Kỷ Niệm 100 Năm Thành Lập Hội Thánh Cần Thơ (trực tuyến)

2462

HTTLVN.ORG – Vào lúc 9 giờ Chúa nhật 26/12/2021, tại nhà thờ Tin Lành Cần Thơ đã diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Thánh. Vì tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn nên chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Hội Thánh Cần Thơ vẫn cậy ơn Chúa tổ chức chương trình vì nhận thấy đây là cơ hội để nhìn lại chặng đường 100 năm qua, bày tỏ tấm lòng “Ca Ngợi và Rao Truyền” như chủ đề của chương trình.

Nhà thờ Tin Lành Cần Thơ, 87 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. An Cư, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Mục sư Châu Tử Tôn, Thư Ký Hội đồng Giáo phẩm giảng Lời Chúa khích lệ Hội Thánh qua phần Kinh Thánh Ê-sai 12:1-6; câu gốc: “Hãy ca tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm những công việc rực rỡ: nên phô cho thế gian đều biết!” (Ê-sai 12:5)

Chương trình có những phần tôn vinh Chúa, nhắc lại lịch sử của Hội Thánh với những thăng trầm theo từng giai đoạn nhưng tạ ơn Chúa vì Ngài là Đấng thành lập, cũng đã bảo tồn và làm cho Hội Thánh được phát triển như ngày hôm nay.

Mọi người tham dự chương trình dù trực tiếp hay trực tuyến đều đồng một lòng, hiệp một ý bày tỏ tấm lòng “Tri Ân Và Tâm Nguyện”:

Xin Chúa cho Hội Thánh giống như đoàn người mà Thi-thiên 84:6-7 mô tả: “Đương khi đi qua trũng khóc lóc. Họ làm trũng ấy trở nên nơi có mạch; Mưa sớm cũng phủ phước cho nó. Họ đi tới, sức lực lần lần thêm; Ai nấy đều ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn”

Chương trình được khép lại lúc 11 giờ 15 sau lời cầu nguyện tạ ơn Chúa và chúc phước của Mục sư Lê Hoàng Long, Ủy viên TLH, Quản nhiệm HTTL Cần Thơ.

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HTTL CẦN THƠ
(1921 – 2021)

Hội Thánh Cần Thơ được thành lập năm 1921, tính đến nay đã được 100 năm. Nhìn lại chặng đường lịch sử 100 năm, dù trải qua bao thăng trầm, thử thách bởi yếu tố chủ quan lẫn khách quan, song Hội Thánh Cần Thơ vẫn tồn tại và phát triển. Lịch sử 100 năm hình thành và phát triển của Hội Thánh Cần Thơ đã trải qua các giai đoạn như sau:

I. TIN LÀNH ĐẾN CẦN THƠ

Năm 1921, Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp cử Giáo sĩ Herbert A. Jackson đến Cần Thơ để rao giảng Tin Lành cho đồng bào Việt Nam ở chợ Cần Thơ và các quận, các làng, xã trong tỉnh. Đầu tiên, Giáo sĩ H. A. Jackson thuê một ngôi nhà cao đẳng tại chợ Cần Thơ làm trụ sở truyền giáo, vừa học tiếng Việt vừa rao giảng Tin Lành. Lời Chúa đã được gieo ra “chẳng trở về vô ích”. Hạt giống Tin Lành đã nảy mầm và phát triển nhanh chóng tại vùng đất phù sa màu mỡ này.

II. HỘI THÁNH ĐƯỢC THÀNH LẬP (1921 – 1925)

Truyền đạo Nguyễn Hữu Đinh đã cảm tác bài thơ như sau:

Hội Thánh Cần Thơ lúc sơ khai
Ông Nguyễn Hữu Đinh được Chúa sai
Vâng lệnh rao truyền ơn cứu rỗi
Một ngàn chín trăm hai mươi hai.

