Sự Kính Sợ Đức Giê-hô-va – 5/4/2022 

4288

 

 

Châm Ngôn 1:1-9

“Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (Châm Ngôn 9:10).

Câu hỏi suy ngẫm: Kinh Thánh dạy thế nào là khôn ngoan? Sự khôn ngoan Chúa dành ban cho những ai? Tại sao sự kính sợ Chúa là khởi đầu sự tri thức và sự khôn ngoan? Sự khác nhau giữa khôn ngoan thế tục và khôn ngoan trong Chúa là gì? Cơ Đốc nhân cần làm gì để nhận được sự khôn ngoan Chúa ban?

Khôn ngoan là kỹ năng áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Thí dụ như bác sĩ áp dụng kiến thức về y học để trị bệnh; người đầu bếp áp dụng kiến thức về ẩm thực để nấu những món ăn ngon; nông dân áp dụng kiến thức về nông nghiệp để trồng trọt cho cây sai trái. Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan cho ông Giô-sép để giúp vua Ai Cập điều hành việc cai trị (Sáng Thế Ký 41:38-39). Chúa cũng phán về một người thợ tên Bết-sa-lê-ên như sau: “Ta đã làm cho người đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan, sự thông sáng, và sự hiểu biết để làm mọi thứ nghề thợ…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:1-11). Bết-sa-lê-ên và người phụ tá là Ô-hô-li-áp được Chúa ban sự khôn ngoan về thủ công để chế tạo các đồ dùng trong Đền tạm. Như vậy sự khôn ngoan không dành riêng cho một thành phần nào, nhưng là sự ban cho phổ quát với mọi thành phần.

Kinh Thánh khẳng định rằng sự kính sợ Chúa là khởi đầu của sự tri thức (câu 7), và khởi đầu của sự khôn ngoan (Châm Ngôn 9:10), vì Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa là nguồn của mọi sự hiểu biết, mọi sự khôn ngoan (Châm Ngôn 2:6). “Kính sợ” với ý nghĩa tôn kính và vâng phục ý Chúa, cụ thể là học hỏi và làm theo Lời Chúa dạy. Vậy sự khôn ngoan theo ý Chúa bao gồm cả vấn đề đạo đức như “sống ngay thẳng, công minh và chính trực” (câu 3b BTTHĐ). Người đời có thể dùng sự khôn ngoan để đạt được mục đích cá nhân bất chấp có thể gây tổn hại cho người khác. Nhưng người kính sợ Chúa chẳng những tuân thủ các luật lệ của xã hội mà còn cả các luật lệ về đạo đức của Chúa, đồng thời cũng quan tâm đến phúc lợi của người khác nữa. Chúa Giê-xu là Đấng “mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quý báu về khôn ngoan thông sáng” (Cô-lô-se 2:3) đã dạy con dân Chúa “hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ (vô hại) như chim bồ câu” (Ma-thi-ơ 10:16b). Đó là điểm khác biệt giữa sự khôn ngoan thế tục và sự khôn ngoan trong Chúa.

Vua Sa-lô-môn cho biết: “kẻ ngu muội khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy” (câu 7b). Chỉ những người thiếu hiểu biết mới không chịu học hỏi sự khôn ngoan và xem thường những lời giáo huấn của Chúa. Họ tự mãn, cho là mình thông minh, biết nhiều, không cần học hỏi thêm nơi ai. Cơ Đốc nhân nhận biết nguồn của sự khôn ngoan là Chúa nên hết lòng học hỏi Lời Chúa và học hỏi không ngừng với lòng kính sợ Chúa để nhận được sự khôn ngoan Chúa ban.

Bạn có kỷ luật trong việc học hỏi Lời Chúa chưa?

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa về sự khôn ngoan Chúa ban. Xin cho con không ngừng học hỏi Lời Chúa và biết sử dụng ân tứ Chúa ban một cách khôn ngoan để góp phần gây dựng Hội Thánh của Ngài.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 8

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcKlei Huĭ Mpŭ Kơ Yêhôwa – 5/4/2022
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Giáo Phẩm TP.HCM Tháng 04/2022