Nguyên Tắc 2: Sẵn Sàng Chịu Khổ – 7/12/2024

3285

 

 

I Phi-e-rơ 3:13-14

Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí” (câu 14).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phi-e-rơ nói gì khi các tín hữu làm lành nhưng vẫn chịu bắt bớ? Lời khuyên này có ý nghĩa gì? Lời Chúa hôm nay khích lệ bạn thế nào trong công tác chứng đạo?

Nguyên tắc thứ nhất Sốt Sắng Làm Lành chỉ nói đến trường hợp thông thường, vì chính Sứ đồ Phi-e-rơ và các Cơ Đốc nhân lúc ấy cũng đang bị dân Do Thái và chính quyền La Mã bắt bớ. Đó là lý do vị sứ đồ tiếp tục đưa ra nguyên tắc thứ hai: Sẵn Sàng Chịu Khổ (câu 14).

Sứ đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh nếu cứ “sốt sắng làm lành” thì sẽ chẳng có “ai làm dữ” chúng ta, nhưng nếu có thì hãy nhận lấy và “thật là có phước. Phước là từ được Chúa Giê-xu dùng trong Ma-thi-ơ 5:10-12, Ngài phán những người chịu bắt bớ vì Ngài được phước vì họ sẽ nhận phần thưởng cao trọng trên trời và được dự phần với “các đấng tiên tri”. Hơn nữa, I Phi-e-rơ 5:10 cho biết chịu khổ đem chúng ta đến sự trọn vẹn, vững vàng, và những kinh nghiệm mới trong Chúa. Sự chịu khổ Sứ đồ Phi-e-rơ nói đến không phải là bất cứ đau khổ nào, mà là chịu khổ “vì sự công bình”, vì “sốt sắng làm lành”, và vì theo “ý muốn Đức Chúa Trời”. Thật tiếc khi nhiều Cơ Đốc nhân đang chịu khổ vì những tội lỗi và điều ác của mình (I Phi-e-rơ 3:17).

Cơ Đốc nhân không chỉ sẵn sàng chịu khổ khi sống đời chứng nhân mà còn phải chịu khổ với tinh thần vững vàng, mạnh mẽ, “đừng sợ điều họ sợ”, nghĩa là đừng sợ sự ngăm dọa của họ, và “đừng rối trí”, nghĩa là đừng bối rối, hoảng loạn. Sứ đồ Phi-e-rơ từng hèn nhát chối bỏ Thầy mình (Ma-thi-ơ 26:69-75), nhưng sau khi gặp Chúa phục sinh, và giờ đây biết rằng cái chết cùng mọi nỗi kinh hoàng của nó đã vĩnh viễn bị thất bại, nên ông đã trở nên dũng cảm khi đối diện với sự bắt bớ (Công Vụ 4:1-31).

Nữ hoàng Anh Mary Tudor với biệt danh “Mary Khát Máu” do lòng căm thù những người Tin Lành. Sau khi lên ngôi, bà đã kết án Giám mục Hugh Latimer của Worcester và Giám mục Ridley của Luân Đôn là dị giáo nên phải bị hỏa thiêu vào ngày 16/10/1555. Khi bị trói vào cọc, Giám mục Latimer đã quay sang Giám mục Ridley và nói: “Hôm nay chúng ta sẽ thắp một ngọn nến không bao giờ tắt ở Anh quốc”. Họ chịu khổ vì Chúa nhưng là những người được phước vì họ đã đổi lấy những giờ phút đau đớn ngắn ngủi để được một cõi đời đời phước hạnh và vinh hiển với Đức Chúa Trời. Cuộc đời và sự tuận đạo của họ đã trở thành nguồn khích lệ cho nhiều thế hệ con dân Chúa khi chịu thử thách khó khăn. Xin Chúa cho chúng ta cứ sốt sắng làm lành và sẵn sàng chịu khổ khi ra đi rao truyền Phúc Âm của Chúa. Phước hạnh luôn chờ đón khi chúng ta sống đúng theo Lời Chúa dạy.

Bạn đang chịu khổ vì làm chứng nhân cho Chúa hay vì lý do gì khác?

Lạy Chúa, con biết rằng sẽ có những bắt bớ khó khăn khi con sống đời chứng nhân cho Ngài. Xin ban cho con đức tin, sức mạnh, và sự trông cậy nơi Ngài để thắng hơn tất cả. Nhân Danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 7

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcÊlan Hdră 2: Kăp Tŭ Klei Knap Mñai – 7/12/2024
Bài tiếp theoTơdrong Juăt trŏ mă 2: Lăp Đon Chu Iŏk Pơmat – 7/12/2024