Tư vấn Cơ Đốc: Chương 1 – HỘI THÁNH và TƯ VẤN CƠ ĐỐC

3223

Lời giới thiệu

Tiến sĩ Gary R. Collins là nhà tư vấn Cơ Đốc chuyên nghiệp và cũng là nhà tâm lý lâm sàng tốt nghiệp Đại học Purdue University. Ông cũng là giáo sư giảng dạy tại trường Trinity Evangelical Divinity School. Ông là tác giả của nhiều sách Tư vấn Cơ Đốc nổi tiếng, nhất là quyển Chrisitan Counseling – A Comprehensive Guide được nhiều người trong giới Tư vấn Cơ Đốc sử dụng.

Kể từ tháng 1/2024, mục Tư vấn Cơ Đốc sẽ lần lượt trích đăng những bài tư vấn trong quyển sách này. Những bài tư vấn này là những lời chỉ dẫn căn bản toàn diện nhằm giúp đỡ cho những người lãnh đạo Cơ Đốc trong công tác tư vấn. Mỗi chương bắt đầu với một tình huống và tiếp theo là phần giới thiệu Kinh Thánh đã nói gì về vấn đề đó và dẫn đến việc tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả, cách tư vấn và đề nghị những biện pháp phòng ngừa. Những lời tư vấn này rất thực tế, thích hợp, hữu ích cho các tư vấn viên. Những vấn đề tư vấn liên quan đến những nan đề cá nhân như sự lo lắng, cô đơn, trầm cảm, giận dữ; hoặc những vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình như nuôi dạy con cái, tuổi thiếu niên, tư vấn tiền hôn nhân, xung đột vợ chồng, ly dị… Hy vọng những bài tư vấn của Tiến sĩ Gary Collins sẽ giúp các Cơ Đốc nhân hiểu và biết cách đối phó với nan đề mình gặp. Xin hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc.

  

CHUONG 1

HI THÁNH VÀ TƯ VẤN CƠ ĐỐC (phần 1)

 

      Hiện nay có rất nhiều phương pháp tư vấn đang được sử dụng, có rất nhiều lý thuyết và phương pháp tiếp cận việc tư vấn, cũng như có rất nhiều nhà tư vấn chuyên nghiệp. Những cuốn sách, các bài báo viết về liệu pháp tâm lý và con người có tác dụng giúp đỡ rất lớn đối với những người bị những áp lực, lo âu, hoặc bối rối triền miên.

      Công tác tư vấn thường gặp phải các vấn đề rất khác nhau, kỹ năng tư vấn quá đa dạng và nhu cầu tư vấn quá lớn, cũng không có nguyên tắc và phương pháp ổn định có thể sử dụng chung cho nhiều trường hợp. Vì thế, người ta thường gặp nhiều bối rối và mâu thuẫn trong việc thực hành tư vấn.

      Cần phải thừa nhận rằng, đôi khi sự tư vấn không thực sự mang lại một sự giúp đỡ thiết thực nào. Trong những trường hợp như vậy, một số ít người gặp khó khăn về thành quả tư vấn mà mình đạt được. Các nhà tư vấn qua huấn luyện kỹ càng, nắm vững nhưng phương pháp và kỹ thuật chuyên ngành, vận dụng linh hoạt những kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm lâu dài mới mong đạt được hiệu quả tốt. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi có một số người nhận thấy việc tư vấn là khó khăn, mất nhiều thời gian và từ bỏ công việc đó.

      Đức Chúa Jêsus đã cho Cơ Đốc nhân những gương mẫu trong việc tư vấn, Ngài dành nhiều thời gian để nói chuyện với những người đang có nhu cầu. Ngài có nhiều cuộc tiếp xúc mặt đối mặt với nhiều hạng người. Sứ đồ Phao-lô có lời khuyên chúng ta là những người khỏe mạnh, cần phải san sẻ bớt gánh nặng cho những ai yếu đuối hơn. Có thể Phao-lô quan tâm và thông cảm từng vấn đề của những người gặp nhiều lo lắng, sợ hãi, hoài nghi, có đời sống tội lỗi.

