Giê-rê-mi 3:1-5
1 Người ta nói rằng: Nếu người kia bỏ vợ mình, và nếu khi ly dị rồi vợ lấy chồng khác, thì người chồng trước có lẽ nào còn trở lại cùng đàn bà đó sao? Nếu vậy thì trong đất há chẳng bị ô uế lắm sao? Vả, ngươi đã hành dâm với nhiều người yêu, còn toan trở lại cùng ta sao? Đức Giê-hô-va phán vậy. 2 Hãy ngước mắt xem các gò hoang; có nơi nào mà ngươi chẳng hành dâm? Người đã ngồi bên đường để chờ đợi người yêu, như người A-rạp trong đồng vắng; và ngươi đã đem sự dâm loạn bậy bạ mà làm dơ nhớp đất nầy.
3 Vậy nên mưa đã bị ngăn cấm, không được mưa cuối mùa. Dầu thế, ngươi cũng vênh trán lên như đàn bà dâm đãng; chẳng biết xấu hổ. 4 Từ nay về sau ngươi há chẳng kêu đến ta rằng: Hỡi Cha tôi, Ngài là Đấng dẫn dắt tôi trong khi tôi trẻ, hay sao? 5 Ngài há sẽ cầm giận mãi mãi, và nuôi cơn thạnh nộ đến cuối cùng sao? Nầy, ngươi dầu nói như vậy, mà cũng cứ phạm tội, theo lòng mình muốn.
Câu gốc: “Hỡi Cha tôi, Ngài là Đấng dẫn dắt tôi trong khi tôi trẻ, hay sao? Ngài há sẽ cầm giận mãi mãi, và nuôi cơn thạnh nộ đến cuối cùng sao?…Này, ngươi dầu nói như vậy, mà cũng cứ phạm tội, theo lòng mình muốn” (câu 4-5).
Câu hỏi suy ngẫm: Việc trích dẫn luật Môi-se về quy định ly dị mang ý nghĩa gì với dân Chúa? Chúa dùng cơn hạn hán để cảnh cáo nhưng dân Chúa đáp lại thế nào? Hậu quả ra sao? Bài học này nhắc chúng ta những gì?
Mở đầu chương 3, Tiên tri Giê-rê-mi trích dẫn Phục Truyền 24:1-4 về việc cấm người chồng nhận lại vợ mình đã ly dị. Đức Chúa Trời ví sánh dân Giu-đa như một người vợ phạm tội ngoại tình, không chỉ một lần với một đối tượng, nhưng là với nhiều người tại khắp mọi nơi (câu 1b-2), đến nỗi đất đai vì cớ ấy trở nên ô uế. Chúa muốn nói họ đã bỏ Chúa mà sốt sắng thờ nhiều thần hư không ở nhiều đồi hoang trong xứ sở của họ. Hậu quả tội lỗi tày đình đó đã ảnh hưởng trên thiên nhiên, khiến Đức Chúa Trời cầm giữ mưa không ban xuống đất. Họ phải gánh chịu nạn hạn hán, cho đến cuối mùa mưa mà vẫn chẳng thấy một cơn mưa nào. Với những tội dân Giu-đa đã phạm, theo luật định thì không thể nào Chúa chấp nhận họ trở về với Ngài. Nhưng Ngài vẫn nhân từ dùng cơn hạn hán để giúp họ nhận ra những sai phạm và ăn năn với Chúa. Vậy mà họ vẫn chẳng biết xấu hổ, cứ trâng tráo xưng Chúa là Cha, là Đấng đã dẫn dắt họ từ thuở thiếu thời, nhưng nào phải họ chịu quay lại ăn năn, thờ phượng Ngài, mà họ chỉ muốn lợi dụng lòng nhân từ, thương xót của Chúa đối cùng họ. Riêng họ vẫn cứ làm điều ác theo lòng mình muốn.
Tất cả những điều Đức Chúa Trời quở trách không với mục đích nào khác hơn là cho dân Chúa nhận biết những điều sai họ đã làm thực sự vượt quá sức chịu đựng của con người, song với Đức Chúa Trời thì Ngài vẫn kiên nhẫn, nhịn nhục để họ ăn năn quay trở về với Ngài. Với lòng yêu thương dân Ngài thì không thể nào Ngài “…cầm giận mãi mãi, và nuôi cơn thạnh nộ đến cuối cùng…” (câu 5). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Chúa sẽ không xử đoán tội họ đã phạm.
Như dân Giu-đa đã thử thách và lợi dụng lòng nhân từ, thương xót của Đức Chúa Trời, chúng ta ngày nay cũng thế. Bài học nhắc chúng ta hãy nhìn biết mình xấu xa, nhiều lần phạm nhiều tội trọng cùng Chúa, để cảm nhận thật sâu sắc tình yêu Ngài dành cho khi Ngài vẫn sẵn sàng tha thứ mọi tội ác của chính mình, để mỗi người không miệt mài trong những điều mình sai phạm, không mãi ngụy biện nhưng nhanh chóng nhận ra lỗi lầm và ăn năn với Chúa, để Ngài không buồn lòng.
Có khi nào Chúa nhắc nhở, cáo trách bạn nhiều lần nhưng bạn vẫn cứng lòng không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa nhân từ về tình yêu Ngài dành cho con, sẵn sàng nhắc nhở, cáo trách, tha thứ mọi sự vi phạm của con và đón nhận con trở về bên Ngài. Xin cho con nhận ra lỗi lầm và ăn năn ngay.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Cô-rinh-tô 9.