HTTLVN.ORG – Sau thời gian gần một năm gián đoạn vì dịch bệnh, Hội Thánh Minh Lương không thể tổ chức chương trình kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Thánh (1971-2021) như đã dự kiến. Cảm ơn Chúa đã ban ơn để sáng ngày 14/07/2022, Hội Thánh có thể tổ chức buổi lễ Cảm tạ Chúa – Kỷ niệm 50 năm thành lập tại nhà thờ Tin Lành Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Hiện diện trong buổi lễ có Mục Sư Phan Vĩnh Cự, Phó Hội trưởng I HTTLVN; Mục sư Nguyễn Bình Tín, Ủy viên Tổng Liên Hội; Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, TP. Cần Thơ cùng đông đảo tôi con Chúa trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra đại diện chính quyền các cấp của huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cũng đến dự và chúc mừng.
Mục sư Phan Vĩnh Cự giảng Lời Chúa trong Cô-lô-se 3:15-17 với chủ đề “Dư Dật Ơn Chúa”, nhắc nhở con dân Chúa về ơn lành Chúa dành ban cho con người chúng ta: dư dật sự bình an, dư dật hy vọng, dư dật ơn của Chúa để hầu việc Ngài, vì vậy những người nhận ơn ban của Chúa cách rộng rãi phải dẹp bỏ những tảng đá ngăn trở để ơn phước của Chúa tuôn tràn vào đời sống.
Mục sư Phan Vĩnh Cự giảng Lời Chúa
Một số hình ảnh khác trong chương trình:
MS Nguyễn Bình Tín, Ủy viên TLH, cầu nguyện khai lễ
Ban hát tín hữu Hội Thánh Khơ-me tôn vinh Chúa
Ban hát Hội Thánh Giục Tượng tôn vinh Chúa
Ban hát Hội Thánh Minh Lương tôn vinh Chúa
Đại diện các Hội Thánh chúc mừng
Tri ân Quản nhiệm Hội Thánh qua các thời kỳ
Tri ân Ban Chấp sự
Buổi lễ cảm tạ Chúa được diễn ra cách phước hạnh và kết thúc sau lời chúc phước của Mục sư Nguyễn Ngọc Nhỏ, Trưởng BĐD TP. Cần Thơ
Hình lưu niệm các Giáo phẩm
LƯỢC SỬ HTTL MINH LƯƠNG GIAI ĐOẠN 1 (1971 – 1976) Năm 1922, Tin Lành đến Rạch Giá, từ đó Tin Lành được lan ra và các Hội Thánh được lần lượt hình thành các nơi trong tỉnh. Mùa giáng sinh năm 1967, ông Lâm Khắc Phụng (Bảy Xích) đã tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa trong một cuộc bố đạo truyền giảng. Có thể xem ông Lâm Khắc Phụng là người Tin Lành đầu tiên tại Minh Lương. Vốn là một thanh niên cần mẫn chăm chỉ trong cuộc mưu sinh, nhưng buồn chán vì liên tiếp thất bại, xảy ra trong cuộc sống và gia đình, khi đó ông Lâm Khắc Phụng đã mượn rượu giải sầu. Đó là một quyết định sai lầm, bởi chẳng những không thay đổi được hoàn cảnh mà trái lại mỗi ngày ông bê tha hơn. Tạ ơn Chúa, khi ông Lâm Khắc Phụng đã tiếp nhận Chúa thì đời sống ông được biến đổi cách lạ lùng trong năng quyền của Ngài. Trong một bài làm chứng được đăng trên tập san Rạng Đông trước 1975, ông Lâm Khắc Phụng đã bày tỏ: Giờ đây, thay vì say rượu, tôi say Lời Thánh của Đức Chúa Trời vì chính Lời Chúa mà gia đình tôi được hạnh phúc, nhờ Lời Chúa mà tôi từ một