Bài thứ 311: Xưng Nhận Lỗi Lầm

1045

Đọc Gia-cơ 5:16-20

Câu căn bản: Vậy, hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh. Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm. Câu 16

Bản TK 1987 dịch câu này là: Hãy nhận lỗi với nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh. Lời của cầu nguyện của người công chính rất mạnh mẽ và hiệu nghiệm.

 

 

Suy niệm:  Một trong những trở ngại trong việc cầu nguyện là lỗi lầm của ta đối với Chúa, điều đó ai cũng biết, nhưng lỗi lầm hay xúc phạm đối với nhau cũng khiến nhiều khi Chúa chưa trả lời cầu xin cho ta được.Trong bài giảng trên núi, Ma-thi-ơ 5: 23-24 Chúa Giê-xu dạy:  “Khi con đem lễ vật dâng nơi bàn thờ mà chợt nhớ người anh em mình đang có điều gì nghịch với mình, hãy để lễ vật trước bàn thờ, trở về giải hòa với anh em trước đã, rồi hãy  đến dâng tế lễ.”

 

Một trong những khó khăn bên trong tâm hồn chúng ta là sự xung khắc giữa muốn được người ta biết mình, lại vừa không muốn ai biết gì về chính mình. Chúng ta được tạo dựng nên theo ảnh tượng của Chúa, nên chúng ta được tạo nên để được biết –được Chúa biết và người khác biết. Tuy nhiên, vì bản chất sa ngã phạm tội, mỗi chúng ta đều có tội và những yếu đuối, nên không muốn ai biết về mình.

 

Lý do chúng ta muốn giấu mình, muốn lẩn trốn là vì sợ khi biết sự thật về mình, người ta sẽ chê cười hay khước từ.  Nhưng khi chúng ta biết được rằng Chúa biết rõ mỗi chúng ta, vẫn thương yêu chúng ta và sẵn lòng tha thứ cho chúng ta, dù tội phạm xấu xa đến mức nào, thì nỗi lo sợ Chúa biết sẽ tan biến đi.

Và khi chúng ta nhận ra rằng cộng đoàn dân Chúa mà mình đang tương giao hiểu mối quan hệ giữa tha thứ và xưng nhận lỗi lầm, thì chúng ta không ngại nhận lỗi đối với nhau.

 

Đời sống đức tin không phải chỉ cho người khác biết những điều tốt lành của mình, nhưng còn là cho người ta thấy cả những điều hư xấu trước ánh sáng xuyên thấu của Chúa qua việc xưng nhận tội với Chúa và với anh chị em trong Chúa nữa.  Sống như thế chúng ta sẽ nhận được sự chữa lành và  hưởng được tự do của sự tha thứ với tình thương kết nối. Đó chính là lời dạy của Gia-cơ trong mấy câu Kinh Thánh chúng ta đọc hôm nay.

 

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ HỒ VĂN ĐIỆU
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của MSTS NGUYỄN HỮU TIỀN