Giăng 11:28-36
28 Người nói xong, liền về, lén kêu em là Ma-ri, mà rằng: Thầy ở đằng kia, đương gọi em lại. 29 Ma-ri vừa nghe mấy lời, vội vàng đứng dậy đến cùng Ngài. 30 Vả, Đức Chúa Jêsus chưa vào trong làng, nhưng còn đứng nơi Ma-thê đến đón Ngài. 31 Khi những người Giu-đa đương ở trong nhà với Ma-ri và yên ủi người, thấy người đứng dậy đi ra vội vã như vậy, thì theo sau, vì nghĩ rằng người đến mộ đặng khóc. 32 Nhưng Ma-ri, lúc đã tới nơi Đức Chúa Jêsus đứng, vừa thấy Ngài, thì sấp mình xuống chân Ngài mà nói rằng: Lạy Chúa, nếu có Chúa đây, thì anh tôi không chết! 33 Đức Chúa Jêsus thấy người khóc, và những người Giu-đa đi với người cũng khóc, bèn đau lòng cảm động mà phán rằng: Các ngươi đã chôn người ở đâu? 34 Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin hãy lại coi. 35 Đức Chúa Jêsus khóc. 36 Người Giu-đa bèn nói rằng: Kìa, người yêu La-xa-rơ là dường nào!
Câu gốc: “Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (I Cô-rinh-tô 12:26).
Câu hỏi suy ngẫm: Bà Ma-ri đã làm gì và nói gì khi chạy đến gặp Chúa? Tại sao Chúa Giê-xu khóc? Làm thế nào để chúng ta có thể “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” như lời Sứ đồ Phao-lô dạy trong Rô-ma 12:15?
Chúa Giê-xu đi đến làng Bê-tha-ni và bà Ma-thê nhanh chóng ra đón Chúa, nhưng bà Ma-ri chưa biết, do đó bà Ma-thê chạy về nói riêng với em mình vì không muốn mọi người trong tang lễ biết. Vừa nghe tin, bà Ma-ri vội chạy ngay đến gặp Chúa, sấp mình dưới chân Ngài như một hành động thờ phượng, khóc và nói một câu có ý như trách Chúa giống như chị mình rằng: “Lạy Chúa, nếu có Chúa đây, thì anh tôi không chết!” Phải, hai chị em đã nói đúng, nhưng đây không phải là ý muốn của Chúa nên Ngài đã đến chậm hơn bốn ngày. Họ biết Chúa là Đấng có quyền năng chữa bệnh nhưng không biết Chúa là Đấng có quyền gọi người chết sống lại. Chúa Giê-xu thấy bà Ma-ri và những người Giu-đa đi theo bà khóc vì người thân qua đời, nên Chúa bồi hồi xúc động và Ngài cũng khóc (câu 35). Tại sao Chúa khóc? Chúa Giê-xu biết mục đích Ngài đến là để gọi ông La-xa-rơ sống lại, và chỉ lát nữa đây thôi, ông La-xa-rơ sẽ bước ra khỏi phần mộ, vì thế chắc chắn Ngài không khóc vì người bạn Ngài yêu mến đã chết, nhưng Chúa đồng cảm với bà Ma-ri và những người đang khóc, họ đau buồn vì mất người thân, họ khóc vì thương nhớ ông La-xa-rơ. Và Chúa không thể dửng dưng trước nỗi đau buồn của họ, nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của Chúa, nên Ngài khóc.
Sứ đồ Phao-lô dạy trong thư Rô-ma 12:15 rằng “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.” Chung vui với người đang vui rất dễ, nhưng chia buồn với người đang buồn rất khó. Đến với một tang lễ hay đến thăm một người bị mất mát đau thương, chúng ta nói lời chia buồn, nhưng đó cũng chỉ là lời an ủi phần nào mà thôi. Chỉ khi nào chúng ta có thể cùng khóc với họ thì đó mới là hành động chia buồn thật sự và có hiệu quả. Để có thể “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” chúng ta cần nhớ rằng, trong Chúa, mỗi chúng ta là chi thể của một thân, vì vậy nỗi đau của người khác không thể không có liên hệ nào với chúng ta được (I Cô-rinh-tô 12:26). Chỉ có trong Chúa, chúng ta mới có thể cảm nhận nỗi đau của người khác như chính nỗi đau của mình. Chúa Giê-xu đã khóc với bà Ma-ri và những người khác, xin Chúa cho chúng ta cũng biết cảm thông những khó khăn của nhau, cùng gánh vác những gánh nặng cho nhau, cùng khóc với những nỗi đau của nhau.
Chúa Giê-xu đã “khóc với kẻ khóc,” còn bạn thì sao?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ chúng con là những chi thể của một thân để con có thể cảm thông và chia sẻ những đau buồn, gánh nặng, và những mất mát với anh chị em con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Công Vụ 3.