Nê-hê-mi 6:10-14
10 Đoạn, tôi đi đến nhà của Sê-ma-gia, con trai của Đê-la-gia, cháu của Mê-hê-ta-bê-ên (người ấy đã rút ẩn ở đó); người nói rằng: Chúng ta hãy gặp nhau tại trong nhà của Đức Chúa Trời, chính giữa đền thờ, rồi chúng ta sẽ đóng các của đền thờ lại; vì chúng nó sẽ đến giết ông; ấy lúc ban đêm mà chúng nó toan đến giết ông. 11 Tôi nói: một người như tôi đây sẽ chạy trốn ư? Người nào như tôi đây vào trong đền thờ mà lại được sống sao? Tôi không vào đâu. 12 Tôi nhìn biết chẳng phải Đức Chúa Trời có sai người đến, vì người nói lời tiên tri đó nghịch với tôi. Tô-bi-gia và San-ba-lát đã mướn người vậy. 13 Vì tại đó, người được trả tiền công đặng khiến tôi sợ hãi, dụ tôi phạm tội, hầu cho chúng nó có cớ đồn tiếng xấu xa, và làm sỉ nhục tôi. 14 Đức Chúa Trời tôi ôi! Xin hãy nhớ Tô-bi-gia và San-ba-lát, tùy theo các công việc nầy mà hai người đã làm; xin cũng nhớ đến Nô-a-đia, nữ tiên tri, và các tiên tri khác đã muốn làm cho tôi sợ hãi!
Câu gốc: “Tôi nói: một người như tôi đây sẽ chạy trốn ư? Người nào như tôi đây vào trong đền thờ mà lại được sống sao? Tôi không vào đâu” (câu 11).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông San-ba-lát sử dụng ai để hãm hại ông Nê-hê-mi? Mục đích ông San-ba-lát sử dụng người này là gì? Ông Nê-hê-mi đã đối phó với sự tấn công này như thế nào? Nguyên tắc kỷ luật thuộc linh nào được bày tỏ qua câu chuyện này?
Sau năm lần thất bại, lần này ông San-ba-lát sử dụng ông Sê-ma-gia để tiếp tục gài bẫy ông Nê-hê-mi về đạo đức thuộc linh với mưu đồ làm cho chức vụ của ông bị hủy phá. Việc ông Sê-ma-gia có thể ra vào Đền Thờ (câu 10) gợi ý rằng ông có thể là một thầy tế lễ. Ông San-ba-lát đã mua chuộc một người mà ông Nê-hê-mi ít đề phòng nhất. Nhưng dẫu trong hoàn cảnh nào thì ông Nê-hê-mi vẫn đặt nền tảng cuộc đời và chức vụ mình trên Lời Đức Chúa Trời, nhờ đó, ông nhanh chóng nhận ra lời nói của ông Sê-ma-gia không đến từ Đức Chúa Trời (câu 12). Ông Sê-ma-gia là kẻ lừa đảo, đã xúi giục ông Nê-hê-mi làm ngược lại với luật pháp của Chúa khi khuyên ông hãy chạy trốn vào Đền Thờ để lánh nạn, là điều luật pháp Chúa nghiêm cấm (Dân Số Ký 18:22). Một vị vua lừng danh của Vương quốc Giu-đa là Ô-xia đã bị bệnh phong cho đến chết vì ông dám tự ý vào Đền Thờ và xông hương (II Sử Ký 26:16-21).
Trong mọi hoàn cảnh, ông Nê-hê-mi luôn nhận biết giới hạn mà Đức Chúa Trời đặt trên mình. Cho dù ông là một lãnh đạo của dân sự, ông vẫn luôn luôn là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Là một đầy tớ, ông phải tuân thủ mệnh lệnh của Ngài. “Người nào như tôi đây vào trong đền thờ mà lại được sống sao?” (câu 11b). Ông Sê-ma-gia xúi giục ông Nê-hê-mi chạy vào Đền Thờ để giữ sự sống, nhưng ông Nê-hê-mi nhận biết mình sẽ chết nếu vi phạm mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Ông Nê-hê-mi đã nghiêm khắc giữ kỷ luật thuộc linh, nhận biết đâu là giới hạn của thẩm quyền Chúa ban, và không sử dụng thẩm quyền cho lợi ích cá nhân nhưng theo ý muốn Chúa. Ông nói: “một người như tôi đây sẽ chạy trốn ư?” (câu 11a). “Người như tôi” là người thế nào? Là một lãnh đạo. Người lãnh đạo hèn nhát, sợ hãi sẽ khiến dân sự sợ hãi. Là một lãnh đạo thuộc linh gương mẫu, ông Nê-hê-mi đã không chọn bảo vệ cho sự an nguy của mạng sống mình, ông chọn đứng về phía Đức Chúa Trời và để Ngài sử dụng cuộc đời ông theo ý muốn Ngài. Ông đã nêu gương tin cậy tuyệt đối Đức Chúa Trời đang hiện diện, Ngài nhìn thấy những kẻ thù đang tấn công ông, và ông giao phó họ cho Ngài (câu 14).
Một trong những kỷ luật thuộc linh là sống trong tinh thần nhận biết giới hạn của thẩm quyền Chúa giao cho mình để phục vụ có kết quả. Bạn sẽ chọn điều gì khi ở trong cảnh ngộ của ông Nê-hê-mi?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con là tôi tớ của Ngài, xin cho con nhận biết giới hạn của thẩm quyền Chúa giao và luôn giữ kỷ luật thuộc linh, sống trung thành với Chúa. Xin cho con sự cam đảm dù sống hay chết vẫn luôn giữ vững đức tin nơi Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 41.