III. HỘI THÁNH PHÁT TRIỂN (1925 – 1940)

– Nhà thờ đầu tiên: Năm 1925, Mục sư Phan Đình Liệu đến Chủ tọa Hội Thánh. Ông mạnh dạn làm chứng về Chúa trong lúc đi bộ, lúc đi tàu; Bất cứ nơi nào người đứng hay ngồi cạnh hai bên ông cũng được nghe giảng Tin Lành. Năm 1925, Hội Thánh Cần Thơ đạt đến Chi Hội tự trị. Khoảng cuối năm 1926, số tín hữu lên đến 378 người. Mục sư Phan Đình Liệu và Hội Thánh thuê một khu đất trống ở đường lộ mới (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) để xây cất nhà thờ bằng cây lá và tư thất cho tôi tớ Chúa.

– Nhà thờ thứ nhì: Năm 1927, Giáo sĩ H. A. Jackson từ giã chức vụ đang kết quả ở Cần Thơ để bắt đầu công việc truyền giáo giữa bộ lạc K’Ho ở Đà Lạt. Năm 1927, Mục sư Ông Văn Huyên đến thay thế Mục sư Phan Đình Liệu. Thời gian này, Chúa kêu gọi một số gia đình mới vào Hội Thánh trong đó có: ông Võ Chánh Tiết, ông năm Ngọc, ông sáu Thuận Thành, ông năm Tân Thành, ông Trần Chương, ông Trần Văn Hiếm (tự Nguyễn Văn Mực). Để có nơi nhóm tốt hơn, ông Trần Văn Hiếm bàn với Mục sư Ông Văn Huyên và Ban Trị sự dời nhà thờ qua phần đất trống rộng, cao ráo là phần đất nhà thờ hiện nay. Sau nhiều tuần cầu nguyện và xin phép Chính quyền, Hội Thánh đã được giấy phép xây dựng nhà thờ kích thước: dài 18m ngang 9m. Mục sư Ông Văn Huyên đặt viên đá đầu tiên cho nhà thờ. “Đây là nhà thờ bằng gạch đầu tiên được xây dựng do tiền quyên góp của tín hữu Việt Nam”.

Năm 1929, Mục sư Ông Văn Huyên được gọi về giảng dạy ở Trường Kinh Thánh Tourane (Đà Nẵng). Hội Thánh Cần Thơ cũng nỗ lực đẩy mạnh công cuộc truyền giảng Tin Lành, các Hội Thánh Ô Môn, Phong Điền, Kế Sách, Đông Phú (Cái Dầu), Trà Ôn lần lượt được thành lập.

Năm 1929, Mục sư Trần Dĩnh đến chủ tọa Hội Thánh, tiếp tục công việc xây dựng kéo dài từ năm 1929 đến 1933 cơ bản được hoàn thành. Năm 1930, ban Thanh niên Hội Thánh Cần Thơ được thành lập.

Năm 1933, Mục sư Lê Văn Ngọ đến thay Mục sư Trần Dĩnh làm chủ tọa Hội Thánh, nhà thờ đã làm lễ Cung hiến cho Chúa vào năm 1934.

IV. HỘI THÁNH SUY YẾU (1940 – 1946)

Năm 1940, Mục sư Lê Văn Ngọ nhậm chức Chủ tọa Hội Thánh lần thứ hai. Do có sự xích mích với một số tín hữu, Hội Thánh chia làm ba nhóm: Một số theo Mục sư Lê Văn Ngọ nhóm ở nhà ông Lê Văn Út (Mục sư Cơ Đốc Phục Lâm ở phía sau nhà thờ); một số nhóm ở Trụ sở Địa hạt (Chủ nhiệm là Mục sư Kiều Công Thảo), số còn lại buồn nản ở nhà không đi nhóm. Năm 1944, ông Lê Văn Ngọ bị Giáo hội cách chức. Cũng trong năm này, tòa án ra quyết định buộc ông Lê Văn Ngọ phải trả nhà thờ lại cho Giáo hội.

Năm 1944, Mục sư Kiều Công Thảo tiếp nhận nhà thờ. Mùa thu 1945, Cách Mạng Tháng Tám diễn ra trên toàn đất nước, nhà thờ lần lượt bị quân đội Nhật, rồi Pháp chiếm đóng. Để tránh sự ô uế có thể diễn ra trong nhà thờ, Ban Trị sự đã gửi đơn yêu cầu sử dụng nhà thờ làm trường học thay vì làm trại lính.