bợm rượu đã trở thành một tín hữu biết “giảng Đạo.” Vào dịp Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam, MS Tôn Thất Bình có nhắc đến những kỷ niệm trong các lần truyền giáo tại Minh Lương và thế nào Mục sư đã hướng dẫn cho ông Lâm Khắc Phụng cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Mục sư Tôn Thất Bình cũng đã làm chứng lại về sự thay đổi tích cực nơi người tín hữu này mà ông ghi nhận được khi gặp được Mục sư Lâm Khắc Phụng – người đang hầu việc Chúa ở Hòa Lan – trong một kỳ hội đồng gần đây tại Úc Châu. Năm 1969 Mục sư Nguyễn Lập Mà vừa hầu việc Chúa tại Hội Thánh Rạch Giá, vừa kiêm chủ tọa Hội Thánh Cù Là nhưng Mục sư Nguyễn Lập Mà vẫn quan tâm và nặng lòng cưu mang các cánh đồng thuộc linh trong đó có khu vực Rạch Sỏi và Minh Lương. Đáp ứng khải tượng của Ủy ban Truyền giáo Trung ương: “ĐEM TIN LÀNH CHO MỖI SẮC TỘC”, ông bà Mục sư Nguyễn Lập Mà đã vui lòng dâng mình cách đặc biệt để truyền giáo giữa vòng người Việt gốc Khmer. Tạ ơn Chúa, cùng đồng thời trong năm 1971 Hội Thánh được thành lập tại Rạch Sỏi và Minh Lương. Điều đáng chú ý là trong khi Hội Thánh Chúa tại Rạch Sỏi được thành lập từ sự chia tách các gia đình tín hữu thuộc Hội Thánh Rạch Giá thì Hội Thánh Chúa tại Minh Lương được hình thành và gây dựng từ sự khải tượng của Mục sư Nguyễn Lập Mà. Thứ năm ngày 04/03/1971, Mục sư Nguyễn Lập Mà triệu tập Ban Trị Sự Hội Thánh Cù Là với thành phần gồm Thư ký Lâm Khắc Phụng, thủ quỹ Trương Văn Trung, nghị viên Châu Minh Thuận, sau khi họp bàn đã thống nhất ủy quyền cho ông bà Lâm Khắc Phụng đứng tên mua đất tại Minh Lương để cất nhà thờ mới. Đến ngày 11/03/1971 (tức 7 ngày sau) thì mọi thủ tục mua bán đã xong. Phần đất ruộng với kích thước 60m x 67m này được bà Trần Thị Tuyết cho thuê (thực tế là bán) trong thời gian là 99 năm (từ 1971-2070) với số tiền 50.000 đồng thời bấy giờ. Theo lời làm chứng của Mục sư Nguyễn Lập Mà, tạ ơn Chúa vì “có một nhà độc tài” đã xuất hiện bởi người này chỉ biết làm việc theo sự thúc giục của Chúa mà thôi. “Nhà độc tài” ấy chính là ông Lâm Khắc Phụng, người đã sẵn lòng làm tất cả những gì có thể. Chính ông đã dùng tiền của mình để mua đất, cất cơ sở nhà Chúa; cung phụ cấp cho sinh hoạt của tôi tớ Chúa và gia đình; giao xe cho chủ tọa làm phương tiện thăm viếng, chứng đạo. Trên miếng ruộng vừa mua, cơ sở đầu tiên được dựng lên để làm trung tâm truyền giáo cho người Việt gốc Khmer, cũng dùng làm nơi thờ phượng Chúa. Một bảng hiệu Hội Thánh viết bằng bốn ngôn ngữ Việt-Anh-Khmer-Hoa đã được dựng lên ngay khi vừa xúc tiến việc xây cất, thật ấn tượng như một lời công bố rằng “hạt giống Tin Lành đã được nảy mầm trên vùng đất này.” Chúa Nhật 11/07/1971, ngay tại cơ sở truyền giáo vừa xây xong, BUỔI NHÓM ĐẦU TIÊN