Kinh Thánh Nói Gì Khi Con Cái Chúa Đang Phải Đối Phó Với Căn Bệnh Thời Kỳ Cuối?

8119

 

Thật khó để chấp nhận một biến cố đầy bất hạnh trong đời khi biết rằng cuộc sống buộc phải chấm dứt sớm. Một trong những điều có thể làm bừng tỉnh tâm hồn con người hơn cả, đó là việc nhận hung tin về việc bản thân người đó đang mắc phải một căn bệnh thời kỳ cuối. Trước hết, hãy tin rằng Chúa Giê-xu là Đấng luôn quan tâm chăm sóc bạn. Ngài đã khóc khi người bạn yêu dấu của mình là La-xa-rơ chết (Giăng 11:35), và Ngài đã động lòng khi nhìn thấy sự đau buồn của gia đình Giai-ru (Lu-ca 8:41-42).

Chúa Giê-xu không những quan tâm chăm sóc cho chúng ta mà Ngài còn luôn sẵn sàng để giúp đỡ con cái Ngài nữa. Chúa chúng ta là Đấng “sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân” (Thi Thiên 46:1). Đức Thánh Linh, Đấng Yên Ủi, ở cùng chúng ta, và Ngài sẽ không bao giờ rời xa chúng ta (Giăng 14:16).

Chúa Giê-xu phán với chúng ta rằng, chúng ta sẽ gặp gian truân trong thế gian này (Giăng 16:33), và không ai có thể được miễn trừ (Rô-ma 5:12). Tuy nhiên, khi chúng ta hiểu rõ toàn bộ chương trình cứu rỗi của Ngài dành cho thế giới băng hoại này, chúng ta sẽ dễ dàng hơn khi đối diện với bất cứ mức độ đau khổ nào. Chúng ta không được đảm bảo để có một thân thể khỏe mạnh trọn vẹn tại trần thế này, nhưng đối với những ai đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế sẽ được sự bảo đảm về phương diện tâm linh đến cả cõi đời đời (Giăng 10:27-28). Không một thế lực nào có thể được đụng đến linh hồn của chúng ta.

Hãy nhớ rằng không phải bất cứ những điều tồi tệ nào xảy đến cho chúng ta đều là hậu quả trực tiếp của tội lỗi. Việc mang trong mình căn bệnh thời kỳ cuối không phải là một bằng chứng về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời giáng trên bản thân người đó. Hãy nhớ lại thời điểm Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài đến bên một người đàn ông bị mù bẩm sinh. Các môn đồ đã hỏi Ngài rằng: “Thưa thầy ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?” Chúa Giê-xu đáp: “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (Giăng 9:2-3). Cũng vậy, ba người bạn của Gióp đã tin rằng tai họa giáng xuống Gióp là hậu quả tội lỗi do chính ông gây ra. Rồi những môn đồ của Chúa Giê-xu, họ đã có suy nghĩ sai lầm tương tự như vậy.

Chúng ta có thể sẽ không bao giờ hiểu được những nguyên nhân cho từng loại thử thách cụ thể xảy đến trên cuộc đời của chúng ta ở trần thế này; nhưng có một điều rõ ràng cho những người yêu mến Chúa, đó là những sự thử thách này sẽ đem lại ích lợi cho chúng ta chứ không phải để nhận chìm chúng ta (Rô-ma 8:28). Hơn nữa, Đức Chúa Trời sẽ thêm sức cho chúng ta để có thể chịu đựng và vượt qua bất cứ thử thách nào (Phi-líp 4:13). Cuộc sống trên đất của chúng ta là một “màn che” những điều tốt đẹp nhất, và đó là lý do Đức Chúa Trời đã khiến cho sự đời đời ở nơi lòng người (Truyền Đạo 3:11). Chương trình của Đức Chúa Trời cho con cái Ngài bao gồm cả sự chết, và đây là điều “quí báu trước mặt Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 116:15).

Trên hết, ý muốn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là để chúng ta làm vinh hiển danh Ngài và được lớn lên về phần thuộc linh. Ngài muốn chúng ta tin cậy và nương dựa nơi Ngài. Những gì mà chúng ta sẽ phản ứng khi đối diện với gian truân, kể cả khi đang mang trong mình căn bệnh thời kỳ cuối, sẽ bày tỏ một cách chính xác niềm tin của chúng ta nơi Đấng Christ. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy dâng thân thể mình làm của lễ sống (Rô-ma 12:1). Thật vậy, “việc làm chết bản ngã” là một sự đòi hỏi đối với những ai muốn theo Chúa Giê-xu (Lu-ca 14:27. Điều này có ý nghĩa rằng chúng ta phải đặt những ước nguyện của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn của Đức Chúa Cha. Như Chúa Giê-xu tại vườn Ghết-sê-ma-nê, ý “Con” được thành nguyện theo ý “Cha”.