      Theo Kinh Thánh, mỗi Cơ Đốc nhân phải là người giúp đỡ kẻ khác. Trách nhiệm không chỉ thuộc về các vị lãnh đạo Hội Thánh, nhưng mọi Cơ Đốc nhân cần phải nhận lấy trách nhiệm đó. Việc tư vấn có thể mất nhiều thời gian, công sức, nhưng đó lại là trách nhiệm rất quan trọng, rất cần thiết cho bất kỳ chức vụ nào trong Hội Thánh. Thực tế trong Hội Thánh có nhiều vấn đề mà mục sư hay tín đồ phải đối diện và tham gia giải quyết, như tình trạng hỗn loạn, nỗi ám ảnh muốn tự sát, bệnh đồng tính luyến ái, sự nghiện ngập rượu và ma túy, sự thất vọng, sự lo lắng, mặc cảm tội lỗi, những bất hòa trong gia đình, sự mất cân đối trong vấn đề ăn uống, bị stress kinh niên …

      Không nên suy nghĩ rằng tất cả các mục sư và các vị lãnh đạo Cơ Đốc đều nhận được ân tứ tư vấn và được kêu gọi trong trách nhiệm tư vấn. Một vài Cơ Đốc nhân tránh né trách nhiệm tư vấn, mặc dầu họ được huấn luyện, được trang bị những kỹ năng về việc giúp đỡ người khác, thay vào đó, họ thích dành thời gian và ân tứ cho các chức vụ khác. Mỗi người trong chúng ta phải cẩn thận, trong bất kỳ chức vụ nào, không nên lờ đi việc gây dựng người khác cách cá nhân. Thật không dễ gì để tư vấn, nhưng Đức Chúa Trời có thể sử dụng chúng ta như là một người tư vấn để đem lại sự giúp đỡ cho nhiều người khác.

 

SỰ CHĂM SÓC VÀ TƯ VẤN

           Những nỗ lực tư vấn nhằm đem lại sự khích lệ và hướng dẫn những người đang phải đối diện với mất mát, hoặc thất vọng trong cuộc sống. Việc tư vấn có thể kích thích sự trưởng thành và phát triển tính cách; Có thể giúp người ta đương đầu một cách hiệu quả hơn với các nan đề trong cuộc sống, với những mâu thuẫn nội tâm, và với những thương tổn về tình cảm; Có thể trợ giúp các thành viên trong gia đình hoà thuận, giúp những cặp vợ chồng trong tình trạng thất bại, không hạnh phúc hay hàn gắn những rạn nứt trong hôn nhân… Người tư vấn Cơ Đốc cố gắng tìm cách để giúp người khác bước vào mối liên hệ cá nhân với Đức Chúa Jêsus Christ, giúp cho họ thoát khỏi tổn thương và mặc cảm do lỗi lầm, giúp họ cảm nhận được sự tha thứ và an ủi từ nơi Chúa, giúp người khác trở nên môn đồ của Đấng Christ. Có sự khác biệt giữa sự chăm sóc mục vụ, sự tư vấn mục vụ, và liệu pháp tâm lý mục vụ.

1.Chăm sóc mục vụ.

      Trong ba thuật ngữ nói trên, sự chăm sóc mục vụ (pastoral care) là rộng nhất. Chăm sóc mục vụ ám chỉ đến các mục vụ tổng quát của Hội Thánh về sự chữa lành, sự duy trì, sự hướng dẫn, và sự phục hòa giữa con người với Đức Chúa Trời và giữa con người với nhau. Thỉnh thoảng sự chăm sóc mục vụ còn được gọi là “sự chăm sóc những linh hồn”, gồm có mục vụ về truyền giảng, dạy dỗ, kỷ luật, thi hành các thánh lễ, dưỡng dục tín hữu, và chăm sóc tín hữu trong lúc có cần. Từ thời của Đấng Christ, Hội Thánh đã kết ước với sự chăm sóc mục vụ.

2.Tư vấn mục vụ.

      Đây là một phần đặc biệt của sự chăm sóc mục vụ, liên quan đến việc giúp đỡ nhiều người, các gia đình, hoặc nhiều nhóm người khi họ đối diện với nhiều áp lực và khủng hoảng trong cuộc sống. Tư vấn mục vụ (pastoral counseling) sử dụng cách khác nhau những phương pháp chữa lành thích hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, để giúp con người giải quyết những vấn đề bằng nhiều cách khác nhau. Mục đích cuối cùng là nhằm giúp những người được tư vấn có kinh nghiệm về sự chữa lành, tìm tòi học hỏi, và có sự trưởng thành thuộc linh cách cá nhân.