được diễn ra và Hội Thánh Tin Lành Minh Lương đã được khai sinh trong sự hiệp một thờ phượng Chúa dưới sự hướng dẫn của Mục sư Nguyễn Lập Mà trong đó có sự dự phần của các gia đình tín hữu Cù Là. Theo Thánh Kinh Nguyệt San số 417, bản in tháng Bảy và Tám năm 1974 thì đến thời điểm đó, Mục sư Nguyễn Lập Mà trong 3 năm đã dẫn dắt được 67 người Việt gốc Khmer tiếp nhận Chúa . Mùa giáng sinh năm đầu tiên được tổ chức tại sân cơ sở truyền giáo, người tham dự gồm tín hữu và thân hữu đầy chật cả sân. Nên một thời gian sau đó, Hội Thánh đã tiến hành làm mới một ngôi nhà thờ với vật liệu tạm nhưng cũng đã sử dụng suốt gần 30 năm (đến năm 1999). Mùa hè năm 1973, đồng tâm tình với ông bà Mục sư Nguyễn Lập Mà, Truyền đạo sinh Bùi Văn Chí đã từ Thần Học Viện Nha Trang tình nguyện đến Minh Lương để cộng tác trong việc chinh phục người Khmer về với ơn cứu rỗi của Chúa. Ban Trị Sự Tổng Liên Hội nhận thấy tâm tình cũng như những kết quả từ chức vụ của Mục sư Nguyễn Lập Mà; đồng thời nhìn biết nhu cầu cần nghe Tin Lành cũng như được chăm sóc dạy đạo của tín hữu và người dân Việt gốc Khmer nên đã có Biên Bản số 3/74/BTS/TLH/193 bổ nhiệm Mục sư Nguyễn Lập Mà và Truyền đạo sinh Bùi Văn Chí làm truyền giáo. Như vậy kể từ tháng 7 năm 1974 ông bà Mục sư Nguyễn Lập Mà và Truyền đạo sinh Bùi Văn Chí là những vị truyền giáo đầu tiên cho người Việt gốc Khmer. Hội Thánh ngày càng phát triển, nhiều người được cứu được thêm vào HT. Đến cuối năm 1974, Truyền đạo sinh Bùi Văn Chí được Chúa kêu gọi và sai phái đến một cánh đồng mới. Thường xuyên nhóm họp thờ phượng Chúa lúc này có khoảng hai mươi (20) gia đình. Nhiều người Việt gốc Khmer tại Minh Lương và các khu vực lân cận tin Chúa rất đông, gia nhập thêm vào Hội Thánh. Ban Chấp Sự lúc bấy giờ có ông Lâm Khắc Phụng, Trương Văn Trung, Châu Minh Thuận và một số nghị viên cùng chung hiệp tác. Không lâu sau đó, tại Hội Đồng Địa Hạt Tây Nam Bộ năm 1976, Mục sư Nguyễn Lập Mà nhận trọng trách mới trong cương vị là Chủ Nhiệm Địa Hạt. “Đi không nỡ, ở không đành” là tâm trạng của ông bà Mục sư Nguyễn Lập Mà lúc bấy giờ. Với tấm lòng cưu mang công việc Chúa tại Minh Lương ông bà không muốn đi, với trọng trách tại Địa Hạt ông bà không thể khước từ. Và giữa Hội Đồng ông bà đã bày tỏ: “Nếu có ai nhận trách nhiệm tại Minh Lương, tôi mới về Địa Hạt.” Cho đến khi hội đồng kết thúc, mọi việc vẫn chưa giải quyết xong… Rời Hội Đồng trở về, ông bà Truyền đạo Lư Hồng Sơn, Chủ Tọa Hội Thánh Rạch Sỏi thao thức trước lời trần tình của Mục sư Nguyễn Lập Mà. Ông bà trăn trở: “Đã từng cộng tác với Ms Mà, rành rẽ Minh Lương…không mình thì ai bây giờ…” Sau khi cầu nguyện thật nhiều với Chúa, cuối cùng ông bà Truyền đạo Lư Hồng Sơn đã trình cho Ban Trị Sự Địa Hạt rằng ông bà