Tác giả sách Hê-bơ-rơ thúc giục chúng ta hãy ngẫm lại sự đau đớn mà Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã chịu đựng để chính chúng ta không bị mệt mỏi và nãn lòng khi đối diện với những thử thách của chúng ta. Đó là “vì sự vui mừng được đặt ở trước mặt Ngài” mà Đấng Christ đã có thể chịu được sự đau đớn trên thập tự giá. “Sự vui mừng” này, đối với Đấng Christ, đó là sự làm theo ý muốn của Cha Ngài (Thi Thiên 40:8), làm nên sự giảng hòa giữa Chúa Cha với tạo vật Ngài đã dựng nên, và được tán dương tại bên hữu ngôi Đức Chúa Trời. Cũng vậy, những sự thử thách mà chúng ta đang chịu có thể sẽ trở nên dễ chịu hơn khi chúng ta xem điều này như là “một sự vui mừng” được đặt ở trước mặt chúng ta. Sự vui mừng của chúng ta sẽ hiện hữu qua sự thông hiểu rằng bởi chính sự rèn thử này mà Chúa biến hóa chúng ta trở nên giống như Con Ngài (Gióp 23:10, Rô-ma 8:29). Những điều mà chúng ta xem là đau khổ, bất hạnh, và không chắc chắn thì Cha quyền năng trên trời – Đấng đang vận hành và cho phép những điều đó xảy đến trên cuộc đời chúng ta – lại xem chúng như là những điều đem đến cho chúng ta sự ích lợi và giá trị. Sự đau khổ của chúng ta không bao giờ là vô nghĩa. Đức Chúa Trời dùng những sự đau khổ này để biến đổi chúng ta, để thăm viếng khích lệ những người khác, và trên hết, là để đem đến sự vinh hiển cho danh Ngài.

Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng những gian truân trên đất này chỉ là nhẹ và tạm mà thôi, không thể so sánh với sự vinh hiển cao trọng đời đời (2 Cô-rinh-tô 4:17-18). Giải nghĩa về phân đoạn Kinh Thánh này, một nhà thần học đã nói: “Đức Chúa Trời không mắc nợ bất cứ ai. Tất cả những hi sinh mà chúng ta đã dấn thân hay những đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng vì danh Chúa và bởi Thánh Linh Ngài, Ngài sẽ ban thưởng lại cách xứng đáng với những điều mà chúng ta đã gánh chịu.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mang trong mình một căn bệnh thời kỳ cuối, thì chúng tôi thành ý đưa ra một lời khuyên: hãy xem xét để chắc rằng bạn đã là một người con thật sự của Chúa, rằng bạn đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu là Đấng cứu rỗi cho cuộc đời bạn (Rô-ma 10:9-10). Sau nữa, như vua Ê-xê-chia đã được phán dặn, “hãy sắp đặt nhà ngươi” (Ê-sai 38:1); đó là, hãy truyền đạt rõ ràng những ý nguyện của bạn và những sự sắp đặt quan trọng khác cũng sẽ được thực hiện. Hãy sử dụng những thời gian còn lại mà Chúa ban cho bạn để được tăng trưởng về phần tâm linh và khuyên dạy những kẻ khác. Hãy luôn dựa vào năng quyền của Đức Chúa Trời để tiếp thêm sức mạnh cho bạn mỗi ngày, và khi Ngài gia ơn, hãy cảm tạ Chúa vì “cái giằm xóc vào thịt” này của bạn (2 Cô-rinh-tô 12:7-10). Cuối cùng, bạn hãy tìm sự an ủi nơi lời hứa của Chúa Giê-xu về một cuộc sống đời đời và an bình. “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).

Người dịch: Thanh Trang

Nguồn: https://www.gotquestions.org/joy-Christian.html

Bài trướcUB.CĐGD – Truyền Đạo Đơn: Bốn Điều Bạn Cần Biết
Bài tiếp theoHuấn Luyện Chấp Sự, Nhân Sự Các Hội Thánh Khu Vực TP. Cần Thơ