Từ Bỏ Hào Quang, Gánh Chịu Sỉ Nhục – 24/9/2019

2562

 

I Sử Ký 15:27-29       

27 Đa-vít và các người Lê-vi khiêng hòm, kẻ ca hát, và Kê-na-nia, làm đầu những kẻ hát, đều mặc áo vải gai mịn; Đa-vít cũng mặc trên mình một cái ê-phót bằng vải gai. 28 Như vậy cả Y-sơ-ra-ên đều thỉnh hòm giao ước của Đức Giê-hô-va lên, có tiếng vui mừng, tiếng còi, tiếng kèn, chập chỏa, và vang dậy giọng đàn cầm đàn sắt.
29 Khi hòm giao ước của Đức Giê-hô-va đến tại thành Đa-vít, thì Mi-canh, con gái của Sau-lơ, ngó ngang qua cửa sổ, thấy vua Đa-vít nhảy nhót vui chơi, thì trong lòng khinh bỉ người.

Câu gốc: “Phải, trước mặt Đức Giê-hô-va, ta có hát múa. Ta sẽ hạ mình xuống nhiều hơn nữa, tự xem mình là hèn mạt” ( II Sa-mu-ên 6:21b-22a).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Đa-vít ăn mặc ra sao khi đi rước Hòm Giao Ước? Vua và cả Y-sơ-ra-ên đi thỉnh Hòm của Chúa với cảm xúc gì trong lòng? Vì sao bà Mi-canh khinh bỉ Vua Đa-vít? Khi bị khinh bỉ, chê cười vì muốn hầu việc, thờ phượng Chúa, bạn làm gì?

Khi đi thỉnh Hòm Giao Ước về Giê-ru-sa-lem, Vua Đa-vít đã không mặc áo sang trọng dành riêng cho vua nhưng lại mặc áo bằng vải gai mịn như những thầy tế lễ và người Lê-vi trong đoàn người đi thỉnh Hòm. Vua và “cả Y-sơ-ra-ên” thỉnh Hòm của Chúa trong tiếng reo hò mừng rỡ cùng tiếng nhạc vang lừng thể hiện niềm vui của họ. Tuy nhiên, có một người không hòa cùng niềm vui đó mà lại thấy khó chịu và bực tức, đó là bà Mi-canh. Ở đây, bà Mi-canh không được gọi là vợ của Vua Đa-vít nhưng lại được gọi là “con gái của Sau-lơ.” Tục ngữ Việt Nam có câu “Cha nào con nấy,” giống như Vua Sau-lơ, bà cũng không tha thiết gì với Hòm Giao Ước vốn là biểu tượng của sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài (I Sử Ký 13:3). Do không có mối liên hệ mật thiết với Chúa, bà không vui mừng khi Hòm Giao Ước về đến Giê-ru-sa-lem. Trái lại, bà buồn bực và khinh bỉ khi thấy chồng bỏ mất sự cao quý, ăn mặc và nhảy nhót “như một kẻ không ra gì” (II Sa-mu-ên 6:20).

Là công chúa của vương triều cũ, bà đã quen với cung cách phục sức, dáng vẻ, ngôn từ đầy uy nghi của Vua cha Sau-lơ. Bà không thể hiểu được sự vui mừng của chồng khi rước được Hòm của Chúa. Bà cho rằng sự vui mừng được thể hiện hết mức đó là biểu hiện của sự hèn hạ! Trái với quan niệm của bà, Vua Đa-vít lại muốn thể hiện sự hạ mình để tôn vinh Chúa vì biết rằng vị Vua cao trọng duy nhất chính là Chúa chứ không phải là ông. Ông muốn tôn vinh và hầu việc Chúa cách hết lòng, thể hiện tột cùng niềm vui vì được Vua trên muôn vua ở cùng và được hầu việc Ngài.

Là Cơ Đốc nhân, khi muốn hết lòng tôn vinh và hầu việc Chúa, hoặc từ bỏ phú quý của đời để sống cho Chúa, thì chúng ta cũng có thể gặp sự bắt bớ, phản kháng của người thân, bạn bè… Họ có thể thấy chúng ta là rồ dại, thiếu suy nghĩ khi bỏ việc làm ổn định hoặc tương lai đầy hứa hẹn để thờ phượng, hầu việc Chúa hết lòng. Họ không thể hiểu và cũng không đồng ý với chúng ta, thậm chí khinh bỉ và bắt bớ chúng ta. Ngay cả một người được cả Y-sơ-ra-ên tôn làm vua như Vua Đa-vít cũng còn bị người thân khinh bỉ. Nhưng ông đã không từ bỏ sự hạ mình đó mà còn nói rằng: “Ta sẽ hạ mình xuống nhiều hơn nữa, tự xem mình là hèn mạt” (II Sa-mu-ên 6:22a).

Bạn có sẵn sàng từ bỏ những hào quang của đời này, gánh chịu sỉ nhục, khiến mình trở nên “hèn mạt” để dâng lên cho Chúa cả cuộc đời mình không?

Lạy Chúa, xin cho con dám dấn thân và cứ tiếp tục trung tín hầu việc và thờ phượng Ngài dù có chịu những bắt bớ, sỉ nhục của những người xung quanh con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sử Ký 28.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcBÀI HỌC LỜI CHÚA HẰNG NGÀY CHO THIẾU NHI – THẾ GIỚI MỚI TUỔI THƠ
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Bà Đào Văn Dinh