V. HỘI THÁNH PHỤC HỒI (1946 – 1975)

Năm 1946, trong lúc Chính quyền Pháp chưa trả lại nhà thờ, ông bà Nguyễn Thanh Trà cho Hội Thánh mượn căn nhà ở đường Trần Tấn Vị (nay là đường Quang Trung) làm chỗ nhóm thờ phượng Chúa. Dầu chỗ nhóm thiếu mọi phương tiện nhưng các buổi nhóm đầy ắp tình thương của Chúa. Các lớp Trường Chúa Nhật từ Ấu nhi đến Thanh tráng được dạy đều đặn vào mỗi sáng Chúa Nhật. Mục sư Lê Văn Hiến tình nguyện hầu việc Chúa không nhận lương của Hội Thánh. Mục sư đã tìm thăm, an ủi và gom nhóm các tín hữu lại, ông đã không quản khó khăn, nguy hiểm đến mạng sống.

Tháng 10 năm 1947, ông bà Giáo sĩ Paul E. Carlson trở lại Cần Thơ. Theo yêu cầu của Hội Thánh, Chính quyền trả lại nhà thờ. Mục sư Lê Văn Hiến cùng tín hữu, kẻ công người của dọn dẹp, tu sửa lại nhà thờ. Lễ Giáng Sinh năm 1947 được tổ chức trong niềm vui của Hội Thánh.

Năm 1948, Hội Thánh mỗi ngày một gia tăng, khoảng 9/10 tín hữu theo Cơ Đốc Phục Lâm đã trở về ràn chiên. Thật là: “Mùa đông đã qua, mưa đã dứt hết rồi. Bông hoa nở ra trên đất, mùa hát xướng đã đến nơi”. Năm 1948, Hội Thánh cất tư thất. Quả phụ Mục sư Nguyễn Văn Cung tạm ở để giữ nhà thờ. Một tín hữu là ông Mai Văn Tro lo việc bảo vệ nhà thờ.

Ông bà Giáo sĩ Paul E. Carlson hiệp với Mục sư Lê Văn Hiến tổ chức những buổi nhóm thiếu nhi vào chiều thứ năm. Ban Phụ nữ truyền giảng vào mỗi chiều Chúa nhật; Ban Cứu tế được thành lập lấy tên là “Đô-ca”. Hội Thánh có 13 ban Chứng đạo, đã dẫn đưa hàng trăm người đến tiếp nhận Chúa Giê-xu.

Đến năm 1949, tín hữu đã tăng lên đến 500 người. Năm 1950, lớp Thánh Kinh Đoãn Kỳ lần thứ hai tổ chức tại Trụ sở Địa hạt, có 45 học viên theo học. Quyển “Bài dạy Thánh Kinh Tiểu học” do Giáo sĩ Carlson soạn làm giáo án và bài “Hằng Chiếu Lòa Soi” (TC.837) lần đầu tiên được hát trong lễ bế giảng.

Năm 1950, Mục sư Phan Duy Hinh đến làm chủ tọa. Các khóa học Thánh Kinh Hè cho Thanh Thiếu niên được duy trì do cô Võ Hồng Liễu cùng sự đóng góp kinh nghiệm và tài liệu của bà Quả phụ Mục sư Nguyễn Kim Ngân. Hội Thánh cũng mua được phần đất mặt tiền cho nhà thờ và 6.100m2 đất ruộng để làm Nghĩa trang.

Năm 1955, Mục sư Lê Văn Phải đến hầu việc Chúa ở Cần Thơ, Hội Thánh được cấp chủ quyền phần đất nằm sát hông trái nhà thờ. Truyền đạo Tình nguyện Ngô Vĩnh Thanh phụ trách công tác thăm viếng – chăm sóc các con cái Chúa. Tháng 11 năm 1958, qua Hội Đồng Bồi Linh, Chúa đã dùng Mục sư Lê Hoàng Phu đem lời Chúa trong năng quyền Thánh Linh để tỉnh thức Hội Thánh. Cơn phục hưng lớn được bắt đầu từ Hội Thánh Cần Thơ và lan truyền ra nhiều Hội Đồng kế tiếp ở nơi khác. Trong thời gian này, Hội Thánh Cần Thơ lần lượt mở các Hội Thánh Phụng Hiệp và Cái Răng.

