Vậy nên, ta nói cùng các con: đừng vì sự sống mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mà lo đồ mặc. Sự sống không quý hơn đồ ăn sao, thân thể không quý hơn quần áo sao? Ấy vậy các con chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.
Ma-thi-ơ 6:25,31,34
Chúa nêu lên nguy hại của việc lo lắng. Đây là một điều mọi người dễ mắc phải. Không có gì dễ hơn là lo lắng, nặng lòng và ưu tư. Đa số phụ nữ mắc phải tật lo lắng này, nhất là những người ở nhà lo cho gia đình, nhưng có thể nói ai cũng lo lắng cả. Chúa Giê-xu nhấn mạnh đến ba lần: Chớ lo lắng…
Lần thứ nhất Chúa bảo: Vậy nên các con đừng vì sự sống mà lo đồ ăn uống, cũng đừng vì thân thể mà lo đồ mặc. Dường như Chúa bảo rằng: Đừng vội lo lắng, hãy suy xét kỹ đã. Sự sống của con không quý hơn thức ăn sao? Và thân thể chẳng quý hơn áo quần sao? Sự sống mà con hay lo lắng đó từ đâu mà có? Tất nhiên câu trả lời là: Từ Chúa. Người không tạo ra sự sống, nhưng nhận sự sống từ Chúa. Không có ai đã lựa chọn tự sinh ra đời này, và ngay thực sự là chúng ta đang sống trong giây phút này hoàn toàn là do ý muốn của Chúa và Chúa quyết định. Đời sống là một tặng phẩm, tặng phẩm từ Thiên Chúa. Chúa tạo ra đời sống thì Chúa duy trì đời sống đó. Chúa có phương cách của Chúa, ta không phải lo lắng về việc đó. Tất nhiên tôi vẫn phải cày, gieo, gặt và đem lúa vào kho. Tôi phải làm những gì Chúa ấn định cho con người sinh ra trên mặt đất phải làm. Tôi cũng phải đi làm để có tiền lương mà sống. Nhưng Chúa bảo rằng, tôi không cần phải lo rằng bỗng nhiên một ngày nào đó tôi không còn gì để duy trì sự sống nữa. Điều này không thể xảy ra được, vì nếu Chúa đã cho tôi sự sống, Chúa cũng sẽ lo cho sự sống ấy được tồn tại, duy trì. Nhưng điểm quan trọng ở đây là Chúa không nói đến cách Chúa thực hiện việc duy trì sự sống đó. Chúa chỉ nói rằng, việc ấy Chúa sẽ lo.
Khi học Kinh Thánh, chúng ta thấy lời dạy đừng lo lắng, hãy tin cậy vào Chúa, Chúa sẽ lo liệu, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ta có thể đơn cử Rô-ma 8:32: Ngài đã không tiếc chính con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với con ấy cho chúng ta sao? Điều hiển nhiên Chúa dạy ở đây là, nhiệm vụ của Chúa, Chúa sẽ chu toàn, riêng ta, ta không phải lo Chúa không làm, mà chỉ tin là đủ. Chúa sinh ra loài chim, Chúa cũng cung cấp lương thực cho chúng, chúng chỉ cần đi thu nhặt lương thực là có thể sống. Chúng không cần ngồi rầu rĩ lo lắng.
Thân xác cũng vậy, thân xác là tặng phẩm từ Chúa ban, vì vậy, chúng ta có thể an tâm rằng, Chúa đã cho thân xác, thì Chúa cũng cung cấp y phục. Điều mà con người thường quên là nguồn gốc của mình. Hơn nữa, Chúa quan tâm đến từng cá nhân một. Chúa không bỏ một người nào. Nắm được nguyên tắc của Chúa, ta có thể an tâm mà sống và không còn lo lắng bối rối nữa.
Đức Chúa Trời tạo ra sinh vật và mỗi đời sống đều có một mục đích. Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ giở một công trình nào của Ngài. Mỗi chúng ta là một công trình Chúa tạo ra với một mục đích, và Chúa sẽ hoàn thành mục đích ấy nếu ta bằng lòng để Chúa làm việc ấy mà không cản trở hay theo ý mình làm hư hỏng kế họach.
Ta cũng cần nhớ rằng mình không ngẫu nhiên hay do một tai nạn nào đó mà sinh ra đời này. Khi đi tàu, đi xe đừng lo sợ là tàu hay xe sẽ gặp tai nạn, dù rằng trước đó tàu bay đã từng rơi và xe đã từng bị lật. Mối lo như thế không cần thiết nếu ta ý thức rằng đời sống là một tặng phẩm và chính thân xác chúng ta cũng vậy. Thà rằng những lúc đi xe đi tàu ta nghĩ về Chúa và quyền năng của Ngài, thưởng thức những gì tốt đẹp trước mắt và vui hưởng phút giây Chúa cho mình sống.
Mời bạn cúi đầu cảm tạ Chúa về sự sống Chúa ban và hết lòng tin cậy Chúa về việc Chúa sẽ tiếp trợ nhu cầu vật chất, tinh thần cho mình để đời sống hoàn thành mục đích Chúa đã định cho.