy và khuyến cáo là theo đạo thì về nhà liền dở bỏ hết tất cả các bàn thờ. Chỉ duy trường hợp, cả gia đình tin Chúa, sẵn sàng, tự nguyện cải đạo chỉ thờ phượng một Đức Chúa Trời. Lúc ấy, cả gia đình có quyền không sử dụng những bàn thờ trước đó, và không ăn đồ cúng theo Điều 9 Chương 2 (Văn Bản Pháp Luật Việt Nam Về Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2013) “Người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện… và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo.” Những người theo các tôn giáo khác phải tôn trọng, theo Điều 1 Chương 1 của văn bản pháp luật này.

Thứ ba:

Kinh Thánh mà Hội Thánh Tin Lành Việt Nam sử dụng nghiên cứu và dạy tín hữu được xuất bản bởi NXB Tôn Giáo. Về vấn đề con cái đối với ông bà, cha mẹ, Kinh Thánh dạy từ Cựu Ước “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12) đến Tân Ước “hãy hiếu kính cha mẹ” (Mác 10:19b). Sự hiếu kính phải được thể hiện qua nếp sống bên ngoài khi cha mẹ còn sống, đừng đợi đến khi cha mẹ qua đời mới tìm cách thể hiện sự hiếu kính cũng đã muộn màng. Còn niềm tin vào Thượng Đế, Đức Chúa Trời là niềm tin tâm linh mà Nhà nước công nhận “Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy” (Điều 1, Chương 1, văn bản Pháp Luật Việt Nam Về Tín Ngưỡng, NXB Tôn Giáo 2013).

Thứ tư:

Tín lý của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, điều 74 SỰ TÁI LÂM CỦA ĐỨC CHÚA GIÊ-XU. Nhưng không phải bởi giáo lý này mà Hội Thánh Tin Lành Việt Nam khuyến cáo tất cả các tín hữu không cần phải làm gì, bỏ học, bỏ việc, bỏ gia đình, … Nhưng “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23). Một tín hữu Tin Lành chân chính thì phải hết lòng làm mọi công việc hiện tại của mình, hoàn thành tốt trách nhiệm người ông, bà, cha, mẹ, con cái trong gia đình.

Thứ năm:

+ Về mối liên hệ giữa các tín hữu Tin Lành: Cộng đồng tín hữu Tin lành luôn khuyến khích tinh thần giao lưu lẫn nhau, “hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (I Cô-rinh-tô 12:25-26). Bởi vậy, nên Hội Thánh Tin Lành có nhiều ban, mỗi ban đều có danh sách, nghề nghiệp, địa chỉ, những vấn đề cần cầu nguyện, … Cho nên, người tin Chúa biết rất rõ về nhau.

+ Về sự dâng 1/10: Tín hữu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được khích lệ dâng 1/10, nhưng với tinh thần tự nguyện và biết ơn Chúa, chứ không phải ép buộc. Số tiền này đều được công khai thu chi rõ ràng trước cộng đồng Hội Thánh. Đặc biệt, không có bất kỳ tín hữu nào vì dâng 1/10 mà phải bán hết gia sản, kiệt quệ như những người theo tổ chức “Hội Thánh Đức Chúa Trời” mà đài truyền hình cảnh báo.

Thứ sáu:

Các chức sắc là Mục sư, Truyền đạo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thực hiện hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tôn giáo đều có chức vụ, phẩm sắc trong tôn giáo và được Nhà nước công nhận, bảo vệ (khoản 10, Điều 3, Chương 1, Pháp Lệnh Tín Ngưỡng, NXB Tôn Giáo 2013).

Thứ bảy:

Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh Viên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ đã phối hợp với Cục An ninh Chính trị Nội bộ A83 Bộ Công an để gửi công văn đến các sở, trường để cảnh báo sinh viên về việc bị lôi kéo vào tổ chức có tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời” chứ không phải là tín hữu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

Bởi vậy, tín hữu Tin Lành chân chính cần nắm những điều trên để giải thích cho cộng đồng, hàng xóm phân biệt “tà đạo” giữa cộng đồng Việt Nam và tín hữu Tin Lành chân chính được Nhà nước công nhận và bảo hộ.

Ti-mô-thê Tạ

Bài trướcHiệp Nguyện Giáo Phẩm Tại Tp. HCM Tháng 05/2018
Bài tiếp theoUBKT – Thư Ngỏ Từ HTTL Chi Hội Phong Thử