Năm 1960, Mục sư Lâm Văn Chí đến hầu việc Chúa với Hội Thánh. Hội Thánh tu sửa nhà thờ đang xuống cấp và làm lễ Cảm tạ Chúa. Chúa dùng Giáo sĩ Rice và Mục sư Lê Hoàng Phu đem sự an ủi và phục hưng cho Hội Thánh.

Năm 1962, Mục sư Nguyễn Hữu Vinh về chủ tọa Hội Thánh. Hội Thánh được phép giảng Tin Lành mỗi tháng một lần trong Trung tâm Cải huấn (Khám Lớn Cần Thơ). Mỗi tối thứ năm, có 30 phút phát thanh Tin Lành qua Phòng Thông tin Thị xã Cần Thơ, truyền đi trên loa phóng thanh ở chợ và bến Ninh Kiều. Ban Chứng đạo đã ra đi phát sách và làm chứng kêu gọi người nghe tin Chúa. Trong năm này, ông Trần Quân dâng tất cả băng ghế mới cho Hội Thánh Cần Thơ.

Năm 1963, Giáo sĩ Harold Collins đến mở Phòng sách Tin Lành và Trung tâm Thanh niên tại bến xe mới, có nhiều người tin Chúa và gia nhập Hội Thánh. Năm 1966, Hội Thánh mua lô đất ở góc đường Trần Hưng Đạo – Tạ Thu Thâu, nay là đường Mậu Thân để chuẩn bị cất nhà thờ An Nghiệp (An Phú).

Tháng 7 năm 1966, Hội Thánh mua đất mở trường tiểu học Thới Hòa. Ban Chứng đạo hiệp với Mục sư Nguyễn Hữu Vinh mỗi tuần đến giảng và thành lập Hội Thánh Thới Hòa. Cũng trong năm này, một Phòng sách Tin Lành và Trung tâm Thanh niên được mở tại số 37 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (gần trường Phan Ngọc Hiển ngày nay) do Giáo sĩ Pendell phụ trách rao giảng Tin Lành qua chương trình dạy Anh Ngữ. Năm 1967, ban Thiếu niên Hội Thánh Cần Thơ được thành lập.

Năm 1968, xây dựng trường Chân Tín và nhà thờ An Nghiệp (An Phú). Hội Thánh cũng xây tầng lầu của tư thất và một căn phụ làm nơi sinh hoạt cho gia đình Mục sư, xây hồ báp-tem, sửa lại phần tòa giảng, xây một dãy phòng để dạy Trường Chúa Nhật.

Tháng 7 năm 1970, Mục sư Lê Văn Tôi đến chủ tọa Hội Thánh. Số tín hữu gia tăng mỗi ngày, các ban Thanh niên, Thiếu niên tiếp tục vững mạnh. Hội Thánh có chương trình Ca nhạc Thánh trên đài Truyền hình Cần Thơ vào Tết dương lịch. Tổ chức hai lần giảng Tin Lành tại khu đất trống đường Nguyễn Thái Học, thực hiện truyền giảng vào mỗi tối Chúa nhật.

Từ năm 1971, mỗi chiều Chúa nhật, Mục sư Lê Văn Tôi hiệp cùng Ban Trị sự và ban Chứng đạo đến giảng và mở Hội Thánh tại Bình Thủy. Năm 1974, qua sự dâng hiến của ông bà Nguyễn Thanh Trà, Hội Thánh đã mua được một căn phố ở đường Lê Hồng Phong, dưới dốc cầu Bình Thủy để dùng làm nơi nhóm thờ phượng Chúa của Hội Thánh Bình Thủy.

Năm 1973 – 1975, có thêm giờ sinh hoạt cho nhóm Sinh viên – Học sinh Tin Lành, lo việc truyền giảng và chăm sóc trong giới Sinh viên – Học sinh.

