Tư vấn Cơ Đốc: Chương 5 – TƯ VẤN VÀ NHỮNG KHỦNG HOẢNG

1598

CHƯƠNG 5

TƯ VẤN VÀ NHỮNG KHỦNG HOẢNG

       Rất hiếm hoặc không có người nào trải qua cuộc sống mà lại không gặp những trở lực, những thất bại, hay những nỗi sợ hãi xuất phát từ bên trong. Hầu hết mọi người đều kinh nghiệm được những nỗi lo âu, buồn phiền, thất vọng, những điều đó làm họ chùng xuống tạm thời, sau đó họ phải cố gắng vượt qua để tiếp tục bước tới. Những từng trải đó đem lại kinh nghiệm vượt qua khó khăn trong cuộc sống cho mỗi người để họ có thể mạnh dạn hơn trên hành trình dài của cuộc sống.

     Sự khủng hoảng được xác định như là một ngã rẽ không thể tránh khỏi trong mỗi cuộc sống. Những tình huống khủng hoảng có thể được trông mong hoặc không trông mong, có thật hay chỉ là tưởng tượng, là một thực tại (như cái chết của một người thân) hoặc là một nguy cơ (như viễn cảnh một người thân sắp qua đời). Từ “khủng hoảng” trong tiếng Hoa dịch là “nguy cơ” liên quan đến hai đặc điểm; một có nghĩa là sự nguy hiểm, hai có nghĩa là cơ hội.

     Có những khủng hoảng làm rối loạn cuộc sống, tiềm ẩn những mối đe dọa ảnh hưởng cuộc sống nhiều người. Có những tình huống nghiêm trọng xuất hiện, như sự mất mát người thân hay mất một điều gì đó có ý nghĩa, một sự thay đổi bất ngờ trong vai trò hoặc tình trạng của ai đó, hay sự xuất hiện của con người hoặc các sự kiện mới mang tính đe dọa. Bởi vì tình huống mới có thể xảy đến nhanh chóng và mạnh mẽ. Những cách giải quyết sự căng thẳng và các vấn đề theo thói quen, thông thường, chẳng còn hiệu quả nữa nên thường dẫn đến sự bối rối và hoang mang. Bởi sự thiếu hiệu quả trong việc đối diện giải quyết vấn đề, nên thường đi kèm theo đó là sự lo lắng, giận dữ, sự thất vọng, đau đớn, hoặc tội lỗi. Sự rối loạn về cảm xúc, cách cư xử, thường chỉ là tạm thời thôi, nhưng nhiều khi nó tồn tại lâu dài hơn.

     Những khủng hoảng cũng giúp con người cơ hội thay đổi, phát triển, và trưởng thành theo những cách tốt hơn để đối diện với cuộc sống. Thường khi con người cảm thấy bối rối khi gặp những khủng hoảng, những khi đó họ cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, bao gồm sự giúp đỡ đến từ Đức Chúa Trời và đến từ người tư vấn. Ngay cả khi nhận được sự tư vấn, một vài người lờ đi và né tránh khủng hoảng, rút vào trong những sự tưởng tượng phi lý, từ bỏ trong sự thất vọng, hoặc phản ứng bằng những cách mà xã hội không thể chấp nhận. Những người khác lại phản ứng trong những cách vui vẻ hơn; Họ đánh giá lại tình huống đặt trên nền tảng thực tế và tìm kiếm những kỹ thuật sáng tạo được xã hội chấp nhận để có thể giải quyết được vấn đề; những kỹ thuật này có thể giúp đỡ cho họ trong sự khủng hoảng hiện tại và có kinh nghiệm để giải quyết một cách hiệu quả cho những khó khăn trong tương lai.

     Một cuộc khủng hoảng liên quan y khoa, thường là một khoảng thời gian rất quan trọng đem lại sự thay đổi hay khủng hoảng. Trong khoảng thời gian đó, người bị khủng hoảng hướng đến sự hoàn thiện và sự phát hiện hoặc cũng có thể dẫn đến sự suy sụp và sự chết. Những khủng hoảng về tâm linh và cảm xúc, tương tự như những ngã rẽ không thể tránh khỏi trong cuộc sống.