      Theo truyền thống, tư vấn mục vụ là công việc của vị mục sư đã được phong chức. Nhưng theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh thì tất cả các tín hữu đều phải mang lấy những gánh nặng cho nhau. Bởi vậy, mục vụ tư vấn có thể, và nên là, một chức vụ của những Cơ Đốc nhân sốt sắng có tinh thần chăm sóc. Trong các trang tiếp theo, tư vấn mục vụ và tư vấn Cơ Đốc có thể được sử dụng trao đổi thay thế cho nhau.

3.Liệu pháp tâm lý mục vụ.

      Đây là một thuật ngữ liên quan đến tiến trình giúp đỡ, là những nỗ lực nhằm mang lại sự thay đổi đặt nền tảng trên tính cách của người được tư vấn, trên những giá trị thuộc linh, và cách suy nghĩ. Đây là hình thức đem lại sự giúp đỡ qua việc tìm cách di dời những rào cản thường có trong quá khứ, các sự kìm hãm trưởng thành thuộc linh cá nhân. Đây cũng là công việc của một nhà chuyên môn đã được huấn luyện, và rất hiếm khi liệu pháp tâm lý mục vụ được nhắc đến trong cuốn sách này.

 

TÍNH ĐỘC ĐÁO TRONG TƯ VẤN CƠ ĐỐC

           Ngày nay, nhiều kỹ năng tư vấn đã được phát triển và được sử dụng bởi nhiều nhà tư vấn. Nhưng tư vấn Cơ Đốc có nhiều sự khác biệt, chính các sự khác biệt này tạo nên sự độc đáo trong tư vấn Cơ Đốc.

1.Về niềm tin.

       Mỗi nhà tư vấn có những quan điểm riêng về tình trạng đang được tư vấn, quan điểm đó ảnh hưởng đến sự nhận xét và bình luận của họ. Chẳng hạn như nhà phân tâm học Erich Fromm đã nói rằng “chúng ta sống trong một vũ trụ vô tình, vô cảm với số phận của chúng ta”. Một quan điểm như thế phủ nhận niềm tin nơi Đức Chúa Trời tối cao đầy lòng nhơn từ, cũng phủ nhận năng quyền của sự cầu nguyện, không kinh nghiệm ơn tha thứ, hoặc không có sự hy vọng về đời sau.

        Mặc dầu có nhiều lý thuyết được nêu ra, nhưng hầu hết những nhà tư vấn Cơ Đốc kêu gọi mọi người cần có niềm tin nơi Đức Chúa Trời, tin nơi năng quyền biến đổi của Kinh Thánh, nhận biết tình trạng tội lỗi của chính mình và cần sự tha thứ của Đức Chúa Trời, và có niềm hy vọng về tương lai. Đọc trong thư Hê-bơ-rơ 1:1-4, chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời đã phán với nhân loại, đã sáng tạo vũ trụ bởi Con Ngài, đã cung ứng sự tha thứ tội và Ngài nắm giữ uy quyền trên mọi sự bằng năng quyền của Ngài.

  1. Về mục đích.

      Cơ Đốc nhân tìm kiếm sự tư vấn để có những sự thay đổi về cách cư xử, thái độ, nhận chân giá trị, hoặc thay đổi cả về quan niệm sống. Người tư vấn cố gắng vận dụng những kỹ năng để kích hoạt nhận thức, để giáo dục về trách nhiệm, hướng dẫn sự biểu lộ cảm xúc, làm tăng sự hậu thuẫn từ người khác, hoặc định hình các quyết định khôn ngoan. Sự tư vấn nhằm kích hoạt những khả năng ẩn tàng bên trong giúp người khác mạnh dạn đối diện với sự khủng hoảng; để hướng dẫn cách giải quyết vấn đề, hay thúc đẩy tính thực tế và lựa chọn cách độc lập của người được tư vấn.

      Hơn nữa, để phát triển tâm linh cho những người được tư vấn, người tư vấn Cơ Đốc cần khuyến khích những người được tư vấn gắn bó đời sống của họ với Đức Chúa Jêsus-Christ, họ biết xưng tội ra và kinh nghiệm về sự tha thứ từ Chúa. Cũng cần có sự khuyên bảo người được tư vấn để cuộc sống họ xây dựng trên nền tảng sự dạy dỗ của Thánh Kinh, hầu cho phát triển được nếp sống Cơ Đốc phù hợp sứ điệp Phúc âm.