 VI. HỘI THÁNH PHÂN HÓA (1975 – 1984)

 Hội Thánh nhóm thờ phượng thưa thớt dần. Nhà thờ An Hòa và nhà thờ Thới Hòa lần lượt bị nhà nước quản lý. Sự phân hóa quan trọng và ảnh hưởng đến Hội Thánh Cần Thơ nhất là sự tranh chấp giữa Mục sư Chủ nhiệm Nguyễn Lập Mà và một số Mục sư trong tỉnh. Nhà thờ Thới Bình và Trụ sở Địa hạt (số 57, Nguyễn Trãi) bị nhà nước quản lý. Nhiều tín hữu chán nản bỏ nhóm, một số đi nhóm ở các Hội Thánh An Nghiệp (An Phú), Cái Răng, Phong Điền, một số nghe theo ông Lê Trung Thành nhóm tư gia. Hội Thánh Cần Thơ bị một bức màn ảm đạm bao trùm.

 VII. HỘI THÁNH NGÀY NAY (1984 – 2015)

  1. Giai đoạn 1984 – 1994:

Tạ ơn Chúa, Ngài đã lắng nghe, đoái thương, tha thứ và nhậm lời cầu nguyện của con dân Ngài khắp nơi. Năm 1984, Mục sư Nguyễn Văn Công được đến chủ tọa Hội Thánh. Hội Thánh tái lập nhóm cầu nguyện mỗi sáng sớm, tối thứ tư và truyền giảng mỗi tối Chúa nhật. Các lớp Trường Chúa Nhật vẫn tiếp tục, các lớp học Thánh Kinh Hè được tổ chức hằng năm.

Chúa cho ông Võ Văn Hiền, ông Nguyễn Thành Nguyên tổ chức lớp học Kinh Thánh vào tối thứ bảy và tập hát để ngợi khen trong giờ thờ phượng sáng Chúa nhật. Hai ông qui tụ một ban hát bốn giọng trên 25 người là tiền thân của ban Trung niên sau này.

Nhà thờ lúc này đã xuống cấp nhiều, Ban Trị sự họp lại quyết định sửa chữa. Việc xây dựng từ năm 1987 đến năm 1990 hoàn tất và làm lễ Cảm tạ Chúa. Tháng 6 năm 1991, Mục sư Nguyễn Văn Công cùng gia đình xuất cảnh sang Úc. Các thành viên trong Ban Trị sự cũng xuất cảnh gần hết, chỉ còn ông Nguyễn Văn Ánh, Thư ký; ông Đặng Thái Dũng, Thủ quỹ; ông Đặng Văn Đối, Nghị viên; Ban Kiến thiết có ông Phan Thanh Nhàn, Trưởng ban và ông Lê Văn Tiếng, Thư ký.

Ông Thư ký Hội Thánh Nguyễn Văn Ánh ở tư thất tạm giữ nhà thờ, ban đêm có các thanh niên thay phiên ở lại với ông. Công việc thờ phượng Chúa vẫn tiếp tục. Quí Mục sư Trí sự Lê Văn Tôi, Mục sư Trí sự Đặng Văn Diệp, Mục sư Trí sự Đặng Văn Chắc thay phiên giảng và ban Tiệc thánh. Mục sư Nguyễn Văn Nghi, Mục sư Lư Hồng Sơn, Truyền đạo Lê Huỳnh Long và Truyền đạo Huỳnh Văn Nhứt thỉnh thoảng chia sẻ lời Chúa cho lớp trẻ và lớp Trường Chúa Nhật. Các lớp Thánh Kinh Hè vẫn mở ra đều đặn mỗi năm. Số tân tín hữu mỗi ngày một gia tăng, một số từ các Hội Thánh tư gia xin được trở về Hội Thánh.

Vì nhu cầu của Hội Thánh, ông Nguyễn Văn Ánh và ông Đặng Thái Dũng đến gặp và trình bày với Ban Trị sự Hội Thánh An Lạc Tây xin Hội Thánh cho Mục sư Lê Hoàng Long rời An Lạc Tây để về Cần Thơ. Vì công việc Chúa chung, các tín hữu ở An Lạc Tây đã sẵn lòng giúp cho Hội Thánh Cần Thơ và nhận phần thiệt thòi về mình.

  1. Giai đoạn 1994 – 2015:

Ngày 06/11/1994, Mục sư Lê Hoàng Long nhậm chức chủ tọa Hội Thánh.

Cơ sở vật chất: Mục sư cùng Hội Thánh tiếp tục hoàn tất việc lót ván, làm vách ngăn di động, đóng một số băng ghế, bàn cho tầng lầu, sắm máy phát điện, hệ thống phóng thanh mới và các trang thiết bị cho văn phòng.

