Yêu Con: Tôn Trọng Con – 5/10/2018

3882

 

Ê-phê-sô 6:1-4

1 Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. 2 Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), 3 hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.
4 Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.

Câu gốc: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ” (Ê-phê-sô 6:4a).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời dạy nào cho người làm cha mẹ? Vì sao? Ngày nay, cha mẹ có thể vi phạm lời dạy này như thế nào? Nhận thức quan trọng nào giúp cha mẹ có thể thực hiện tốt lời dạy này (xem thêm Thi Thiên 127:3)?

Thư Ê-phê-sô 5:22 – 6:9 cho thấy nguyên tắc quan trọng để duy trì sự lành mạnh trong các mối liên hệ giữa người với người là từng bên trong mối liên hệ đó phải hoàn thành các trách nhiệm của chính mình. Trong Ê-phê-sô 6:1-3, Sứ đồ Phao-lô dạy về trách nhiệm của người làm con đối với cha mẹ; và trong câu 4, ông không quên trách nhiệm của cha mẹ. Trước nhất, cha mẹ “chớ chọc cho con cái mình giận dữ”.

Theo nhà giải nghĩa Kinh Thánh Warren W. Wiersbe, vào thời đó, người cha trong gia đình La Mã có thẩm quyền tuyệt đối trên con cái. Khi một đứa trẻ sinh ra, nó sẽ được đặt dưới chân người cha. Nếu ông cúi xuống bồng nó lên, thì nó sẽ được thừa nhận vào trong gia đình. Nhưng nếu ông từ chối thì nó sẽ bị đem cho, đem bán, hoặc có thể chết vì bị vứt ra đường. Tại đây, Sứ đồ Phao-lô không hề phủ nhận thẩm quyền của cha mẹ trên con cái (câu 1-3), nhưng khẳng định đó không phải là thẩm quyền tuyệt đối. Trong mối liên hệ cha mẹ và con cái, thẩm quyền tuyệt đối nằm ở Ê-phê-sô 5:21: “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau”. Câu này thường được dùng cho các hôn lễ. Nhưng đây chính là nguyên tắc nền tảng cho tất cả các mối liên hệ được đề cập sau đó. Tất cả các mối liên hệ lành mạnh phải nhận biết thẩm quyền tối cao của Đức Chúa Trời và tôn trọng thẩm quyền đó. Hơn nữa, cha mẹ phải nhận biết con cái không thật sự thuộc về mình, mà là “cơ nghiệp”“phần thưởng” Đức Chúa Trời ban cho (Thi Thiên 127:3). Trên một phương diện, cha mẹ chỉ là quản gia của Đức Chúa Trời, có trách nhiệm “quản lý” hay nuôi dạy con cái theo ý muốn Ngài.

Cha mẹ phải quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm của con. Khi cha mẹ không tôn trọng những nhu cầu chính đáng đó thì họ có thể chọc cho con cái mình tức giận. Nhiều cha mẹ làm tổn thương con cái vì không quan tâm đến sự khác biệt giữa hai thế hệ. Phong tục, tập quán, lối suy nghĩ, hay cách sống của thế hệ này chưa chắc là của thế hệ kia. Rất nhiều khi, cha mẹ bắt buộc con cái làm một điều vô lý với lý lẽ khi bằng tuổi con, cha mẹ vẫn làm như vậy, hoặc đây là điều ông bà từng dạy cha mẹ. Đối với con cái, sự tôn trọng, cảm thông, hiểu biết, cùng những lời nói khích lệ của cha mẹ thường hiệu quả hơn so với việc cha mẹ khăng khăng chứng tỏ thẩm quyền cách thiếu hợp lý. Như vậy, yêu con đúng cách chính là hiểu biết con, tôn trọng con cùng những nhu cầu chính đáng của con.

Bạn có hiểu biết và tôn trọng những nhu cầu chính đáng của con cái không?

Lạy Chúa, xin cho con có tấm lòng yêu thương, sự hiểu biết, cảm thông với con cái để qua đó bày tỏ tình yêu đích thực của Chúa cho chúng.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 15.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcĐôi Điều Suy Gẫm Về Người Hướng Dẫn Hát, Ban Hát Và Bài Hát Trong sự Thờ Phượng Của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam
Bài tiếp theoLễ Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành Dương Yên