Ngày 12/2/2017: Yên Nghỉ Trong Chúa

1598

Gióp 3:20-26    

20 Cớ sao ban ánh sáng cho kẻ hoạn nạn,
Và sanh mạng cho kẻ có lòng đầy đắng cay?
21 Người như thế mong chết, mà lại không được chết;
Cầu thác hơn là tìm kiếm bửu vật giấu kín;
22 Khi người ấy tìm được mồ mả,
Thì vui vẻ và nức lòng mừng rỡ thay.
23 người nào không biết đường mình phải theo,
Và bị Đức Chúa Trời vây bọc bốn bên, sao lại được sự sống?
24 Vì trước khi ăn, tôi đã than siết,
Tiếng kêu vang tôi tuôn tôi như nước.
25 Vì việc tôi sợ hãi đã thấu đến tôi;
Điều tôi kinh khủng lại xảy ra cho tôi.
26 Tôi chẳng được an lạc, chẳng được bình tịnh, chẳng được an nghỉ;
Song nỗi rối loạn đã áp đến!
 

Câu gốc: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28-29).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp than trách Chúa điều gì? Tâm hồn ông Gióp thế nào trong sự thử thách lớn này? Làm sao để tâm hồn bạn được yên nghỉ trong Chúa?

 

Tâm hồn ông Gióp vô cùng mệt mỏi, rối loạn khi phải đương đầu với những thử thách quá lớn. Nào là các con trai, con gái bất ngờ chết hết, của cải mất sạch, ghẻ lở toàn thân, người đời khinh chê, rời bỏ. Ông Gióp ngồi trong đống tro vừa lấy mảnh sành để gãi vừa đưa ra những câu hỏi, lời nói phàn nàn, than trách. Ông trách Chúa sao để cho ông thấy ánh sáng của sự sống mà không cho ông chết như lòng ông mong ước. Cụm từ “kẻ có lòng đầy đắng cay” có nghĩa là “kẻ có tâm hồn đắng cay” (câu 20). Khi tâm hồn ông đắng cay với Chúa, ông mong tìm đến sự chết: “người như thế mong chết, mà lại không được chết” (câu 21). Ông so sánh niềm vui được chết như người vui mừng khi tìm được châu báu. Ông Gióp trách Chúa “vây bọc bốn bên” không cho ông con đường sống, nhưng ông không biết rằng Chúa đã “dựng hàng rào bênh vực ở bốn phía người” (1:10). Ông thưa với Chúa rằng ông đã hết lòng kêu cầu Chúa, “tôi đã than siếc” “tiếng kêu van tôi tuôn trôi như nước” nhưng tai họa cũng xảy đến cho ông. Ông Gióp kết luận tâm hồn ông “chẳng được an lạc, chẳng được bình tịnh, chẳng được an nghỉ; …rối loạn” (câu 26). Đó là những suy nghĩ và tâm trạng của ông Gióp trước thử thách quá nặng nề cho ông mà ông không hiểu tại sao.

 

Sự sống là một món quà quý nhất mà Đức Chúa Trời ban cho con người. Từ chối sống không những là từ chối món quà của Thiên Chúa mà còn bày tỏ sự chống đối Chúa nữa. Tuy nhiên, một điểm quan trọng đáng mừng ở đây là trong sự đau khổ tột cùng của ông Gióp, ông không “phỉ báng” Đức Chúa Trời như bà Gióp bảo ông (1:9), tuy nhiên, điểm yếu của ông là ông đã không phó thác số mệnh, tâm hồn của ông cho Chúa.

 

Chúa Giê-xu phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28-29). Dù đang mệt mỏi và gánh nặng, nhưng linh hồn của chúng ta cũng sẽ được an lạc, bình tịnh, an nghỉ khi chúng ta phó thác cuộc đời của chúng ta cho Đức Chúa Trời và đi theo đường lối Ngài.

 

Trong những khó khăn, thử thách xảy đến cho mình, bạn có phản ứng giống ông Gióp hay bạn giao phó đời mình cho Chúa để được yên nghỉ?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài là Đấng ban cho con sự sống. Xin cho con luôn phó thác đời sống con trong tay Chúa và cho con luôn được yên nghỉ trong Ngài.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 79-80.

 

Bài trướcNgày 11/2/2017: Được Xưng Công Bình Bởi Đức Tin: CON ĐƯỜNG DUY NHẤT
Bài tiếp theoBồi Linh Tại HTTL Đông Phú – Tỉnh Hậu Giang