Mẹ Và Con – 6/2/2020

3176

 

I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7

“Nhưng chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy.”

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đã dùng hình ảnh nào để mô tả thái độ của ông và các đồng lao trong việc chăm sóc các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca? Chúng ta nhận ra những đặc tính nào của người mẹ trong việc nuôi dạy con cái? Bạn cần điều chỉnh gì trong việc chăm sóc con cái mình?

Đối diện với những khó khăn trong chức vụ tại Phi-líp và Tê-sa-lô-ni-ca, Sứ đồ Phao-lô và những cộng sự vẫn tiếp tục dạn dĩ rao truyền Phúc Âm. Trong chương 2, Sứ đồ Phao-lô đã bênh vực cho chức vụ của mình và các đồng lao, và trong câu 7, ông đã dùng hình ảnh của một bà vú nuôi dạy con mình, để nêu lên sự tương phản với tinh thần hầu việc Chúa sai trật.

Bà vú hay người mẹ được nổi bật bởi đức tính “nhu mì”. Từ ngữ này có nghĩa là cư xử tử tế với một người nào đó. Chính đặc tính này làm nảy sinh ra những đặc tính khác như sự chấp nhận, tôn trọng, cảm thông, kiên nhẫn, và mềm mại. Người mẹ cần phải chăm sóc con trong sự nhu mì và tử tế. Nhiều người mẹ ngày nay cư xử với con cách thô bạo, xâm phạm quyền tự do cá nhân cơ bản của con, nóng nảy khi con phạm lỗi, làm tổn thương lòng tự trọng của con cái bằng lời nói v.v… Tất cả những điều này có thể để lại những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài trên phần đời còn lại của con trẻ. Những người mẹ này thường cho rằng tất cả những gì mình làm là vì yêu con, vì muốn con nên người, nhưng Lời Chúa dạy tình yêu phải được thể hiện trong sự nhu mì, tử tế.

Đặc tính thứ hai của người mẹ chính là “săn sóc chính con mình cách dịu dàng”. Cụm từ này trong nguyên nghĩa là “sưởi ấm bằng hơi nóng của thân thể.” Đây là hình ảnh của một người mẹ ôm đứa con đang run rẩy vì lạnh cóng vào trong lòng mình và sưởi ấm cho con bằng hơi ấm của thân thể lẫn tình yêu mà bà dành cho con. Như một người hầu việc Chúa cần phải nhận biết nhu cầu của bầy chiên và đáp ứng nhu cầu đó một cách thích hợp bằng tất cả tình yêu, thì người mẹ cũng cần phải chăm sóc con mình trong tinh thần đó. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại trở thành vô cùng khó khăn trong xã hội bận rộn ngày nay. Để nhận biết nhu cầu của con, đòi hỏi người mẹ phải dành nhiều thời gian cho con, quên mình, và nhất là phải đặt chính mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của con.

Nếu Sứ đồ Phao-lô cùng các cộng sự đã để lại một ảnh hưởng to lớn trên các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca qua cách chăm sóc trong tinh thần tử tế, quan tâm, và đầy yêu thương, thì chắc rằng khi con trẻ được chăm sóc bằng tinh thần đó cũng sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc khi chúng lớn lên, chúng cũng dễ dàng cư xử như vậy với những người chung quanh.

Bạn có nuôi dạy con bằng sự nhu mì, dịu dàng trong tình yêu thương không?

Lạy Chúa, xin cho con có tâm tình của một người mẹ yêu con hết lòng, thấu hiểu nhu cầu của con và đáp ứng những nhu cầu đó cách khôn ngoan trong yêu thương.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-mốt 8.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcGiúp Con Đến Với Chúa – 5/2/2020
Bài tiếp theoGiải Bóng Đá Thanh Thiếu Niên Tin Lành Kon Tum