sẽ tình nguyện đứng vào chỗ sứt mẻ tại Minh Lương để Mục sư Nguyễn Lập Mà có thể an tâm nhận trọng trách mới. GIAI ĐOẠN 2 (1976 – 1989) Ngay trong năm 1976 ông bà Truyền đạo Lư Hồng Sơn được đến Minh Lương để hầu việc Chúa. Thời gian này đời sống con cái Chúa rất là cơ cực, cuộc sống của tôi tớ Chúa cũng không hơn gì. Bà Truyền đạo phải đi bán khoai lang, hoặc sương sáo để kiếm thêm thu nhập, đời sống vật chất của chủ tọa và gia đình rất khó khăn Dù vậy, tấm lòng của ông Lâm Khắc Phụng không dời đổi, yêu mến Chúa và quý trọng đầy tớ của Ngài nên trong việc buôn bán ông luôn dành dụm những đồng tiền có được để rồi trong cương vị là thủ quỹ Hội Thánh, khi nhận biết số tiền dâng mỗi Chúa nhật không thể đáp ứng được chi phí của Hội Thánh và chi tiêu cho gia đình chủ tọa thì ông móc túi mình mà bù vào để có thể giúp chủ tọa đủ trang trải cho gia đình… Năm 1978 ông Lâm Khắc Phụng và gia đình tạm biệt Minh Lương, Hội Thánh thân yêu, để bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc sống. Ngày 20.5.1980 trong chương trình của Chúa, Ngài cho phép gia đình ông bà Võ Nhạn- được đến tại Minh Lương sinh sống và sinh hoạt gắn bó với Hội Thánh, để hầu gánh vác trọng trách mà Chúa sẽ đặt để. Giai đoạn này HT đối diện nhiều áp lực, có lúc cơ sở Hội Thánh đứng trước nguy cơ bị di chuyển, dời đổi đến nơi không phù hợp… Áp lực đè nặng, sự căng thẳng luôn vây phủ trên công việc Chúa và đầy tớ Ngài… Nhưng tạ ơn Chúa, mưu ý của con người đã thất bại… Từ khi được thành lập, cho đến nay Hội Thánh vẫn tọa lạc tại mảnh đất mà con cái Chúa đã dâng hiến cho Ngài. GIAI ĐOẠN 3 (1989 – 1995) Vì thế cuộc, giai đoạn này Hội Thánh thiếu vắng quản nhiệm. Bầy chiên không có người chăn dắt… Năm 1989, Ban Chấp Sự đã tiếp nối chức vụ của ông bà Mục sư Lư Hồng Sơn cùng nhau gánh vác công việc nhà Chúa… giai đoạn này Hội Thánh phải đối diện với vô vàn khó khăn. Trước nhu cần đó gia đình ông bà Võ Nhạn – Nguyễn Thị Lành, đang lúc bấy giờ bà là thành viên ban Trị sự với chức vụ thủ quỹ, đã dọn đến nhà thờ để ngày đêm trông coi nhà Chúa, tranh đấu để giữ gìn cả về cơ sở vật chất lẫn quyền được thờ phượng Chúa trong ngôi nhà thờ thân thương này – bất kể lúc ấy đất đai và nhà riêng của gia đình bị sự xâm lấn, chiếm dụng… Trong quyền năng tể trị của Chúa nhà thờ còn được mở cửa để con cái Ngài được thờ phượng Chúa, được nghe giảng dạy Lời Chúa. Công việc Chúa cứ thế được duy trì cách liên tục bất chấp tư bề khó khăn. Trong lúc thiếu vắng người chăn, để đáp ứng nhu cầu về Lời Chúa, trong giờ thờ phượng Chúa nhật bà thủ quỹ phải dùng những bài giảng đã tìm được trong sách vở của Hội Thánh để đọc lại, hoặc các băng cassette đã thâu những bài giảng của các Mục sư để phát lại cho Hội Thánh… Một thời gian dài