Đời sống tâm linh: Chúa cho Hội Thánh tiếp tục ổn định sinh hoạt và phát triển. Duy trì và mở rộng các buổi nhóm suốt các buổi tối trong tuần. Nền tự trị Hội Thánh vững vàng do số tín hữu dâng 1/10 tăng. Nhà thờ trở nên chật vào các buổi nhóm ngày Chúa nhật. Mọi sinh hoạt của Hội Thánh đi vào nề nếp, kỷ cương.

Năm 1995, ban Trung niên được thành lập. Ngày 09/10/1999, thành lập ban Tráng niên. Ngày 02/11/2001, Hội Thánh tổ chức lễ Cảm tạ Chúa, kỷ niệm 80 năm Tin Lành truyền đến Cần Thơ và thành lập Hội Thánh.

Năm 2002, Mục sư Châu Tử Tôn được Ban Trị sự Tổng Liên Hội bổ nhiệm phụ tá Mục sư quản nhiệm.

Xây dựng Cơ sở Cơ Đốc Giáo Dục: Các lớp giáo lý quá tải nên mỗi Chúa nhật phải chia nhiều lớp học ngoài sân. Các khóa Thánh Kinh Hè với tổng số trên 200 em hằng năm, chỗ ăn chỗ ngủ trở nên bế tắc, các lớp Thánh Kinh Căn Bản cũng gặp nhiều khó khăn. Được sự đồng ý và cho phép của Chính quyền, cơ sở Cơ Đốc Giáo Dục được khởi công xây dựng vào ngày 09/5/2005. Công trình hoàn thành và tổ chức lễ Cảm tạ Chúa vào ngày 25/10/2007.

Mở Điểm Nhóm Tầm Vu: Tại xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang có một số tân tín hữu. Nhận thấy các tín hữu này ở xa nhà thờ, việc đi nhóm thờ phượng Chúa bất tiện, ngày 31/5/2009, ban Chấp sự Hội Thánh Cần Thơ biểu quyết thành lập Điểm Nhóm lấy tên Tầm Vu, địa Điểm Nhóm tại nhà Chấp sự Trần Kim Mai (ấp Láng Hầm C, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) và gửi đơn xin phép Chính quyền.

Sau khi được Chính quyền chấp thuận, lễ Công bố Thành lập Điểm Nhóm được tổ chức vào ngày 26/12/2009, cũng là lễ Giáng sinh đầu tiên của Điểm Nhóm. Tháng 10 năm 2012, Điểm Nhóm được Ban Trị sự Tổng Liên Hội công nhận Hội Thánh nhánh.

Tính đến cuối năm 2014, số tín hữu lên đến trên 300 người, mỗi buổi nhóm bình quân 80 người lớn và 50 thiếu nhi. Ngày 26/4/2019, Điểm Nhóm Tầm Vu được công nhận Chi Hội và đổi tên thành Hội Thánh Thạnh Xuân. Mục sư Nguyễn Văn Danh được bổ nhiệm làm quản nhiệm đầu tiên của Hội Thánh. Đây là Hội Thánh thứ 5 trong tỉnh Hậu Giang.

Tiếp nhận và xây dựng Nghĩa trang: Sau nhiều năm yêu cầu Chính quyền (1996 – 2010), tháng 4 năm 2010 Hội Thánh Cần Thơ được Ủy Ban Nhân Dân TP. Cần Thơ giao phần đất 10.000m2 tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền làm Nghĩa trang. Hội Thánh xây dựng các cơ sở hạ tầng để đưa vào sử dụng vào ngày 01/01/2012.

Ngày 06/6/2006, ban Phụ Nữ được thành lập. 11 Tháng 6 năm 2012, Truyền đạo Hà Hữu Nghĩa được Ban Trị sự Tổng Liên Hội bổ nhiệm phụ tá Mục sư quản nhiệm. Ngày 14/01/2014, thành lập ban Thanh tráng. Hội Thánh hiệp với Ủy Ban Cơ Đốc Giáo Dục Tổng Liên Hội mở Chi nhánh Phòng sách Tin Lành vào ngày 12/7/2014, nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu tâm linh và nghiên cứu, học hỏi lời Chúa của các tín hữu.

