Bài thứ 256: Loài Chim

1230

Hãy xem loài chim trời: chẳng gieo, gặt, cũng không thu trữ vào kho lẫm, mà Cha các con nuôi chúng. Các con chẳng quý trọng hơn loài chim sao? Vả lại, có ai trong các con lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc được không?

Ma-thi-ơ 6:26-27.

 

 

Chúa bảo: Hãy xem loài chim trời.  Hãy nhìn vào thiên nhiên.  Cái nhìn đây không cần phải chú trọng gì cả, chỉ là quan sát thường.  Hay nói khác đi, hãy nhìn vào thực tại đang hiện diện, đang nhìn chúng ta mỗi ngày.  Những con chim nhặt từng hạt rơi vung vãi trên đất, trên cỏ, bay nhảy tung tăng, hót líu lo, không vướng bận lo lắng.

 

Câu quan trọng ta cần để ý là: Cha trên trời nuôi chúng. Chúa là Đấng sáng tạo ra loài chim, đã nuôi chúng.  Chúa cũng duy trì đời sống sinh vật trên trái đất y như vậy.  Đằng sau mỗi đời sống sinh vật có bàn tay Tạo Hóa chăm sóc duy trì sự sống.  Sự sống không ngẫu nhiên mà xuất hiện và cũng không ngẫu nhiên mà được duy trì.  Chúa của sự sống sáng tạo và bảo tồn sự sống sinh vật, đó là một nguyên lý mà con người cần nắm vững.

 

Về một phương diện, chúng ta là tạo vật của Chúa, nhưng đồng thời cũng là con của Chúa.  Chúng ta được phép gọi Đấng Tạo Hóa là Cha.  Trong nghĩa Cha con đó có một tình thương đặc biệt, khác hẳn với Tạo Hóa và tạo vật.  Cha không bao giờ để con phải chết đói; ta có thể hiểu ngắn gọn như vậy.

 

Chúa Giê-xu đặt câu hỏi: Các con không quý trọng hơn loài chim sao?  Đây là câu hỏi giúp ta nhận ra giá trị của mình.  Con người không phải chỉ có thân xác, và chỉ cần nhu cầu thân xác.  Con người mang một giá trị cao hơn vạn vật vì đã được tạo nên để quản trị vạn vật.  Loài chim là loài sinh ra cho con người quản trị mà còn được nuôi ăn đầy đủ, con người mang giá trị cao quý hơn tại sao phải lo lắng?  Về một phương diện, Chúa Giê-xu cho ta biết giá trị của mình.

 

Cũng chính vì giá trị này mà Chúa bằng lòng xuống trần gian chịu chết hi sinh cứu vớt con người ra khỏi chỗ lầm than, hư vong, làm mất giá trị của con người cao quý.

 

Đó chính là lý do mà Chúa bảo việc lo lắng hoàn toàn vô lý.

 

Nhưng còn một lý luận thứ hai nữa.

 

Chúa nói:  Vả lại, trong các con có ai lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc được không?”

 

Câu nói này có mấy điều ta cần xét cho rõ:

 

1. Làm cho đời dài thêm một khắc là nói về chiều dài trong thời gian chứ không phải trong không gian. Nghĩa là sống lâu hơn chứ không phải cao người lên hơn.

 

2. Đời người có giới hạn, và giới hạn đó đã định sẵn.  Đây là thực sự mà không ai có thể chối cãi được, dù là các nhà chủ trương vô thần.  Ai ấn định thời gian sống cho mỗi người?  Sinh hữu hạn, tử vô kỳ, tại sao vậy?  Con người chưa bao giờ giải thích được tại sao mỗi người chết trong thời điểm khác nhau?

 

3. Lo lắng về cơm áo tưởng là để kéo dài đời sống, nhưng thật ra cơm áo không bảo đảm cho sự sống. Không ai lo lắng cho đầy đủ cơm áo mà có thể thêm cho đời mình một giây phút sống.  Ta có câu:  ‘Trời kêu ai nấy dạ’ cũng phản ánh chân lý về định mệnh của con người.  Định mệnh ấy hoàn toàn trong tay Chúa là Đấng sáng tạo nên con người.

 

Chúa muốn chúng ta quan tâm về cuộc đời với những giá trị cao hơn là cơm áo.  Sự sống là một tặng phẩm, và Đấng bảo tồn sự sống chính là Chúa.  Nếu không có quyền làm cho sự sống kéo dài, thì lo lắng có ích lợi gì.  Bên ngoài sức lao động của con người, còn có quyền tể trị vạn vật của Chúa.  Con người gieo trồng, nhưng Chúa cho mới có mùa màng.  Con người ăn mặc, nhưng Chúa cho mới sống còn.

 

 

Bài trướcBồi Linh, Khám Bệnh Cho Phụ Nữ Trong Khu Vực Khe Sanh – Quảng Trị
Bài tiếp theoKhóa Học Kinh Thánh Ngắn Ngày Tại Chi Hội Trảng Bàng.