      Tư vấn Cơ Đốc cần phải được xây dựng trên nền tảng tôn giáo. Trong sự dạy dỗ khuyên bảo về niềm tin và lẽ đạo, người tư vấn cần thực hiện theo nguyên tắc tôn trọng sự tự do quyết định về niềm tin của người cần giúp đỡ.

  1. Về phương pháp.

      Những kỹ thuật căn bản phải được người tư vấn sử dụng cách nhất quán, kỹ thuật tư vấn bao gồm – Khơi gợi niềm tin trong một chừng mực có thể. – Chỉnh sửa các niềm tin sai lầm. – Phát triển những khả năng tiềm ẩn. – Giúp đỡ những người được tư vấn chấp nhận chính họ, nhận thức giá trị bản thân.

      Tư vấn Cơ Đốc không bao giờ sử dụng các kỹ thuật tư vấn sai trái về mặt đạo đức, hoặc không nhất quán với sự dạy dỗ trong Phúc âm hoặc các giá trị trái với Kinh Thánh. Chẳng hạn như khuyến khích người ta chấp nhận về vấn đề ngoại tình hoặc có quan hệ tình dục trước hôn nhân, là trái với dạy dỗ của Kinh Thánh. Cũng cần phải tránh sử dụng ngôn ngữ có tính lăng mạ đối với các cách thức áp dụng tư vấn của nhũng đồng nghiệp thế tục khác.

      Một số những kỹ thuật tư vấn Cơ Đốc khác bao gồm sự cầu nguyện, trích dẫn những câu Kinh Thánh liên quan vấn đề, trình bày các lẽ thật Cơ Đốc, hoặc khuyến khích sự gắn bó với một nhà thờ địa phương nào đó.

  1. Về đặc điểm tính cách của người tư vấn.

      Những đặc điểm cá nhân của người tư vấn có ý nghĩa lớn lao trong quá trình tư vấn. Nhà tâm lý học C. H. Patterson đã nói rằng người tư vấn hiệu quả phải là “một con người thành thật, là người biết hy sinh và có mối quan hệ tin cậy với những người được tư vấn”. Người tư vấn mang lại hiệu quả nhất khi họ là những người có phẩm chất và tính cách đặc biệt về sự trìu mến, nhạy bén, hiểu biết, có sự quan tâm thành thật, và luôn sẵn lòng để đối diện với các vấn đề của người khác trong một thái độ thông cảm, đầy tình yêu thương.

      Những cuốn sách giáo khoa về việc tư vấn thường nói đến tầm quan trọng của những phẩm chất như là sự đáng tin cậy, có sức khỏe và tâm lý tốt, trung thực, kiên nhẫn, có khả năng, sự hiểu biết đầy đủ, những kỹ năng tư vấn tốt, cùng với kiến thức về các vấn đề liên quan đến con người, mà người tư vấn cần phải có.

      Đức Chúa Jêsus-Christ là một “nhà tư vấn tuyệt vời và thật hiệu quả”, Ngài là kiểu mẫu tốt nhất cho chúng ta. Ngài là người có tính cách, kiến thức, và những kỹ năng giúp đỡ một cách hiệu quả. Trong nỗ lực để phân tích sự tư vấn của Chúa Jêsus, chúng ta phải nhận thức rằng việc chú tâm nhìn xem công việc của Ngài cũng là một cách để củng cố việc tư vấn của mình. Ta nhận ra rằng Chúa Jêsus trực tiếp với người được tư vấn và Ngài đối diện với các vấn đề của họ. Chúa Jêsus đã sử dụng nhiều kỹ thuật tư vấn khác nhau tùy thuộc vào từng tình huống, tùy theo bản tính của người được tư vấn, và tùy thuộc từng vấn đề cụ thể.

      Đặc điểm nổi bật của Chúa Jêsus trong việc giúp đỡ người khác chính là tính cách của Ngài. Những đặc điểm về tính cách của Ngài luôn thể hiện trong sự dạy dỗ, chăm sóc và tư vấn, khiến cho mọi việc Ngài làm là thật sự có hiệu quả. Đức Chúa Jêsus là Đấng chân thật, đầy lòng thương xót; sự cảm thông của Ngài thật là lớn; Ngài cũng chuẩn bị chính mình cho công việc của Ngài với sự cầu nguyện và sự suy ngẫm thường xuyên; Ngài biết rất rõ về Kinh Thánh; Ngài phục vụ Cha Ngài trên trời và những người theo Ngài trên đất; Ngài giúp đỡ người khác và Ngài phục vụ người khác; Ngài thấu hiểu những người thiếu thốn đang cần Ngài giúp đỡ, vì thế họ có thể tìm thấy được sự bình an, hy vọng từ nơi Ngài.

