16. Thế còn những cử chỉ âu yếm, vuốt ve?
Âu yếm hay vuốt ve là một phần của quá trình giao hợp và nó hoàn toàn phù hợp trong tiến trình nên một thịt giữa người nam và vợ mình. Kinh Thánh trong 1Cô-rinh-tô 7:36 có thể ngụ ý rằng có một sự tiếp xúc nhất định giữa người nam với hôn thê của anh ta. Nhưng tiếp xúc ở mức độ nào thì phù hợp? Vấn đề này thật khó xác định. Tuy nhiên, chúng ta phải nhấn mạnh một nguyên tắc, đó là giữ cho lương tâm của mình được thánh sạch. Phải thừa nhận rằng những tiếp xúc cơ thể mang lại khoái lạc nhiều đến nỗi nó dễ chi phối toàn bộ mối quan hệ, từ đó gây nên những tổn hại trong mối quan hệ đó. Hơn nữa, sự tò mò có thể nảy sinh trong những cử chỉ âu yếm ấy, và còn có một quy luật gọi là “quy luật hiệu suất giảm dần” – “Tôi không còn cảm thấy hài lòng nếu chỉ nắm tay người ấy; tôi tự hỏi điều gì sẽ đến sau đó…” Vậy thì, sẽ tốt hơn biết bao nếu chúng ta dành sự mong chờ đó cho đến khi hưởng tuần trăng mật!
17. Ai là người quyết định sẽ tiến xa đến mức độ nào?
Người nam nói rằng: tôi chỉ tiến xa đến mức độ cô ấy cho phép mà thôi. Người nữ lại nói: anh ấy cứ đòi hỏi, làm sao tôi có thể từ chối? Đây là sự thoái thác trách nhiệm một cách hèn nhát. Cần thẳng thắn trao đổi với nhau về việc có thể tiến xa đến mức độ nào! Trong trường hợp cần thiết, cả hai cũng có thể cùng chuẩn bị một bản thỏa thuận. Vậy thì, các bạn có thể thảo ra bản thỏa thuận ấy trong những lần căng thẳng! Đây là vấn đề của sự cầu nguyện và chia sẻ trách nhiệm của cả hai. Khi thảo luận với nhau về việc này, chúng ta cần thực tế và phải tìm cho ra giải pháp đối với những vấn đề cụ thể, chẳng hạn như làm thế nào để tránh khỏi những tình huống cám dỗ vượt quá sức mình? Dự đoán trước những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra nghĩa là bạn đã giải quyết được phân nửa nan đề rồi.
18. Nhưng trải nghiệm tình dục trước hôn nhân không phải là cần thiết sao?
Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy những người có nhiều trải nghiệm này sẽ trở thành những người tình tuyệt vời hơn trong hôn nhân. Nhưng có thể là lương tâm bị mang mặc cảm tội lỗi giày vò do nếp sống bừa bãi trong quá khứ có thể len vào đời sống, cản trở sự điều chỉnh tính dục cho phù hợp trong hôn nhân. Hơn nữa, Kinh Thánh ngăn cấm tình dục tiền hôn nhân rất rõ ràng (Ê-phê-sô 5:3). Vậy thì tại sao chúng ta lại không học cho biết những điều ấy trên lý thuyết trước hôn lễ, và chỉ trải nghiệm với người phối ngẫu duy nhất mà Đức Chúa Trời đã dự kiến cho chúng ta?
19. Có người đi cùng trong những cuộc hẹn có lỗi thời hay lạc hậu không?
Đúng là thế, nhưng không phải tất cả những gì lỗi thời, lạc hậu thì đều nên loại bỏ! Việc có người lớn đi cùng có điểm thuận lợi là đôi bạn dù đang hẹn hò hay đã đính hôn có thể tìm được sự riêng tư vừa đủ giữa hai người mà không quá nhiều. Tuy nhiên, nếu sống trong thành phố thì thay vì đi cùng người lớn, chúng ta có thể đi chơi với cuộc hẹn bốn người – gồm hai cặp đôi, hoặc là cuộc hẹn nhóm. Trong suốt cuộc hẹn ấy, những lúc có thể ở riêng với nhau, chúng ta nên chọn không gian riêng tư của mình ở trong công viên hơn là ở trong xe hơi đang đậu, vì ở những nơi như vậy thì tốt và lành mạnh hơn. Cách chọn lựa như thế cũng giúp chúng ta tuân thủ những thoả thuận của mình!
20. Còn nếu tôi có khuynh hướng đồng tính thì sao?
Đồng tính luyến ái là tội lỗi và Kinh Thánh mạnh mẽ lên án những hành vi đồng tính (Rô-ma 1:26,27). Tuy nhiên, cũng có trường hợp những người vì tuổi thơ bất hạnh và thể chất yếu ớt mà có khuynh hướng bị thu hút về phía những người cùng giới, đối với những người như vậy thì thế nào? Cộng đồng Cơ Đốc không nên kết án hay loại trừ những người đồng tính, nhưng cần cảm thông với họ trong những cám dỗ khác thường mà họ phải đối diện. Người đồng tính cần được giúp đỡ để nhận ra rằng những cám dỗ ấy tự chúng không phải là tội lỗi nhưng có nguy cơ dẫn đến những hành vi đồng tính và phạm tội. Nếu là cám dỗ thì Đức Chúa Trời cũng hứa rằng không để cho cám dỗ nào vượt quá sức chúng ta, nhưng trong sự cám dỗ Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi (1Cô-rinh-tô 10:13). Chúng ta cũng nên tận dụng những giúp đỡ về mặt chuyên môn trong lĩnh vực này.
21. Vậy thì làm cách nào tôi có thể kinh nghiệm được sự đắc thắng luôn luôn đối với những cám dỗ tình dục?
Trước hết, phải nhận ra rằng đời sống Cơ Đốc chính là đời sống có sự sống của Đấng Christ ở bên trong chúng ta (Cô-lô-se 1:27, 3:4). Do đó, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự đắc thắng của Chúa đối với tội lỗi khi chúng ta đầu phục sự tể trị của Ngài trong mọi phương diện của cuộc sống. Không nên tách riêng vấn đề cám dỗ tình dục và tội lỗi như những “trường hợp đặc biệt”. Khi chúng ta đầu phục sự hiện diện và quyền năng của Chúa Giê-xu Phục Sinh mỗi ngày, Ngài sẽ giúp chúng ta đắc thắng mọi tội lỗi.
Nguyên tác: Why wait till marriage by S.F. Magalit, MD- (OMF)
(Trịnh Phan biên dịch)