     Vào tuổi trưởng thành, mỗi một con người sẽ phát triển một vốn liếng những kỹ năng giải quyết vấn đề, đặt nền tảng trên những kinh nghiệm, sự huấn luyện, và các đặc điểm cá tính ở quá khứ. Dĩ nhiên, những khủng hoảng cảm xúc và tâm linh thay đổi thất thường, và đôi khi mỗi người phải nỗ lực hơn để giải quyết những trường hợp khẩn cấp hoặc các vấn đề mà mình không mong đợi.

     Vì thế, mỗi người phải học làm thế nào để đối diện và có thể đối phó cách thành công với những sự không ổn định, những thách thức và khủng hoảng của cuộc sống. Kinh nghiệm những khủng hoảng là sự đối diện với những ngã rẽ mà chúng đem lại sự trưởng thành và phát triển nhân cách, sống là để kinh nghiệm những khủng hoảng. Người tư vấn ở trong một vị trí quan trọng ảnh hưởng đến sự hướng dẫn để giải quyết sự khủng hoảng của những người khác.

KINH THÁNH VÀ CÁC LOẠI KHỦNG HOẢNG

     Kinh Thánh nêu ra nhiều sự khủng hoảng và những cách riêng giải quyết những khủng hoảng đó. Nhiều nhân vật đã đối diện với những khủng hoảng và được Cựu Ước miêu tả rất chi tiết, như A-đam, Ê-va, Ca-in, Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Giô-sép, Môi-se, Sam-sôn, Giép-thê, Sau-lơ, Đa-vít, Ê-li, Đa-ni-ên. Chúa Jêsus đã đối diện với những khủng hoảng (đặc biệt khi Ngài bị đóng đinh), và nhiều khủng hoảng cũng đã xảy ra với các môn đồ, với Phao-lô và nhiều người tin Chúa đầu tiên. Một vài lá thư được các sứ đồ viết để giúp những cá nhân hoặc các Hội Thánh khi gặp những khủng hoảng. Hê-bơ-rơ 11 tóm lược những khủng hoảng mà kết cục của chúng là sự vui mừng.

     Dựa theo các sự khủng hoảng nêu ra trong Kinh Thánh và kinh nghiệm, các học giả ngày nay đã nhận dạng ra ba loại khủng hoảng:

  1. Những khủng hoảng bất ngờ

     Xuất hiện khi có một sự đe dọa thình lình, một sự kiện làm rối loạn, hoặc sự mất mát không mong đợi. Ví dụ như là cái chết của người thân, việc phát hiện ra một căn bệnh hiểm nghèo, kinh nghiệm bị hãm hiếp hoặc bạo lực khác, mang thai khi chưa có chồng, chiến tranh, sự suy thoái kinh tế, mất mát công việc hoặc tiền bạc, bất ngờ bị mất đi sự kính trọng và địa vị… Tất cả những điều đó gây ra những sự căng thẳng làm ảnh hưởng đến các cá nhân, tạo ra các sự khủng hoảng trầm trọng.

     Các sự kiện căng thẳng bắt đầu xuất hiện bên ngoài gia đình, như sự bắt bớ, thiên tai, một đám cháy nghiêm trọng, hoặc định kiến về chủng tộc… thường làm cho các thành viên trong gia đình xích lại gần với nhau hơn và cùng nhau định liệu các phương cách đối phó phòng sự ảnh hưởng lan đến. Nhưng khi sự căng thẳng ở bên trong, như là một sự cố gắng tự sát, sự không chung thủy, sự lạm dụng con cái, hoặc sự nghiện rượu… khủng hoảng bùng phát và nghiêm trọng hơn, nó có thể sẽ làm tan vỡ gia đình. Những khủng hoảng mang tính cách phá vỡ, xảy đến cách thường xuyên hơn. Đối với một vài người, việc đến với tư vấn là sự chịu đựng cuối cùng có thể được với sự khủng hoảng mà họ đang phải chịu đựng.

     Trường hợp của Gióp nói lên rõ ràng loại khủng hoảng này, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã mất đi gia đình, tài sản, sức khỏe, và địa vị của mình, cuộc hôn nhân của ông trở nên căng thẳng. Những người bạn đến thăm và khuyên lơn ông sớm nhận biết về sự giận dữ của Gióp và sự rối loạn bên trong ông. Ông hoang mang về một Đức Chúa Trời toàn tri, thắc mắc tại sao Ngài có thể để quá nhiều điều bất hạnh xảy ra đối với một người tốt?

