Ngày 26/6/2017: Khôn Ngoan hay Rồ Dại?

1206

I Cô-rinh-tô 1:18-25

18 Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời. 19 Cũng có lời chép rằng:
Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan,
Tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết. 20 Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra rồ dại không? 21 Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy. 22 Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, 23 thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại; 24 song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. 25 Bởi vì sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta.
 

Câu gốc: “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời” (câu 18).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao có hai nhận định trái ngược như câu 18 đã nêu? Tại sao mọi sự khôn ngoan của thế gian chỉ là hư không? Đâu là sự khôn ngoan thật? Điều này giúp gì cho chúng ta trong công tác rao truyền Phúc Âm?

 

Trong quá trình truyền giáo của mình, không phải lúc nào Sứ đồ Phao-lô cũng nhận được sự tôn trọng, nghênh tiếp khi ông đem Tin Lành đến cho mọi người, song không ít lần ông đã bị xua đuổi, thậm chí bị xem như “rác rến của thế gian, cặn bã của loài người” (I Cô-rinh-tô 4:13). Những người phản đối không chỉ xem thường sứ giả rao giảng Phúc Âm, nhưng họ xem khinh cả sứ điệp mà ông rao giảng. Đối với những người không mở lòng đón nhận sự cứu rỗi, thì họ cho rằng thập tự giá mà ông rao giảng là “điên dại”. Song trái với quan điểm của họ, thì những người nhận được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời ban cho để hiểu được chân lý thì xem đó là “quyền phép của Đức Chúa Trời” (câu 18). Vì sao có hai nhận định trái ngược này? Chính vì người thế gian không nhờ vào sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời ban cho, nhưng bởi sự kiêu ngạo trong lòng họ tự nghĩ rằng họ là người khôn ngoan, và dùng chính sự khôn ngoan đó để nhận định chân lý mầu nhiệm từ trên cao. Kết quả, Đức Chúa Trời đánh giá họ là những người dại vì đã khước từ ân sủng của Đức Chúa Trời. Riêng những ai sẵn sàng mở lòng đón nhận Tin Lành thì được Chúa đánh giá là những người khôn ngoan.

 

Trong công tác truyền giáo ngày nay cũng cho thấy biết bao lần chứng nhân của Chúa Giê-xu phải đón nhận những cái nhìn khinh khi và phải nghe những lời nói gièm chê của người thế gian, như “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”, hay chỉ những người mê muội mới có thể tin vào sứ điệp Phúc Âm… Họ không biết rằng “Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (câu 24) thì không thể hiểu được bằng sự khôn ngoan hạn hẹp của con người. Con người từ xưa đến nay vẫn luôn khát khao và đi tìm sự khôn ngoan nhưng họ không biết rằng mọi sự khôn ngoan của thế gian so với thập tự giá thì đều là rồ dại (câu 20), bởi sự khôn ngoan của thế gian chỉ đưa con người đến sự hư mất, trong lúc sự chết của Đấng Christ mà thế gian coi là rồ dại thì lại đem tội nhân đến sự sống đời đời. Vì thế, dù phản ứng người nghe như thế nào thì chúng ta không nản lòng nhưng càng được thôi thúc để thực hiện trọng trách rao truyền Phúc Âm cho đồng bào.

 

Bạn có dạn dĩ rao truyền Phúc Âm bằng sự khôn ngoan thật từ Đức Chúa Trời không?

 

Cầu nguyện: Kính lạy Đức Chúa Trời! Con tạ ơn Chúa vì Ngài ban cho con sự khôn ngoan để nhận biết và thờ phượng Đấng Thánh. Xin ban cho con cứ hết lòng rao truyền Phúc Âm cho đồng bào dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: E-xơ-ra 6.

Bài trướcBài 85: Những Nguyên Tắc Liên Quan Đến Công Việc Chúa
Bài tiếp theoBài 85: Sự Rửa Tay, Người Đàn Bà Canaan, Sự Hóa Bánh