Kính Mến Đức Chúa Trời – 26/11/2017

2876

 

Gióp 15:1-6

1 Ê-li-pha, người Thê-man, đáp rằng:
2 Người khôn ngoan há đáp bằng lời tri thức hư không,
Và phình bụng mình bằng gió đông sao?
3 Người há có nên lấy lời vô ích mà chữa mình,
Dùng câu giảng luận vô dụng mà binh vực sao?…
4 Thật ông hủy điều kính sợ Đức Chúa Trời,
Ngăn trở sự suy gẫm trước mặt Ngài.
5 Vì sự gian ác ông dạy dỗ cho miệng mình nói,
Và ông chọn lưỡi của kẻ quỉ quyệt.
6 Miệng ông định tội cho ông, chớ chẳng phải tôi;
Và môi ông làm chứng dối nghịch cùng ông. 

Câu gốc: Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục Truyền 6:5).

Câu hỏi suy ngẫm: Nhận định về lời tranh luận và lên án của ông Ê-li-pha đối với ông Gióp. Có phải người công chính không bao giờ gặp tai họa không? Bạn sợ Chúa hay kính mến Ngài?

Sau một vòng tranh luận không kết quả với ông Gióp (Gióp chương 4-5), ông Ê-li-pha tranh cãi mãnh liệt đến nỗi quên mục đích chuyến thăm là an ủi ông Gióp. Ông Ê-li-pha thiếu kiên nhẫn khi lên án ông Gióp, kiên quyết với lập luận của mình là ông Gióp phạm tội nên đau khổ ông đang gánh chịu là hình phạt của Đức Chúa Trời. Từ suy nghĩ đó, ông Ê-li-pha cho rằng ông Gióp thiếu khôn ngoan khi đáp lời tri thức hư không và đáp lời vô ích (câu 2-3). Ông Ê-li-pha trách ông Gióp là người phạm tội nhưng ngang bướng không chịu ăn năn. Ông nói với ông Gióp: “Ông hủy điều kính sợ Đức Chúa Trời… sự gian ác ông dạy dỗ cho miệng mình… ông chọn lưỡi của kẻ quỉ quyệt” (câu 4-5). Ông Ê-li-pha xác nhận là miệng ông Gióp cũng kết án ông, có nghĩa là chính ông Gióp cũng tự định tội cho mình (xem Gióp 9:20-21).

Lý luận của ông Ê-li-pha nghe qua có vẻ hợp lý vì chỉ có người có tội Chúa mới phạt, còn người làm lành thì Ngài luôn ban phước. Còn nếu nói như ông Gióp rằng ông sống thiện lành nhưng Chúa vẫn cho ông chịu đau khổ; nếu vậy con người phải sống tốt, sống thánh khiết để làm gì? Tuy nhiên, khi suy xét kỹ thì lý luận của ông Ê-li-pha quá trẻ con, khác nào cho rằng con cái vâng lời vì sợ hình phạt chứ không phải vì kính yêu cha mẹ! Hơn thế nữa, lý luận này cũng là lý luận của Sa-tan khi kiện cáo ông Gióp với Chúa là ông Gióp tôn thờ Chúa chỉ vì Chúa ban phước chứ không phải ông kính yêu Chúa (Gióp 1:10-11, 2:5).

Ông Ê-li-pha chê trách ông Gióp thiếu khôn ngoan, nhưng chính ông là người thiếu khôn ngoan. Ông lên án ông Gióp thiếu kính sợ Đức Chúa Trời, nhưng chính ông thiếu lòng kính mến Chúa. Đức Chúa Trời là Đấng Công Chính nhưng cũng là Đấng Yêu Thương. Ngài cho phép người công chính gặp hoạn nạn trong sự tốt lành yêu thương của Chúa. Chúa chưa xử phạt người phạm tội là bởi lòng yêu thương của Ngài muốn cho họ cơ hội ăn năn. Tuy nhiên, trong ngày cuối cùng khi đối diện với Chúa, mỗi người sẽ nhận sự thưởng phạt công minh. Phần con người cần biết rằng, Chúa là Đấng sáng tạo ra mình và luôn yêu thương mình vì thế con người phải kính yêu Chúa hết lòng. Đức Chúa Trời phán với ông Môi-se truyền cho tuyển dân của Ngài rằng: Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi(Phục Truyền 6:5). Con dân Chúa phải kính yêu Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Bạn có hết lòng kính mến Chúa trong mọi hoàn cảnh không? Bạn có dùng Lời Chúa để khuyên răn, nâng đỡ người hoạn nạn không?

 Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì con thiếu kính mến Chúa; xin cho con luôn vững tin nơi Chúa dù phải đương đầu với hoạn nạn; luôn mềm mại, yêu thương người khác như Chúa đã nhân từ yêu thương con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Truyền Đạo 2.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Bài trướcHọp Mặt Mục Vụ Thể Thao Tại Tỉnh Phú Yên
Bài tiếp theoThư Kêu Gọi Cứu Trợ Nạn Nhân Bị Bão, Lũ Lụt