sau đó thì thầy Nguyễn Thiên Lực mới được sự đồng ý để có thể chia sẻ Lời Chúa cho Hội Thánh. Con cái Chúa ở Cù Là bất kể đường xấu, sình lầy vẫn trung tín lên Minh Lương nhóm dù chỉ đi bộ; và những gia đình còn khắng khít với Hội Thánh từ thời điểm đó cho đến ngày nay như gia đình ông Nguyễn Thành Sơn, ông Châu Hoàng Huyền, ông Nguyễn Văn Phúc… Thời gian này, Chúa đã cảm động Mục sư Nguyễn Hữu Thế, chủ tọa Hội Thánh Rạch Giá, và cũng kiêm nhiệm Hội Thánh Minh Lương. Mặc dù đã cao tuổi, nhưng các Chúa nhật tuần thứ nhất và tuần thứ ba mỗi tháng, sau khi nhóm xong ở Hội Thánh Rạch Giá, Mục sư đã đều đặn vào Minh Lương để ban Tiệc Thánh và giảng dạy lời Chúa. Chúa cũng thúc giục thầy cô Nguyễn Thiên Lực hiệp sức với cụ Mục sư Nguyễn Hữu Thế lo gây dựng Hội Thánh. Thầy cô sẵn sàng với mọi công tác miễn sao có ích cho nhà Chúa sẵn sàng trong mọi công tác như: chăm sóc, thăm viếng, tập hát, dạy đàn, thúc giục các thanh thiếu niên đi học Thánh Kinh hè ở Hội Thánh bạn, Thánh Kinh Tiểu học đường Vĩnh Long. Đang đà phát triển thì tháng 10 năm 1994 bất ngờ cụ Mục sư Nguyễn Hữu Thế về Nước Chúa. Con cái Chúa tại Hội Thánh Minh Lương khóc rất nhiều khi chia tay với Cụ. Hội Thánh lại một lần nữa không người chăm lo, thầy cô Nguyễn Thiên Lực lại phải tiếp tục giúp đỡ cho Hội Thánh. Đồng thời Ban Hiệp nguyện Mục sư Truyền đạo tỉnh mời gọi quý Mục sư Chủ Tọa các Hội Thánh trong tỉnh thay phiên giảng dạy cho Hội Thánh Minh Lương. GIAI ĐOẠN 4 (1995 – 2022) Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của Hội Thánh, khi đó Ngài đã cảm động và sai phái thầy cô Truyền đạo Nguyễn Văn Nhánh, đang phụ tá Mục sư Trần Văn Ba, tại Hội Thánh Tân Hiệp đến nhận thánh vụ ở Minh Lương. Lễ bổ nhiệm tổ chức vào tháng 10 năm 1995, Hội Thánh rất vui mừng có được người chăn mới… Gắn bó với Hội Thánh, Mục sư Nguyễn Văn Nhánh đã gây dựng công việc Chúa ổn định và phát triển. Thời gian này, Tin Lành có dịp đến với khu vực Tân Thành. Bà Mục sư Nguyễn Ngọc Sơn (Cô Nga) cùng với chị là Cew ô Tiên nhân những ngày về thăm quê nhà, hai cô đã làm chứng và hướng dẫn một số người Khmer ở chung quanh nhà (tại Tân Thành) cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Lần hồi Tin Lành được lan truyền trong vòng bà con của các con cái Chúa ở các khu vực khác nữa và những băng ghế trống được lấp đầy. Nhưng vì công việc làm ăn không ổn định, con cái Chúa phải đi làm ăn xa, dù vậy mỗi ngày có nhiều người được cứu thêm vào Hội Thánh. Sau hơn 12 năm hầu việc Chúa tại Hội Thánh Minh Lương, năm 2007 Mục sư Nguyễn Văn Nhánh được Chúa dùng để chăm sóc bầy chiên của Ngài tại Giồng Riềng… Tháng 3 năm 2007 Mục sư Nguyễn Văn Nhánh và gia đình nhận trọng trách tại Hội Thánh Giồng Riềng. Cùng thời gian này Tổng Liên