Rô-ma 5:6-10
6 Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. 7 Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. 8 Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. 9 Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào! 10 Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!
Câu gốc: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (câu 8).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu đã chịu chết vì chúng ta khi chúng ta đang ở trong tình trạng như thế nào? Chúa bày tỏ tình yêu diệu kỳ của Ngài qua chương trình cứu rỗi ra sao? Chúng ta cần làm gì khi nhận biết tình yêu diệu kỳ của Chúa dành cho mình?
Sự chết của Chúa Giê-xu là chủ đề chính trong các thư tín của Sứ đồ Phao-lô. Ông lặp đi lặp lại vấn đề này để nhấn mạnh rằng nếu không bởi tình yêu, nhờ ân điển của Chúa thì con người tội lỗi vốn bất lực, “yếu đuối” và “thù nghịch cùng Đức Chúa Trời” (câu 6,10), không thể tự cứu mình được. Chúa Giê-xu vốn là Đức Chúa Trời thánh khiết. Theo đúng thời điểm và chương trình của Đức Chúa Cha, Ngài đã bằng lòng đến thế gian để chịu chết vì kẻ có tội (câu 6). Đức Chúa Trời là Đấng cai trị toàn cõi vũ trụ và nắm quyền trên cả dòng lịch sử, cho nên đúng “theo kỳ hẹn” của Ngài thì Chúa Giê-xu chịu chết để đền tội thay cho nhân loại. Đó là một chương trình cứu rỗi tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đã hoạch định sẵn từ buổi sáng thế (Sáng Thế Ký 3:15).
Chúa Giê-xu đến chịu chết cho chúng ta không phải vì chúng ta tốt lành, thánh thiện nhưng ngay khi chúng ta còn yếu đuối và có tội (câu 6). Sứ đồ Phao-lô lý luận “Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện” (câu 7 BTTHĐ), làm sao có ai chết thay một kẻ có tội đáng chết chứ? Sự hy sinh của Chúa không thể hiểu theo suy nghĩ thường tình của con người vì bởi tình yêu diệu kỳ dành cho nhân loại mà Chúa Giê-xu đã sẵn sàng chịu chết vì người có tội. Sứ đồ Phao-lô tiếp tục cho biết, chúng ta là những tội nhân đáng chết mất trong tội lỗi mình nhưng vì tình yêu mà Chúa chịu chết thay cho chúng ta. Chúa chết để chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, được xưng công bình, được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời, và sẽ được cứu nhờ sự sống của Đấng đã chết (câu 9-10). Đây là một sự hy sinh cao đẹp tuyệt đối mà chỉ xuất phát từ tình yêu vô điều kiện của Chúa Giê-xu mà thôi.
Tình yêu của Chúa Giê-xu không chỉ là lời nói, nhưng chính Ngài đã bày tỏ tình yêu diệu kỳ của Ngài bằng sự chết chuộc tội cho chúng ta đang khi chúng ta còn là những tội nhân đáng bị hư mất. Tình yêu của Chúa không chờ chúng ta ăn năn trở lại cùng Ngài trước, nhưng chính Ngài chịu chết trước để kéo chúng ta trở lại cùng Ngài. Nhận biết tình yêu diệu kỳ của Chúa, mỗi chúng ta cần phải sống xứng đáng với tình yêu Chúa dành cho mình.
Bạn đang đáp ứng tình yêu của Chúa như thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận biết tình yêu diệu kỳ của Chúa dành cho con để con luôn sống đẹp lòng Chúa, và sống hữu ích cho Ngài. Con nguyện rao tình yêu diệu kỳ của Chúa đến cho nhiều người.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 32.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.