Ngày 18/2/2020 – Phước Cho Người Không Thấy Mà Tin

7049


Giăng
20:24-29

24 Vả, lúc Đức Chúa Jêsus đến, thì Thô-ma, tức Đi-đim, là một người trong mười hai sứ đồ, không có ở đó với các môn đồ. 25 Các môn đồ khác nói với người rằng: Chúng ta đã thấy Chúa. Nhưng người trả lời rằng: Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài, thì ta không tin. 26 Cách tám ngày, các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà, có Thô-ma ở với. Khi cửa đương đóng, Đức Chúa Jêsus đến, đứng chính giữa môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! 27 Đoạn, Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! 28 Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! 29 Đức Chúa Jêsus phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!

 

“Đức Chúa Giê-xu phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (câu 29).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Sứ đồ Thô-ma nghi ngờ không tin Chúa sống lại? Chúa Giê-xu đã làm gì để giúp ông tin Chúa tuyệt đối? Không thấy mà tin có phải là tin mù quáng không? Tại sao? Chúng ta cần làm gì để từ nghi ngờ dẫn đến đức tin nơi Chúa?

Khi Chúa sống lại hiện ra lần đầu với các môn đệ thì không có Sứ đồ Thô-ma ở đó, nên nghe các bạn nói họ đã thấy Chúa Phục Sinh thì ông nghi ngờ và tuyên bố nếu chính ông không đặt tay vào chỗ dấu đinh và sườn của Chúa thì ông không tin. Tám ngày sau, Chúa Giê-xu hiện ra giữa các môn đồ, Ngài nói với ông Thô-ma: “Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin!” Sau khi nhìn thấy Chúa, ông Thô-ma đã hiểu ra mọi sự và kêu lên: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” Tiếng kêu đó đã thể hiện một đức tin nơi Chúa tuyệt đối, không chút nghi ngờ. Khi ấy Chúa Giê-xu phán với ông: “Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy.”

Không thấy mà tin không phải là tin mù quáng, nhưng Chúa muốn dạy cho môn đệ biết rằng con người là giới hạn, không thể hiểu hết về kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đức tin của họ đặt sai chỗ. Việc Chúa sống lại, Ngài đã nói trước nhiều lần nhưng môn đệ không hiểu. Nay ông Thô-ma đòi phải tận mắt thấy, tay rờ đụng mới tin. Thật ra, có rất nhiều điều chúng ta vẫn tin dù không thấy. Tình yêu, dòng điện,… chẳng hạn. Nhưng không vì thế mà chúng ta không tin chúng không hiện hữu. Về phương diện thuộc linh, chúng ta có Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời ban cho loài người. Thay vì chúng ta tin vào những nhận định chủ quan của mình hay dựa trên cảm xúc và tình cảm, chúng ta cần đọc Kinh Thánh để biết và tin cậy Đức Chúa Trời. Từ đó, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, tin Chúa bởi đức tin chứ không bằng mắt thấy là điều phước hạnh vô cùng.

Nhiều người ngày nay vẫn còn thắc mắc, nghi ngờ về Tin Lành, về Chúa Giê-xu, và ngại ngùng không dám nói lên những nghi ngờ của mình, để rồi không quyết định đặt đức tin nơi Chúa. Nghi ngờ không có nghĩa là vô tín, nhưng chỉ là những thắc mắc về những điều mình chưa biết chắc mà thôi. Khi những thắc mắc ấy được sáng tỏ thì đức tin sẽ tăng trưởng giống như đức tin của Sứ đồ Thô-ma ngày trước. Ước mong qua Lời Kinh Thánh và qua những lời làm chứng về Chúa của các tín hữu Tin Lành, nhiều người cũng sẽ thưa với Chúa như ông Thô-ma đã thưa: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!”

Bạn giúp những người không thấy Chúa mà tin bằng cách nào?

Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì ngày nay con không thấy Chúa trực tiếp nhưng Chúa đã ban Lời Ngài cho con để con tin. Xin cho con cũng thưa với Chúa như Sứ đồ Thô-ma rằng: “Lạy Chúa của con và là Đức Chúa Trời của con!”

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Cô-rinh-tô 7.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của MsNc Y LHIANG B.YĂ
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Bà Mục sư Trí sự Nguyễn Văn Huệ