Tháng 8 năm 2014, Mục sư nhiệm chức Nguyễn Quốc Khanh được Ban Trị sự Tổng Liên Hội bổ nhiệm phụ tá Mục sư quản nhiệm, để lo cho công việc Chúa tại Hội Thánh nhánh Tầm Vu.

Xây dựng Nhà thờ: Nhận thấy nhà thờ bị xuống cấp, Hội Thánh đã thống nhất xây dựng nhà thờ mới thông qua Hội đồng Bất thường ngày 26/4/2009. Được sự đồng thuận của Ban Trị sự Tổng Liên Hội và Ủy Ban Nhân Dân TP. Cần Thơ, Sở Xây dựng đã cấp giấy phép số 25/GPXD vào ngày 05/7/2010 cho phép xây dựng nhà thờ. Lễ Khởi công xây dựng Nhà thờ vào ngày 03/3/2011. Ngày 07/10/2012, phần cơ bản đã được hoàn thành, xây dựng tầng hầm đậu xe và tầng nhóm sinh hoạt, Hội Thánh tổ chức lễ Cảm tạ Chúa nội bộ và dời về nhóm tại tầng sinh hoạt. Công việc cứ tiến triển đều đặn và hoàn thiện từng phần để đưa đến hoàn tất và tổ chức lễ Cung hiến vào ngày 27/02/2015.

Ngày 11/6/2018, Truyền đạo Phạm Duy Thạch được Ban Trị sự Tổng Liên Hội bổ nhiệm phụ tá Mục sư quản nhiệm.

Mở Điểm Nhóm Hưng Thạnh: Được bác sĩ Lưu Thị Hoàng Anh dâng một lô đất diện tích 110m2 (dài 23m, ngang 4,5m, tọa lạc tại KDC lô 11B, đường Phan Trọng Tuệ, phường 12 Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), Hội Thánh tiến hành xây dựng căn nhà ba tầng để mở Điểm Nhóm. Được sự chấp thuận của Chính quyền địa phương, Điểm Nhóm được công bố thành lập vào ngày 01/11/2018. Năm 2021, sinh viên thực tập Nguyễn Trung Nghĩa được Viện Thánh Kinh Thần Học gửi đến thực tập tại Hội Thánh Cần Thơ.

 THAY LỜI KẾT

Kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Thánh, con dân Chúa được nhắc lại những công việc rực rỡ mà Chúa đã làm trên Hội Thánh, để lớn tiếng dâng lời cảm tạ Chúa, đồng thời rao ra cho mọi người cùng biết như lời Chúa trong Ê-sai 12:5 kêu gọi: “Hãy ca tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm những công việc rực rỡ: nên phô cho thế gian đều biết”. Cảm tạ Chúa 100 năm qua, Ngài đã làm những việc lớn, diệu kỳ cho Hội Thánh Cần Thơ. Đoàn hậu tấn của các bậc tiền nhân trung tín, yêu mến Chúa trải các thời kỳ quyết tâm thừa kế sự nghiệp vẻ vang của ông cha để lại:

– Tiếp tục gây dựng đời sống thuộc linh của con cái Chúa được trưởng thành bằng lời Kinh Thánh.

– Tiếp tục mở mang Vương quốc của Chúa qua công tác truyền giảng Tin Lành để nhiều người nhận được sự cứu rỗi.

– Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực kế thừa, đồng thời kêu gọi nhiều người dâng mình hầu việc Chúa.

Nguồn: HTTL Cần Thơ

 

Một số hình ảnh trong chương trình:

Vì chương trình diễn ra trực tuyến nên chỉ có số ít tôi con Chúa ở tại nhà thờ

Ban hát Hội Thánh tôn vinh Chúa trực tiếp tại nhà thờ

Ban hát tôn vinh Chúa trực tuyến

Tại nhà thờ Tin Lành Cần Thơ cũng tổ chức trưng bày những hình ảnh và hiện vật gắn liền với lịch sử 100 năm thành lập và phát triển Hội Thánh

TTV. Huỳnh Văn Thạch

Bài trướcTruyền Giảng Giáng Sinh Trực Tuyến Của Ban Đại Diện Long An
Bài tiếp theoThơ: Mùa Đông Ấm