KHI GIA ĐÌNH TA CHẲNG HIỂU NHAU….
Gia đình là nơi Chúa đặt để mỗi người để chúng ta chia sẻ, yêu thương, học hỏi và trưởng thành trong mối liên hệ ruột thịt đặc biệt. Trở thành người cha, người mẹ, người con trong gia đình là sự định trước không hề là ngẫu nhiên. Gia đình là món quà tốt đẹp mà Chúa dành cho bạn.
Nhưng, có đôi khi, đời sống trong gia đình sao mà nặng nề thế? Tại sao mỗi ngày chúng ta đều tranh cãi với nhau? Tại sao cha mẹ không để con làm điều con muốn? Tại sao con không vâng lời cha mẹ? Tại sao con lại làm điều đó mà không phải là điều này theo ý cha mẹ? Hẳn sẽ có lúc bạn tự đặt cho mình những câu hỏi thật khó trả lời như thế! Không khí trong gia đình đã có lúc khiến bạn thật mệt mỏi và căng thẳng đến mức có thể thốt lên rằng: “Không ai trong nhà mình hiểu con cả!” hay là “Thật không thể hiểu nổi con đang nghĩ gì nữa!” Phải làm thế nào khi gia đình ta chẳng hiểu nhau?
“Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương,
vì là dây liên lạc của sự trọn lành”
(Cô-lô-se 3:14)
Hãy nhớ lại Chúa đã yêu bạn thể nào. Tình yêu không điều kiện của Chúa đã cứu rỗi bạn, dẫn bạn vào đời sống phước hạnh được tương giao mật thiết với Ngài, dù bạn ngàn lần chẳng xứng đáng đến vậy.
Hãy yêu thương con cái mình dù cho nó còn nhiều thiếu sót. Những đứa trẻ cần thời gian và cơ hội để trưởng thành. Là cha mẹ, bạn đã từng là những đứa trẻ như vậy, vì thế hãy kiên nhẫn chấp nhận điều đó trong tình yêu thương.
Là con cái, hãy yêu thương cha mẹ mình dù đôi khi cách biệt thế hệ khiến cha mẹ không thể hiểu bạn. Làm cha mẹ là một trọng trách lớn, đòi hỏi phải hi sinh rất nhiều điều. Bạn không thể biết hết tất cả những hi sinh ấy vì bạn mới chỉ là một đứa con trong gia đình, bạn chưa làm cha mẹ bao giờ, nhưng cha mẹ đã là con cái lẫn cha mẹ.
Cả con cái và cha mẹ đều cần có thời gian để hiểu nhau. Và tình yêu thương làm lòng người ta mềm mại lại. Tình yêu thương đem chúng ta đến gần nhau, hàn gắn mọi đổ vỡ, làm dịu mọi sự tranh cãi, và giải quyết mọi mâu thuẫn.
Dâng mọi điều cho Chúa trong sự cầu nguyện
Trong mọi sự, hãy dâng nan đề mà mình đang gặp phải trong mối quan hệ gia đình lên cho Chúa qua lời cầu nguyện. Chúa sẽ khiến mọi sự xảy đến là tốt nhất cho gia đình. Để biết được Chúa muốn bạn phải làm gì, hãy cầu nguyện và tra xem Kinh Thánh, Lời Chúa sẽ là câu trả lời xác đáng để giúp bạn tháo gỡ những khúc mắc với các thành viên trong gia đình. Mọi sự sẽ tốt đẹp nếu bạn làm theo Lời Chúa.
Lời Chúa dạy như thế nào về mối quan hệ trong gia đình?
Về bổn phận của con đối với cha mẹ, Lời Chúa có chép: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất 20:12)
“Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con” (Châm 1:8)
“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1)
Khi còn nhỏ tuổi, con cái chưa có nhiều kinh nghiệm sống bằng cha mẹ được. Những điều con tưởng là vô hại lại đem lại hậu quả tồi tệ. Và khi hậu quả ấy xảy đến, người phải ghánh chịu điều tồi tệ ấy trước hết là chính bản thân con, và sau đó là cha mẹ của con nữa.
“Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn ngoan; còn con trẻ phóng túng làm mắc cỡ cho mẹ mình.”(Châm 29:15)
Vì thế con cái không nên hiềm lòng khi bị cha mẹ quở trách, bởi từ sự răn dạy mà con mới trưởng thành, đi theo con đường đúng đắn và tốt đẹp cho chính mình.
Về mối quan hệ của cha mẹ đối với con cái.
Lời Chúa đã chỉ rằng, cha mẹ cần ân cần dạy bảo con cái trong Chúa:
“Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.”(Phục 6:7)
“Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.” (Ê-phê-sô 6:4)
Hãy sửa phạt con cái khi thực sự cần thiết, bởi sự sửa phạt nghiêm khắc đúng lúc sẽ giúp con cái của bạn lánh xa khỏi cạm bẫy và cám dỗ tội lỗi.
Trò chuyện cởi mở để hiểu nhau hơn
Bất kể là con cái hay cha mẹ, hãy ngồi xuống trò chuyện cởi mở với nhau trong sự mềm mại của tình yêu thương.
Là cha mẹ, hãy lắng nghe con khi con trút bầu tâm sự, hãy tôn trọng và chú ý đến mong muốn của nó, đừng bao giờ cười nhạo hay bác bỏ ý kiến của nó ngay khi con trẻ chưa kịp chia sẻ. Hãy cho nó những gợi ý, những lời khuyên, những sự chọn lựa. Hãy đặt ra các giả thuyết về kết quả việc làm mà con có thể chưa nghĩ đến, chưa thể thấu đáo trong vấn đề mà gia đình đang gặp mâu thuẫn. Hãy trở thành người bạn, người mà con cái có thể tin cậy.
Là con cái, hãy chia sẻ với cha mẹ. Chúng ta không thể hiểu nhau nếu chúng ta không nói ra điều mình chất chứa trong lòng. Bởi không ai có thể thấu hiểu những điều người khác kín giấu. Khi còn nhỏ, chúng ta luôn thích làm điều mình muốn mà chưa suy nghĩ thật thấu đáo. Hãy dừng lại một chút và suy nghĩ xem mình có nên làm điều này không, nếu mình làm điều này thì sẽ có ích gì, hay có hại gì, điều này là tốt hay không tốt. Nếu đã suy nghĩ kĩ, hãy thuyết phục cha mẹ bằng những lí do hợp lí của mình. Sau đó, hãy lắng nghe lời khuyên, sự gợi ý của cha mẹ, vì những điều đó không thừa thãi bao giờ.
Trên hết mọi sự, bất kể làm gì, hãy dùng tình yêu thương để đối đãi với nhau trong Chúa. Gia đình là món quà phước hạnh mà Chúa ban cho bạn. Hãy nhận món quà ấy cách đẹp lòng Chúa.
Lam Phương