Ngày 9/12/2016: Yêu Chúa và Phục Vụ Hội Thánh

1005

Giăng 21:15-17

15 Khi ăn rồi, Đức Chúa Jêsus phán cùng Si-môn Phi-e-rơ rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng? Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn những chiên con ta. 16 Ngài lại phán lần thứ hai cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng? Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta. 17 Ngài phán cùng người đến lần thứ ba rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng? Phi-e-rơ buồn rầu vì Ngài phán cùng mình đến ba lần: Ngươi yêu ta chăng? Người bèn thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa! Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta.

 

Câu gốc: “Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì giữ gìn các điều răn Ta” (Giăng 14:15).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và ông Phi-e-rơ xảy ra trong bối cảnh nào? Tại sao Chúa không giao thẳng sứ mệnh chăn bầy cho ông Phi-e-rơ mà lại hỏi ông về tình yêu? Chúng ta áp dụng được gì về mối tương quan giữa yêu Chúa và phục vụ Hội Thánh của Ngài?

 

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và ông Phi-e-rơ xảy ra trong bối cảnh Chúa Giê-xu đã phục sinh và trước khi thăng thiên. Ngài đã hiện ra nhiều lần cho các môn đồ, bao gồm việc gặp riêng ông Phi-e-rơ (I Cô-rinh-tô 15:5). Ông Phi-e-rơ cùng bảy môn đồ khác đang đánh cá tại hồ Ga-li-lê (câu 2-3). Chúa đã chuẩn bị sẵn buổi ăn sáng và mời họ dùng bữa với Ngài. Sau khi ăn xong Chúa nói chuyện riêng với ông Phi-e-rơ.

 

Chúa hỏi ông Phi-e-rơ ba lần không với ý trách móc ông ba lần chối Ngài (Giăng 18:17, 25, 27) nhưng với ý Ngài đã tha thứ sau khi ông hết lòng ăn năn (Ma-thi-ơ 26:75). Chúa nhấn mạnh đến ba lần vào nhiệm vụ Ngài giao cho ông. Mục đích của Chúa là ủy thác ông Phi-e-rơ vào chức vụ chăn bầy nhưng Chúa lại hỏi về tình yêu của ông đối với Ngài, vì động cơ quan trọng nhất để phục vụ Hội Thánh của Chúa phải là yêu chính Chúa chứ không phải chỉ phục vụ vì bổn phận, trách nhiệm, dù điều này là tốt và cần thiết. Hai lần đầu Chúa dùng từ “agape” là tình yêu dấn thân, hy sinh. Còn ông Phi-e-rơ cả ba lần đều dùng từ “phileo” là tình yêu nghiêng về cảm xúc. Thật ra, hai từ này được dùng thay đổi nhau trong Kinh Thánh, thí dụ tình yêu của Đức Chúa Cha đối với Đức Chúa Con trong Giăng 3:35 là “agape,” và trong Giăng 5:20 là “phileo.” Nhưng trong phân đoạn này cả ba lần ông Phi-e-rơ không dám dùng từ “agape,” tình yêu cao cả hy sinh, mà dùng từ “phileo,” tình yêu thuộc cảm xúc giữa những người thân. Lần thứ ba, Chúa mới dùng từ “phileo” như ông Phi-e-rơ. Ông Phi-e-rơ đã từng mạnh mẽ tuyên bố rằng mình yêu Chúa hơn các môn đồ khác yêu Ngài (Ma-thi-ơ 26:33) nên câu hỏi thứ nhất của Chúa khiến ông Phi-e-rơ xét lại mức độ tình yêu của ông đối với Ngài. Nhưng tại sao Chúa không hỏi ông Phi-e-rơ có yêu Hội Thánh, là đối tượng mà ông sẽ phục vụ, mà lại hỏi rằng ông có yêu Ngài không? Điểm mấu chốt là tình yêu đặt vào Chúa sẽ bền vững vì Chúa là Đấng toàn thiện, toàn năng, thành tín, là Đấng không hề thay đổi. Dĩ nhiên, người chăn bầy phải yêu bầy chiên, nhưng nếu lấy tình yêu Hội Thánh làm nền tảng cho sự phục vụ, thì sẽ có những lúc chúng ta bị thất vọng, nản lòng khi gặp chính những người mình chăm sóc chống đối, quấy phá, như trường hợp của ông Môi-se chẳng hạn (Dân Số Ký 11:4-15).

 

Điều kiện quan trọng nhất mà Chúa đòi hỏi nơi những người phục vụ Ngài trong bất cứ lãnh vực nào là đặt tình yêu đối với Ngài lên hàng đầu, trên cả tình yêu với những người mình phục vụ, trên cả sự đam mê công việc (Ma-thi-ơ 22:37-38). Bạn nhận biết mình yêu Chúa tới mức độ nào?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhắc nhở con rằng yêu Chúa phải là động cơ quan trọng nhất khiến con phục vụ Hội Thánh Ngài.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 68.

Bài trướcHuấn Luyện Truyền Giáo Tại Tây Bình Thuận
Bài tiếp theoNgày 10/12/2016: Hội Thánh của Đức Chúa Trời