Hội đang phân bổ các Mục sư Nhiệm chức, nguyên là sinh viên khóa I Viện Thánh Kinh Thần Học đến các Hội Thánh. Tạ ơn Chúa, trong sự dự liệu của Ngài, Chúa đã sai phái Mục sư Nhiệm chức Lê An Viên đến Hội Thánh Minh Lương để tiếp nối các tiền nhân, tiền nhiệm tiếp tục chăn giữ bầy chiên của Chúa… Buổi Lễ Bổ Nhiệm chức vụ Quản Nhiệm cho Mục sư Nhiệm chức Lê An Viên đã diễn ra vào ngày 15/06/2007 Lại một lần nữa như cây mới được tưới nước, quản nhiệm nung đúc tinh thần, con cái Chúa hưởng ứng tham gia. Hội Thánh đẩy mạnh việc thăm viếng, chăm sóc, chứng đạo qua các nhân sự và dây chuyền từ các tân tín hữu, nhiều người được cứu thêm vào Hội Thánh. Hội Thánh có nhiều khu vực mới, Chúa cũng dùng nhiều người tham gia vào các ban ngành trong Hội Thánh. Đầu năm 2009 sau gần bốn thập kỷ tự dưỡng, Chi Hội Minh Lương mới chập chững bước lên tự trị. Tạ ơn Chúa mỗi ngày nền tài chánh của Hội Thánh được lập vững, mọi công tác trong Hội Thánh đều cậy đức tin mà thực hiện, Chúa nhậm lời cầu nguyện và ban cho đầy đủ sự nhu cần. Các cánh đồng Truyền Giáo được thêm lên, khoảng 20 khu vực có khá đông con cái Chúa thuộc nhiều huyện như Minh Lương, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao… Từ 350 tín hữu năm 2007 đến nay đã hơn 600 con cái của Chúa cả cũ lẫn mới cần được chăm sóc thăm viếng, dạy đạo. Các khu vực cách nhà thờ trung bình từ 4-10 km, có gần 50% số khu vực cách nhà thờ từ 30-70 km. Đặc biệt tại khu vực Tân Thành đến nay đã có trên 100 tín hữu. Với sự dâng hiến của con cái Chúa các nơi, nên đã mua được đất, đã xây dựng một cơ sở, và chờ đợi được phê duyệt công nhận Chi Hội… Được sự quan tâm khích lệ và dâng hiến của nhiều con cái Chúa trong và ngoài nước, Hội Thánh đã xây dựng hàng rào bên hông nhà thờ, san lấp khu vực phía trước tư thất và khu vực sân giữa tư thất và nhà thờ… Xây cất khu để xe liền kề với nhà ăn, tạo mặt bằng rộng đáp ứng nhu cầu các chương trình lớn, đông người. GIAI ĐOẠN KHỦNG HOẢNG & CHIA RẼ (2012-2013) Cuối năm 2012, MSNC Lê An Viên bị lôi cuốn theo phong trào tiếng lạ và ân tứ. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi MSNC Lê An Viên ly khai khỏi Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và lôi kéo theo một số đông con cái Chúa. Trước tình hình đó, Tổng Liên Hội đã ra biên bản không còn công nhận MSNC Lê An Viên là giáo phẩm của HTTLVN, đồng thời bổ nhiệm MS Nguyễn Ngọc Nhỏ quản nhiệm Chi Hội An Hòa về kiêm nhiệm Chi Hội Minh Lương (2013). Giai đoạn này Hội Thánh sa sút nghiêm trọng, một số con cái Chúa ly khai khỏi Hội Thánh để đi theo ông Lê An Viên, một số khác thì bất mãn bỏ nhóm, nên Hội Thánh còn nhóm lại rất thưa thớt, nhiều ban ngành trong Hội Thánh đã tạm ngưng và không còn hoạt động TỪ 2014 ĐẾN 2022 Trước