Trọng Tâm Rao Giảng – 8/11/2017 

3231

 

I Cô-rinh-tô 2:1-5

1 Hỡi anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Đức Chúa Trời. 2 Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự. 3 Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm. 4 Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; 5 hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời. 

Câu gốc: “Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Giê-xu Christ, và Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên cây thập tự” (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cho biết cách ông rao giảng về Chúa như thế nào? Trọng tâm lời giảng của ông là gì? Thái độ của ông thế nào đối với Phúc Âm mà ông rao giảng? Ao ước của ông đối với các tín hữu Cô-rinh-tô là gì? Trọng tâm lời chia sẻ Phúc Âm của bạn cho người khác là gì?

Dù dân thành Cô-rinh-tô là những người chuộng triết lý do ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, nhưng khi Sứ đồ Phao-lô đến rao giảng Phúc Âm cho họ, ông không hề dùng những lời lẽ hoa mỹ hay lý luận triết lý cao siêu. Ngay trong những câu đầu của chương 2 này, ông nhắc lại cho các tín hữu tại đây nhớ rằng ông “chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Đức Chúa Trời” (câu 1). Trước đó ông cũng đã khẳng định: “Đấng Christ đã sai tôi, …để rao giảng Tin Lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích” (1:17).

Sứ đồ Phao-lô là một lãnh đạo thuộc linh xuất sắc, là một học giả có tài hùng biện, có khả năng lý luận, nhưng ông nhận thức rõ rằng khi rao giảng về Đấng Cứu Thế thì ông cứ nhắm vào trọng tâm là Chúa Giê-xu và sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá vì cớ tội lỗi của nhân loại (câu 2). Đứng trước trọng tâm của Phúc Âm, Sứ đồ Phao-lô cảm thấy “yếu đuối, sợ hãi và run rẩy” (câu 3), không phải vì sợ con người hay sợ bị từ chối, nhưng đây là thái độ đối lập với sự tự tin, cậy vào sức riêng mình. Ông biết rõ Tin Lành mà ông rao giảng là bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, chứ không phải bởi khả năng của ông. Do đó, ông có thái độ run sợ trước quyền năng của Chúa.

Sứ đồ Phao-lô bày tỏ mong ước của ông đối với các tín hữu Cô-rinh-tô là đức tin của họ sẽ được lập vững bền trên quyền năng của Đức Chúa Trời, chứ không phải trên sự khôn ngoan của loài người (câu 5). Chúng ta nên học theo gương Sứ đồ Phao-lô khi chia sẻ về Chúa cho người khác, không cậy vào khả năng hay sự khôn ngoan của mình nhưng cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời. Qua sự hành động của Đức Thánh Linh mà người nghe được cảm động tiếp nhận Chúa và đức tin được gây dựng chứ không phải do tài lý luận hoặc tranh luận của chúng ta. Nhiều khi chúng ta thường hay nhấn mạnh về mình, hệ phái mình, Hội Thánh mình… Nhưng cần nhớ lời rao giảng Phúc Âm đúng đắn của chúng ta phải hướng về trọng tâm là Chúa Cứu Thế Giê-xu chứ không ai khác hay là chính mình.

Bạn có lưu ý đến trọng tâm rao giảng khi bạn chia sẻ Phúc Âm không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con luôn trông cậy vào quyền năng của Thánh Linh để đem Lời Chúa đến cho người khác nhằm hướng họ đến với Chúa chứ không phải chính con hay một đối tượng nào khác.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 38.

 Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Bài trướcThông Báo V/v Tổ Chức Hoạt Động Thiếu Niên Khu Vực Tp.HCM
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo Tháng 11/2017 tỉnh Bình Dương