  1. Những khủng hoảng phát triển

     Thường xảy ra trong tình trạng phát triển bình thường của con người. Khi đi đến trường học, khi rời khỏi trường đại học, khi điều chỉnh cho cuộc hôn nhân và sau đó đến giai đoạn làm cha làm mẹ, giải quyết sự xung đột, đối diện với việc nghỉ hưu hoặc khi sức khỏe sa sút, hoặc khi hay tin về những cái chết của bạn bè. Tất cả đều đó có thể là những khủng hoảng đòi hỏi có những sự đối diện và giải quyết vấn đề. Đơn cử một trường hợp trong Kinh Thánh là gia đình Áp-ra-ham và Sa-ra, sự dời chuyển, sự đối diện với sự gièm chê nhiều năm vì không có con cái, tạo nên những sự căng thẳng của gia đình họ. Những khủng hoảng phát triển, có thể nói là những ngã rẽ đòi hỏi thời gian để tiến tới một quyết định, và cũng nhằm phát triển sự trưởng thành.

  1. Những khủng hoảng tồn đọng

     Loại này chồng chéo với hai loại trên. Những sự buồn phiền, lo lắng ưu tư về cuộc sống, những mặc cảm tự ti, lo sợ về điều gì chưa hiện thực, không có niềm tin chính mình hay niềm tin trong cuộc sống. Tất cả hình thành một sự khủng hoảng trong từng con người, gây ra nhiều hậu quả có thể tai hại cho thể chất và tinh thần của họ. Ở trong sự khủng hoảng này nhiều người ưu tư, thắc mắc, hoặc than thở trong nhiều chuyện như: – Tôi là một người thất bại; -Tôi sẽ tốt nghiệp nhưng chưa có ý tưởng gì về điều mà tôi sẽ làm kế tiếp; – Tôi sẽ chẳng bao giờ thành công trong công ty của tôi; -Tôi đã không nhận được sự thăng tiến dầu tôi đã làm việc lâu ở đó; – Bây giờ tôi là một người góa bụa, lại cô đơn! – Cuộc sống của tôi không có mục đích; – Cuộc hôn nhân của tôi đã kết thúc trong ly dị; – Căn bệnh của tôi không thể chữa lành được; -Tôi không có gì để tin tưởng vào; -Tôi bị từ chối vì màu da của tôi; -Tôi quá ốm để đạt tới các mục đích của cuộc sống tôi… Vài trường hợp cụ thể nêu trong Kinh Thánh như: Ê-li cho rằng cuộc sống của ông là một sự thất bại, khi ông chạy trốn vào đồng vắng vì sợ Giê-sa-bên; Giô-na đã có những suy nghĩ tương tự khi ông tranh luận với Đức Chúa Trời, Gióp phải thắc mắc “Tôi sẽ ra sao và điều gì sẽ xảy ra?,” các môn đồ hầu như tuyệt vọng khi chứng kiến Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá… Những điều này là những khủng hoảng hay thay đổi trong sự tự nhận thức, có thể bị từ chối tạm thời, nhưng theo thời gian chúng phải được đối diện bằng những nỗ lực một cách thực tế, nếu như cuộc sống vẫn tiếp tục và được hoàn thành.

     Khi được hỏi về các nguyên nhân gây ra những khủng hoảng, thật khó và thường không thể đưa ra những câu trả lời chính xác. Kinh Thánh nói về cả ba loại khủng hoảng này, nhưng Kinh Thánh không đưa ra những nguyên nhân rõ ràng. Mỗi sự kiện đều có một mục đích riêng biệt và sự cuối cùng của mọi việc đều được sắp đặt bởi Đức Chúa Trời. Những khủng hoảng xảy ra có thể giúp ta học hỏi nhiều kinh nghiệm, và những kinh nghiệm này kích thích sự trưởng thành, hình thành nên tính cách riêng của mỗi người, đồng thời nó mang tính cách dạy dỗ về Đức Chúa Trời và các bản tánh của Ngài.

     Người tư vấn có thể giúp đỡ những người được tư vấn đối diện với mọi sự khủng hoảng và giúp họ trưởng thành. Trong các chương sau, các loại khủng hoảng khác nhau sẽ được thảo luận cách chi tiết, có những kỹ thuật tư vấn có thể ứng dụng cho từng vấn đề.

(còn tiếp)

Gary R. Collins (HKQ dịch) 

Bài trướcĐấng Nhìn Biết Trước Mọi Điều – 20/2/2024
Bài tiếp theoNGUỒN PHƯỚC và NHẬN PHƯỚC