tình trạng cấp bách của Hội Thánh về một tân quản nhiệm. Ban Trị Sự TLH đã họp bàn với BCS về việc Hội Thánh sẽ trao quyền tùy chọn và bổ nhiệm quản nhiệm cho BTS-TLH, thay vì Hội Thánh sẽ tổ chức hội đồng lưu mời theo hiến chương. Tất cả vì nhu cầu cấp thiết Hội Thánh cần có một người chăn để dẫn dắt bầy chiên của Chúa, và Hội Thánh cùng BCS đã đồng ý. Ngày 20/5/2014, lễ bổ nhiệm MSNC Nguyễn Hữu Dũng được tổ chức cách trọng thể với sự tham dự của trên 300 tôi con Chúa trong và ngoài Hội Thánh. Đứng trước hiện tình của Hội Thánh, mục sư quản nhiệm đã cùng BCS họp bàn, lập bản kế hoạch từng bước trong 4 năm và bắt tay vào công tác gây dựng như: thăm viếng, gom nhóm các con cái Chúa bỏ nhóm, từng bước khôi phục sinh hoạt lại các ban ngành và đẩy mạnh công tác chứng đạo, mở mang Hội Thánh mới. Tạ ơn Chúa, sau năm đầu, các sinh hoạt chung của Hội Thánh đã từng bước được phục hồi, các con cái Chúa như bầy chiên tản lạc đã được gom bó. Hội Thánh nhóm lại mỗi tuần trung bình 60 tín hữu. Một năm sau, ngày 15/6/2015, Điểm Nhóm Giục Tượng đã được MS quản nhiệm xin phép và chính quyền cho phép tái hoạt động, nhóm lại hằng tuần vào mỗi chiều Chúa nhật. Vì nhu cầu của Hội Thánh, nên ngày 16/10/2015 TLH đã bổ nhiệm TĐ Lê Văn Hiếu về phụ tá quản nhiệm Chi Hội Minh Lương và kiêm đặc trách Điểm Nhóm Giục Tượng. Tạ ơn Chúa, sau hơn 3 năm hoạt động và chờ đợi… Ngày 13/4/2018 Chi Hội Giục Tượng được chính quyền chấp thuận đơn xin thành lập Chi Hội. Ngày 28/5/2018 lễ công bố thành lập Chi Hội Giục Tượng đã được tổ chức cách trọng thể và tách rời khỏi Hội Thánh mẹ Minh Lương với 92 tín hữu. Hội Thánh lại một lần nữa giảm sút tín hữu. Trước tình hình đó, mục sư quản nhiệm cùng Ban truyền giáo đã hướng đến một vùng đất mới tại Vĩnh Thuận, một vùng trắng về Tin Lành và sau gần 4 năm hoạt động, Hội Thánh đã tạo mãi được cơ sở để mở một Hội Thánh mới tại đây với hàng trăm tân tín hữu tiếp nhận Chúa. VỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI Song song với việc gây dựng về thuộc linh, Hội Thánh cũng đặt mục tiêu hướng ra cộng đồng qua các mục vụ xã hội như:
CƠ SỞ HẠ TẦNG Song song với việc củng cố sinh hoạt thuộc linh của Hội Thánh cũng như đẩy mạnh công tác mở mang vương quốc của Chúa qua công tác xã hội, thì Hội Thánh cũng nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng của HT như:
Tạ ơn Chúa, nối tiếp bậc tiền nhân là những người đã đặt nền móng cho việc thành lập Hội trải qua chiều dài 50 năm (1971-2021), dầu trải qua nhiều sóng gió, nhưng tạ ơn Chúa đã gìn giữ Hội Thánh Chúa được bình tịnh và phát triển vững vàng như ngày hôm nay, ấy cũng bởi lòng thương xót của Chúa. Hôm nay, nhìn lại để hết lòng dâng lời tạ ơn Chúa. |
TTV. MS Trần Văn Võ
Hình ảnh: TĐ Đặng Phú Thành