Tại Sao Phải Chờ Đến Khi Kết Hôn? (P3)

4614

 

11) Khi nào thì tôi có thể bắt đầu mối quan hệ đứng đắn lâu dài này?

Nếu “quan hệ đứng đắn” có nghĩa là quan hệ đặc biệt với một người khác phái đến nỗi bạn phải chuẩn bị luôn cả việc sẵn sàng đính hôn với người đó sau một thời gian. Vì vậy, không nên bắt đầu hẹn hò trước năm cuối của bậc đại học, hoặc trước thời điểm bạn dự tính kết hôn từ một đến hai năm.

Thường thì do áp lực xã hội hoặc do mong muốn thoả mãn nhu cầu tình dục mà chúng ta bắt đầu mối quan hệ này, và vì lẽ đó, người ta bắt đầu quen biết nhau rất sớm trước khi thực sự sẵn sàng nhận lãnh những trách nhiệm của hôn nhân. Nếu không thể vượt qua được áp lực xã hội, chúng ta sẽ nhận thấy khó lòng chờ đợi cho đến khi kết hôn và dẫn đến việc hưởng thụ tình dục trước hôn nhân. Sẽ khôn ngoan hơn nếu chúng ta quyết định cố gắng vượt qua những áp lực xã hội ngay từ đầu và chờ đợi cho đến thời điểm Đức Chúa Trời cho phép. Trong khi chờ đợi, chúng ta nên quen biết thêm nhiều bạn bè khác phái. Chúng ta cần làm quen với một số bạn trong nhiều bạn đó mà không cần có mối quan hệ riêng biệt với một ai.

Trong khi chờ đợi, chúng ta cầu nguyện dâng phó vấn đề lựa chọn này cho Cha Thiên Thượng. Chúng ta không lo lắng nhưng trông cậy nơi Ngài, bởi vì Ngài luôn chăm sóc chúng ta (Phi-líp 4:6, 1Phi-e-rơ 5:7). Đời sống Cơ Đốc là đời sống của đức tin.

Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho công tác phục vụ Chúa. Hãy nghĩ đến những người người chưa tin Chúa và rao truyền Phúc âm cho họ, và những thanh niên Cơ Đốc cần được dạy dỗ thêm về lời Chúa! Chúng ta phải thừa nhận rằng việc có bạn trai hay bạn gái sẽ tiêu tốn khá nhiều quỹ thời gian của chúng ta.

Tốt hơn chúng ta nên chờ cho đến khi kết hôn bởi lẽ chúng ta được tạo dựng theo cách mà chúng ta cũng đều mong muốn được gần gũi, ôm ấp người mình yêu! Đầu tiên chúng ta sẽ muốn nắm tay người đó, rồi muốn ôm, muốn hôn, muốn âu yếm, rồi thì…? Nếu để cho quá trình ấy bắt đầu quá sớm thì chúng ta đã tự đặt mình đối diện với cám dỗ của việc tiến sâu vào mối quan hệ nam nữ. Quá trình từ lúc tìm hiểu, theo đuổi cho đến đính ước, và cuối cùng là kết hôn dễ bị kéo dài từ hai cho đến mười năm. Tuy nhiên, sẽ cực kỳ khó khăn khi muốn tạm gác lại những đòi hỏi về phương diện sinh học, sinh lý, thứ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sự hòa hợp thuộc thể với người mình yêu.

Quyền tiếp xúc thân mật về thể xác cần phải đi sau mối tương giao cá nhân. Chúng ta có thể nắm tay người con gái mà mình đang theo đuổi. Và chúng ta có thể ngủ chung giường với vợ mình. Nhưng Kinh Thánh tuyệt nhiên không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn nào cho những thời kỳ ở giữa hai giai đoạn đó. Và đây là nguyên tắc: sự quen biết sơ khởi chỉ cho ta những đặc quyền ở mức tối thiểu, chỉ khi kết ước hoàn toàn (tức là khi bước vào hôn nhân) chúng ta mới được phép kết hiệp trọn vẹn, “trở nên một thịt.”

Khi đến thời điểm quyết định, chắc chắn chúng ta sẽ vui mừng vì mình đã chờ đợi. Một mặt, sự chín chắn trưởng thành giúp chúng ta khôn ngoan hơn trong sự lựa chọn. Mặt khác, bằng cách mở rộng sự giao thiệp, lựa chọn của chúng ta có nhiều khả năng chịu được thử thách về thời gian và có dịp so sánh.

 

12) Làm thế nào tôi có thể biết rõ “ứng viên”?

Chúng ta phải tận dụng cơ hội để quen biết nhiều người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau – ở trường học, chốn công sở, nơi gia đình, trong hội thánh, hoặc ở những buổi họp mặt thân mật… Chúng ta có thể quen biết nhiều người mà không để lại ấn tượng rằng chúng ta đang theo đuổi một ai trong số đó. Chẳng hạn, một buổi thảo luận sẽ cực kỳ hữu ích vì nó cho phép những thành viên tham gia được bộc lộ suy nghĩ và bày tỏ chính mình. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận, không tiếp xúc riêng tư với bất cứ ai nếu chúng ta chưa sẵn sàng để nhận lấy trách nhiệm của hành động đó. Chúng ta cần nỗ lực để cư xử công bằng, chan hoà và không khiêu khích hoặc gây hiểu lầm.

Cụ thể, chúng ta không nên tán tỉnh bất kỳ người nào. Tán tỉnh là dấu hiệu cho thấy sự thiếu chín chắn về mặt cảm xúc, tính kiêu căng và vị kỷ. Tán tỉnh cũng là hành động thiếu tinh thần trách nhiệm, bởi vì khi tán tỉnh chúng ta đang cố gắng thu hút sự chú ý của một người mà không hề có ý định nghiêm túc với họ.