      Trong những cuộc tiếp xúc của Chúa Jêsus với dân chúng, Ngài thường dạy dỗ qua các bài giảng, nhưng có lúc Ngài cũng tranh luận với những người hoài nghi, thách thức trực tiếp với nhiều người, chữa lành nhiều người đau ốm bệnh tật, gần gũi chuyện trò với những người thiếu thốn hay những ai đang có nhu cầu; Ngài khích lệ, nâng đỡ những người ngã lòng. Chúa Jêsus đã nêu nhiều thí dụ từ các tình huống của đời sống thực tế hàng ngày; Ngài không ngừng khích lệ người khác, để giúp họ suy nghĩ và hành động phù hợp với những nguyên tắc của Thánh Kinh. Ngài lắng nghe, an ủi, và thảo luận với dân chúng để đem lại những lời khuyên lơn, hoặc sự dạy dỗ tổng quát. Chúa Jêsus cũng đã dạy dỗ về hôn nhân gia đình, về những ảnh hưởng giữa bố mẹ và con cái, về sự vâng lời, về những mối quan hệ huyết thống, về sự tự do sự bình đẳng dành cho nữ giới. Ngài cũng đã dạy dỗ nhiều điều mang tính cá nhân khác, chẳng hạn như, Ngài dạy dỗ về tình dục, về sự lo lắng, sự sợ hãi, nỗi cô đơn, sự nghi ngờ, tính tự cao, về tội lỗi, và về sự thất vọng.

      Khi Chúa Jêsus giúp giải quyết những nan đề cho dân chúng, Ngài luôn lắng nghe những ưu tư của họ và Ngài trả lời cho họ, giúp họ nghĩ hoặc hành động một cách đúng đắn. Ngài cũng sử dụng nhiều câu hỏi gợi ý sâu sắc để giúp nhiều người tự giải quyết các vấn đề riêng của họ; cụ thể như sự nghi ngờ của Thô-ma về việc Chúa sống lại, được giải toả khi Chúa Jêsus hiện ra và yêu cầu ông sờ tay vào dấu đinh trên tay Ngài.

      Tất cả những sự dạy dỗ của Chúa Jêsus, ngoài các giáo huấn, liên quan đến việc giúp đỡ người khác gần gũi hơn với Đức Chúa Trời, với người chung quanh, và với chính họ. Cơ Đốc nhân được dạy dỗ về tất cả mọi điều mà Chúa Jêsus truyền lại và mọi điều trong Kinh Thánh. Tất nhiên, điều này bao gồm cả những lời giáo huấn của Đức Chúa Trời về quyền năng, về sự cứu rỗi, về sự tăng trưởng thuộc linh, về sự cầu nguyện, về Hội Thánh, về tương lai, về các thiên sứ, ma quỷ, và về con người.

      Điểm cốt lõi của tất cả những sự giúp đỡ mang tính Cơ Đốc là sự ảnh hưởng và dẫn dắt của Đức Thánh-Linh – Đấng Yên-ủi hoặc Giúp-đỡ, Đấng dạy dỗ mọi sự, Đấng nhắc cho chúng ta nhớ mọi điều Đấng Christ đã phán dạy, Đấng cáo trách tội lỗi, và dẫn đưa chúng ta vào mọi lẽ thật của Ngài. Sự hiện hữu của Ngài, làm cho sự tư vấn Cơ Đốc nên thống nhất. Những bông trái của Thánh Linh – tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, và tiết độ, tạo thành những đặc điểm cần thiết cho người tư vấn đạt hiệu quả. Mọi Cơ đốc nhân, bởi sự cầu nguyện, sự suy gẫm Kinh Thánh, qua sự xưng tội thường xuyên, và sự cam kết rõ ràng mỗi ngày với Đấng Christ, đều được Đức Thánh Linh sử dụng; Ngài đụng đến mỗi đời sống chúng ta và làm thay đổi nó, và Ngài giúp chúng ta đạt đến sự trưởng thành về tâm linh và tâm lý hầu có thể giúp đỡ người khác hiệu quả.

(còn tiếp)

Trịnh Phan

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ Ông Y SÊC KNUL (Ama Ui)
Bài tiếp theoPhú Yên: Hiệp Nguyện Đầu Năm 2024 “Năm Mới Với Chức Vụ Tươi Mới”