Ngày 30/9/2015: Lời Cầu Nguyện Hài Lòng Chúa

972

Ê-sai 64:1-12

 

 “Lạy Đức Giê-hô-va, đã đến nỗi này, Ngài còn nín nhịn được sao? Có lẽ nào Ngài cứ làm thinh, khiến chúng tôi chịu khổ không ngần?” (câu 12).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Tiên tri Ê-sai tiếp tục cầu xin gì với Đức Chúa Trời? Cách cầu nguyện của ông ra sao? Theo bạn, cầu nguyện như thế nào là hiệu quả và khiến Đức Chúa Trời vui lòng?

 

Tiên tri Ê-sai kêu cầu Đức Chúa Trời ngự xuống và khiến cho kẻ thù biết đến Danh Ngài như Ngài đã làm nhiều thế kỷ trước đối với vua Pha-ra-ôn (Xuất Ai Cập Ký 14:3,18). Khi ngự xuống núi Si-na-i, Đức Chúa Trời đã làm cho núi non rúng động (câu 3). Chắc chắn không có thần nào có uy quyền và có thể làm được như Đức Chúa Trời của người Israel. Ngài cũng sẽ làm như thế đối với những người bước đi ngay thẳng theo đường lối Ngài (câu 5). Tuy nhiên, người Israel không đi theo đường lối Ngài và việc làm tội lỗi của họ khiến Đức Chúa Trời nổi giận. Tội lỗi đã tạo ra rào cản giữa Đức Chúa Trời và con người. Trong tình trạng như thế, Tiên tri Ê-sai đã kêu lên rằng “đã lâu như vậy, thì còn được cứu sao?” (câu 5).

 

Ở đây, một lần nữa Tiên tri Ê-sai nhân danh dân tộc của ông mà xưng tội cùng Đức Chúa Trời. Ông nói rằng “mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp” (câu 6). Điều này còn có nghĩa rằng nếu những việc làm công chính của chúng ta không phát xuất từ tình yêu thương chân thật, thì chúng chẳng có giá trị gì đối với Đức Chúa Trời. Mặt khác, tình yêu thương này chẳng thể nào tìm thấy nơi những con người tội lỗi, chưa được sinh lại bởi Chúa Thánh Linh. Đây cũng là lý do tại sao không ai có thể nhận được sự cứu rỗi bởi những việc làm công chính. Do phạm tội, người Israel trong thời Tiên tri Ê-sai ở trong tình trạng bi đát về mặt thuộc linh cũng như thuộc thể. Đức Chúa Trời khiến cho họ bị tiêu mất đi bởi tội lỗi của họ (câu 7). Trong tình trạng như thế, họ đã hạ mình xuống cầu xin sự thương xót của Cha trên trời. Thay lời cầu nguyện cho họ, Tiên tri Ê-sai cầu xin Chúa đừng nhớ đến tội của họ, nhưng xin Ngài nhớ rằng họ là con cái Ngài, là dân mà Ngài lựa chọn. Tiên tri Ê-sai kết thúc lời cầu nguyện bằng câu hỏi (câu 12). Đức Chúa Trời đã đáp lời của ông trong hai đoạn cuối của sách Ê-sai.

 

Lời cầu nguyện của ông Ê-sai trong phân đoạn này là khuôn mẫu cho lời cầu nguyện của chúng ta. Nếu không bởi sự tha thứ của Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ bị hư mất bởi tội lỗi của mình. Tiên tri Ê-sai đã bắt đầu lời cầu nguyện bằng lời chúc tụng (câu 63:7) và kết thúc bằng sự mong ước khiêm nhường rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp lời (câu 12). Đây cũng là gợi ý để khởi đầu và kết thúc tốt cho lời cầu nguyện của chúng ta.

 

Bạn thường cầu nguyện như thế nào? Mong rằng lời cầu nguyện của Tiên tri Ê-sai sẽ giúp bạn cầu nguyện hiệu quả và làm vui lòng Đức Chúa Trời hơn.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù cầu nguyện cho chính mình hay cho người khác, xin cho con cầu nguyện chân thành, khiêm nhường và tin cậy rằng Ngài sẽ đáp lời.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 9.

 

Bài trướcHiệp Nguyện Các Điểm Nhóm Tại Hội Thánh Khe Sanh – Tỉnh Quảng Trị
Bài tiếp theoDinh dưỡng: Rau Bù Ngót