6) Tình trạng thủ dâm có được coi là bình thường không?
Thủ dâm chỉ được coi là “bình thường” trong ý nghĩa rằng hành vi này đang trở thành thói quen phổ biến. Trong thi cử, gian lận có thể được xem là chuyện “bình thường” không bởi vì “ai ai cũng có thể gian lận”? Có vị giáo sư nào sẽ tán thành quan điểm này? (Ngoại trừ Kinsey và Pomeroy!)[i]. Thủ dâm là tội lỗi bởi vì nó nằm ngoài kế hoạch và ý muốn của Đức Chúa Trời về mục đích sử dụng phương tiện tình dục. Chúa Giê-xu cũng dạy rằng chúng ta không được phạm tội ngoại tình (ở đây hàm ý cả sự tà dâm), thậm chí là tà dâm trong tư tưởng, trong tâm trí (Ma-thi-ơ 5:27,28). Hành vi thủ dâm làm ô uế lương tâm và cần phải từ bỏ nó như bất kỳ loại tội lỗi nào khác, dù nó không phải là thứ tội lỗi gớm ghê kinh khiếp nhất.
Thủ dâm cũng tương tự như những thói xấu khác về phương diện đạo đức, và chúng ta chỉ có thể đắc thắng nó nhờ vào năng quyền của Cứu Chúa Phục Sinh hành động bởi Thánh Linh Ngài ngự trị trong lòng chúng ta (Rô-ma 8:2, 1Cô-rinh-tô 10:13).
7) Còn phim ảnh thì sao?
Thời điểm duy nhất phù hợp để đi xem phim là khi loại phim ảnh đó không thể làm ô uế lương tâm của bạn được. Vậy bao giờ thì đến lúc đó? Ngày nay có quá nhiều phim ảnh thuộc thể loại “bomba” (phim sex), thậm chí có những bộ phim, dù không bị xếp vào thể loại “bomba” thì cũng khai thác những cảnh sex không cần thiết. Vì lẽ đó, nhiều Cơ Đốc nhân đã chọn cách tốt nhất là không đi xem phim. Chắc chắn rằng mỗi Cơ Đốc nhân phải luôn cẩn thận bảo vệ lương tâm mình cho khỏi bị ô uế.
8) Phim ảnh không có tính cách giáo dục sao?
Không, kiến thức con người được nâng cao chỉ khi giáo dục truyền đạt những thông tin hữu ích. Trước hết, phim sex truyền tải quá nhiều những thông tin không thực sự hữu ích hay cần thiết cho giới trẻ. Kế đến, chúng ta có thể hướng dẫn “những điều cần biết” cho giới trẻ theo một cách tiếp cận khác thay vì sử dụng những thước phim quá “khêu gợi”. Cuối cùng, hầu như phim sex hiện nay luôn phô bày ý niệm về loại tình dục không cần có sự biểu lộ của tình yêu lẫn sự kết ước lâu dài.
Chúng ta phải quan tâm nhiều hơn về vấn đề giáo dục giới tính trong gia đình, là nơi chúng ta có thể dạy cho con cái mình hiểu rằng tình dục được Đức Chúa Trời ban cho để con người vui hưởng trong sự dạy dỗ của Ngài. Chúng ta cũng cần giáo dục giới tính nhiều hơn trong Hội thánh, và các mục sư cần học cách đưa ra những chỉ dẫn cụ thể và chi tiết về những vấn đề này cho giới trẻ.
9) Khi nào tôi có thể bắt đầu theo đuổi một cô gái?
Khi bạn nghiêm túc nghĩ đến việc kết hôn với cô ấy. Đối với nhiều bạn trẻ, việc này nghe có vẻ xa vời quá có phải không? Nhưng, mục đích có người yêu để làm gì nếu bạn chưa thực sự nghĩ đến hôn nhân? Có người yêu để khoe chăng? Để cảm thấy an toàn về mặt tình cảm chăng? Hay là để đối phó với áp lực xã hội chăng (như cách người ta vẫn thường nói “Bạn nhất định phải có người yêu khi được 18 tuổi”)?
“Thời gian tìm hiểu” của một đôi nam nữ chính là thời kỳ chàng trai theo đuổi cô gái và mời cô ấy bước vào một mối quan hệ được xác định với mình. Chàng trai phải tương đối chắc chắn về lựa chọn của mình trước khi bắt đầu khoảng thời gian tìm hiểu. Nếu đã sẵn sàng để nói câu “Anh yêu em”, anh ta cũng phải sẵn sàng để hỏi “Em đồng ý lấy anh chứ?”
10) Làm thế nào tôi biết được cô ấy chính là “một nửa” của mình?
Nếu không phải là một Cơ Đốc nhân thì chắc chắn cô ấy không phải là người phù hợp với bạn (2Cô-rinh-tô 6:14). Còn nếu như cô ấy là một Cơ Đốc nhân, bạn phải chắc chắn rằng mình đang sử dụng những tiêu chuẩn đánh giá quan trọng. So sánh với sự dạy dỗ trong Châm Ngôn đoạn 31, cô ấy được đánh giá như thế nào? Tính nết của cô ấy có tốt hơn vẻ đẹp bề ngoài không? Cô ấy có thể giúp được gì cho đời sống Cơ Đốc của bạn không? Liệu cô ấy có cùng mối quan tâm như bạn, đó là tìm cách cho danh Chúa được vinh hiển qua đời sống và chức vụ của mình không? Cô ấy nghiêm trang, hay còn hời hợt, thiếu chín chắn? Bạn bè cô ấy ra sao và họ nghĩ thế nào về cô ấy? Bối cảnh gia đình, học vấn, tính cách của cô ấy ra sao, có hợp với bạn không?
Bạn thực sự yêu cô ấy chứ? Bạn thật lòng thích cô ấy không? Bạn quý trọng cô ấy? Bạn có thể sống cùng cô ấy suốt 50 năm không? Bạn có sẵn lòng hy sinh bản thân vì cô ấy không? Hãy thử áp dụng ba câu hỏi trắc nghiệm tình yêu sau đây: Thứ nhất là thời gian – có phải là quen biết cô ấy càng lâu, bạn càng bị cô ấy thu hút? Thứ hai là không gian – có phải là khi vắng cô ấy, bạn rất mong muốn được gặp mặt? Thứ ba là sự thấu hiểu – có phải là càng biết nhiều về con người cô ấy bao nhiêu, bạn càng muốn chia sẻ đời mình với cô ấy nhiều bấy nhiêu?
Bạn cũng có thể áp dụng ba trắc nghiệm trên để trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào tôi biết được anh ấy chính là một nửa của mình?”.
(Còn tiếp)
3 Alfred Charles Kinsey (23/06/1894 – 25/08/1956) là một nhà sinh vật học người Mỹ, giáo sư về côn trùng học và động vật học. Năm 1947 ông thành lập Học viện Nghiên cứu Tình dục, Giới và Sinh sản tại Đại học Indiana ngày nay nó có tên đầy đủ là Viện nghiên cứu Kinsey về Tình dục, Giới và Sinh sản. Ông có nhiều nghiên cứu có giá trị nhưng cũng gây tranh cãi về tình dục loài người.
Wardell Baxter Pomeroy (06/12/1913 – 06/09/2001) chuyên gia tình dục học người Mỹ. Alfred Charles Kinsey và Wardell Baxter Pomeroy là đồng tác giả trong hai cuốn Hành Vi Tình Dục Ở Nam Giới và Hành Vi Tình Dục Ở Nữ Giới. (Theo Wikipedia- ND)