Thái Độ Rao Giảng Phúc Âm – 25/9/2017

2432

 

I Cô-rinh-tô 2:3-5

3 Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm. 4 Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; 5 hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời. 

Câu gốc: “Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm” (câu 3).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô có thái độ như thế nào khi rao giảng sứ điệp Phúc Âm? Vì sao ông lại có “bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy” đang khi làm chứng về Phúc Âm cho người Cô-rinh-tô? Bạn học được điều gì qua thái độ của Sứ đồ Phao-lô khi ông rao giảng Phúc Âm?

Những lập luận sắc bén và tin quyết trong mọi giáo lý truyền dạy cho các Hội Thánh qua những bức thư của Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta hình dung được một vị sứ đồ mạnh mẽ, dạn dĩ khi đứng trước đám đông để bênh vực duyên cớ của mình, cũng như rao giảng Phúc Âm. Song trong phân đoạn này sứ giả lại thú nhận rằng mình “bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy” (câu 3). Điều này khiến chúng ta thắc mắc, dường như có sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của Sứ đồ Phao-lô, bởi vì trong thư Rô-ma ông từng khẳng định “tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16). Thật ra, tại đây chúng ta biết được rằng ông không phải đề cập sự yếu đuối trong xác thịt của mình như ông đã trình bày trong thư Ga-la-ti 4:14 rằng “vì xác thịt tôi yếu đuối”, cũng không phải vì cố thuyết phục cho những thính giả tin vào lẽ thật ông đang trình bày nên ông có cảm xúc “sợ hãi, run rẩy”. Song đó là thái độ của một người ý thức sâu sắc sự cao trọng của sứ điệp mình đang trình bày, cũng như thấy được tầm quan trọng của trách nhiệm mình đang thực hiện, qua đó ông nhận biết được sự yếu đuối, hèn kém của bản thân.

Sứ đồ Phao-lô biết mình đang bị bao vây bởi quyền lực thầm lặng của thế gian. Vì thế, ông ý thức rằng nếu cậy vào sự khôn ngoan, tài diễn thuyết của chính mình để thuyết phục những người quanh mình tin vào sứ điệp rằng có một Người vừa bị đóng đinh trên thập tự giá như một tên tù phạm để đem đến cho họ sự cứu rỗi thì sứ mệnh của ông không thể thành công được. Cho nên ông đã “sợ hãi, run rẩy” nương mình dưới quyền phép của Đức Chúa Trời. Ông đã cầu xin sự thêm ơn giúp sức từ Chúa hầu cho có thể hoàn thành công tác lớn lao này. Tuy nhiên, không ít người trong chúng ta vì không ý thức đúng đắn sự cao trọng của sứ điệp Phúc Âm cùng vai trò chính mình nên đã có thái độ khinh suất, xem thường công tác rao giảng Tin Lành. Hoặc cũng có nhiều người cho rằng truyền giảng Tin Lành là việc làm quá dễ dàng. Họ rất tự tin vào tri thức và khả năng của bản thân, nên đã vô tình trở nên kiêu ngạo và thiếu mất ơn của Đức Chúa Trời trong khi rao truyền Phúc Âm.

Bạn có thái độ nào khi rao giảng Phúc Âm của Đức Chúa Trời?

Cầu nguyện: Kính lạy Chúa! Xin cho con luôn ý thức sự cao trọng của sứ điệp Phúc Âm và trách nhiệm lớn lao Ngài giao phó để con càng thêm lòng kính sợ Chúa và khiêm nhường nương cậy nơi sức toàn năng của Ngài.

 

 Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Cô-rinh-tô 10.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện

Bài trướcChương Trình Huấn Luyện Giáo Viên Trường Chúa Nhật Tỉnh Quảng Ngãi
Bài tiếp theoUB.TTN – Lời Chúa Hằng Ngày Cho Thiếu Nhi (Q4 – 2017)