 

13) Tôi có nên nhờ cha mẹ tư vấn cho mình?

Đương nhiên rồi! Điều này một phần thể hiện sự hiếu kính của bạn đối với cha mẹ (Ê-phê-sô 6:1-3). Hơn nữa, cha mẹ là những người hiểu rõ chúng ta hơn hết, họ có thể giúp cho chúng ta có cái nhìn sáng suốt và thấu đáo khi xây dựng tổ ấm riêng của mình. Nếu cha mẹ bạn cũng là Cơ Đốc nhân thì lời khuyên của họ sẽ đặc biệt có giá trị.

Tuy nhiên, ngay cả khi cha mẹ bạn không phải là Cơ Đốc nhân, và cho dù bạn phải trái ý cha mẹ mình để vâng theo ý Chúa trong một số quyết định quan trọng, thì họ vẫn đáng được tôn kính và quý trọng. Chúng ta phải hiểu rằng, sống trong xã hội Á Đông, khi kết hôn, chúng ta không chỉ kết hôn với cá nhân người chồng hay vợ chúng ta, mà là kết hôn với cả gia đình người đó và vì vậy, chúng ta phải tham khảo ý kiến của cha mẹ ở cả hai bên gia đình. Và như vậy, một lần nữa chúng ta có trách nhiệm rao truyền Phúc âm cho bà con họ hàng và chúng ta phải cẩn thận để không gây chống đối, ngoại trừ sự chống đối về thập tự giá (Cô-lô-se 4:5,6).

 

14) Thời gian đính hôn nên kéo dài bao lâu?

Đính hôn là việc thông báo công khai rằng hai người hứa hẹn cùng nhau kết hôn trong vòng thời gian thích hợp. Thông thường, ngày cưới là phần nội dung được đề cập trong thông báo này. Việc đính hôn có hai tác dụng: Một là có thời gian cho đôi nam nữ có thêm cơ hội tìm hiểu nhau nhiều hơn mà không bị dị nghị và hai là cung cấp khoảng trống cần thiết phòng khi đôi nam nữ thay đổi quyết định. Nói một cách lý tưởng, người nam và người nữ cần biết khá rõ về nhau trước khi đính hôn, nếu không, đính hôn sẽ không phải là một lựa chọn khôn ngoan bởi nó thiếu đi những căn cứ làm nền tảng. Những ai ở trong danh của Đức Chúa Giê-xu Christ đều phải nhớ rằng hôn ước bị đổ vỡ sẽ làm ô danh Ngài. Dù vậy, khoảng thời gian đính hôn có thể cung cấp thêm thông tin cho thấy hôn nhân sau đó sẽ không hạnh phúc. Trong trường hợp như vậy, tốt hơn là huỷ bỏ hôn ước thay vì liều lĩnh tiến hành hôn nhân.

Việc đính ước sẽ khiến cho đôi nam nữ tự nhiên với nhau hơn, và do đó áp lực của sự đòi hỏi tiếp xúc thể xác theo đó cũng tăng lên. Một đôi nam nữ khôn ngoan có thể thoả thuận với nhau để đặt ra những tiêu chuẩn giới hạn mà cả hai sẽ cùng tuân thủ. Chúng ta không thể quy định cụ thể những điều nào được cho phép; tuy nhiên, phải luôn nhớ rằng chúng ta không chỉ cẩn thận giữ lương tâm mình trong sáng, mà còn phải giúp hôn phu hoặc hôn thê của chúng ta giữ lương tâm họ không bị vẩn đục.

Vậy nên tốt nhất không nên kéo dài thời gian đính hôn, chỉ có thể từ sáu tháng đến một năm. Khi đôi nam nữ có sự gặp gỡ thường xuyên thì thời gian đính hôn càng ngắn càng tốt. (1 Cô-rinh-tô 7:9,36).

 

15) Nếu chúng tôi đã yêu nhau, tại sao phải đợi đến khi kết hôn?

Nếu các bạn thực sự yêu nhau, các bạn chắc chắn sẽ đợi cho đến khi kết hôn. Bởi vì các bạn muốn gìn giữ cho nhau trong sự thánh khiết cho đến khi có thể nói với nhau không chút e dè rằng: Anh (em) là của em(anh). Các bạn không dè dặt là vì các bạn đã hứa nguyện là vợ chồng với nhau trước mặt Hội thánh của Chúa và trước mắt mọi người, rằng các bạn nhận lãnh trách nhiệm hoàn toàn cho nhau. Khoảnh khắc đó gọi là hôn nhân. Đòi hỏi quan hệ trước giây phút đó có nghĩa là yêu cầu được hưởng đặc quyền trọn vẹn mà không nhận lãnh trách nhiệm. Đòi hỏi ấy là tội lỗi, vị kỷ, và thiếu tình yêu thương.

Nếu thực sự yêu nhau, cả hai sẽ chờ đợi cho đến khi kết hôn bởi vì trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, sự hiệp một về mặt tính dục là đỉnh điểm – chứ không phải khởi điểm – của một tình yêu chân thật. Đó là hành động cao quý nhất biểu lộ sự dâng hiến chính mình cho nhau. Hành động đó bày tỏ sự hiệp một thuộc linh sâu sắc hơn giữa chồng và vợ. “Và hai người sẽ trở nên một thịt…” (Sáng Thế Ký 2:24, Ê-phê-sô 5:31).

 

(Còn tiếp)

Bài trướcV/v Thư Kêu Gọi Dâng Hiến Cho Viện Thánh Kinh Thần Học
Bài tiếp theoNgày 21/2/2017: Cứ Phạm Tội Theo Lòng Mình Muốn