Kiềm Chế Cơn Giận – 24/2/2019

2986

 

Gióp 32:5, 10-22

 5 Vậy, khi Ê-li-hu thấy chẳng còn câu trả lời chi nơi miệng của ba người kia nữa, cơn thạnh nộ người bèn phừng lên. 

   10 Bởi cớ ấy tôi nói rằng: Hãy nghe tôi;
Phần tôi cũng sẽ tỏ ra ý tưởng của tôi.
11 Kìa, tôi đã chờ đợi nghe các lời của các anh,
Lắng tai nghe những lời luận biện các anh,
Cho đến khi các anh đã tra xét đều cho xong.
12 Thật, tôi có chăm chỉ nghe các anh,
Thấy chẳng một ai trong các anh thắng hơn Gióp,
Hoặc đáp lời của người được.
13 Chớ nói rằng: Chúng ta tìm được khôn ngoan;
Đức Chúa Trời thắng hơn người được, loài người chẳng làm đặng.
14 Vả, Gióp không có tranh luận với tôi,
Vậy, tôi sẽ chẳng dùng lời các anh mà đáp lại người.

15 Họ sửng sốt không đáp chi nữa;
Đã cạn lời hết tiếng rồi.
16 Tôi há phải chờ đợi, vì họ hết nói,
Không còn trả lời gì nữa sao?
17 Theo phiên tôi cũng sẽ đáp lời chớ;
Tôi cũng tỏ ra ý tưởng mình chớ;
18 Vì tôi đã đầy dẫy lời nói,
Trí trong lòng tôi cảm giục tôi nói.
19 Nầy, lòng tôi như rượu chưa khui,
Nó gần nứt ra như bầu rượu mới.
20 Tôi sẽ nói và được nhẹ nhàng;
Tôi sẽ mở môi miệng ra và đáp lời.
21 Tôi sẽ chẳng tư vị ai,
Không dua nịnh bất kỳ người nào.
22 Vì tôi chẳng biết dua nịnh;
Nếu dua nịnh, Đấng Tạo Hóa tôi hẳn trừ diệt tôi tức thì. 

Câu gốc: Kẻ ngu muội tỏ ra sự nóng giận mình; Nhưng người khôn ngoan nguôi lấp nó và cầm giữ nó lại” (Châm Ngôn 29:11).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao ông Ê-li-hu muốn mọi người nghe ông nói? Ông so sánh sự đè nén trong lòng ông như thế nào? Làm thế nào chúng ta kiềm chế được cơn giận?

Vì không thể kiềm chế được cơn giận (câu 5), ông Ê-li-hu nghĩ rằng mình cần phải bày tỏ ý tưởng của mình. Ông cho rằng “trí trong lòng tôi cảm giục tôi nói,” và so sánh sự đè nén những lời trong lòng ông như bầu da đầy rượu bị nén tới mức có thể nổ tung bất cứ lúc nào, nên ông phải nói để được nhẹ nhàng (18-22). Trong cơn giận, ông nghĩ ý tưởng của ông khôn ngoan hơn ý tưởng của ông Gióp và ba bạn cao tuổi của ông Gióp. Ông nói “hãy nghe tôi” vì tin rằng ý tưởng của ông là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề bế tắc mà ông Gióp và các bạn ông đang đối diện. Ông Ê-li-hu tin rằng ông sẽ không thiên vị vì ông Gióp và các bạn của ông Gióp không tấn công cá nhân ông (câu 14, 21-22). Tuy nhiên, ông không hoàn toàn giữ đúng lời hứa. Có thể ông Ê-li-hu vô tư, lòng “không dua nịnh bất kỳ người nào”, nhưng chắc chắn là ông không trung lập. Trong cơn giận, những lời ông nói ra mang tính cá nhân nhiều hơn. Ông chỉ trích các bạn ông Gióp “chẳng một ai trong các anh thắng hơn Gióp, hoặc lời của người được” (câu 13), nhưng thật ra những lý luận của ông sau này cũng chẳng thuyết phục được ông Gióp. Ông cho rằng chính thần linh của Chúa thúc giục ông, nhưng Chúa hoàn toàn không đề cập đến lời ông Ê-li-hu nói. Cơn giận đã khiến cho ông Ê-li-hu mất khôn.

Trong cuộc sống, vì không kiềm chế được cơn giận, nhiều người đã có những hành động dẫn đến tội lỗi. Vì giận, ông Ca-in đã giết em mình là ông A-bên để rồi phải chịu hình phạt trọn đời (Sáng Thế Ký 4:5-8). Lời Chúa dạy:Kẻ ngu dại bộc lộ cơn giận dữ của mình, còn người khôn ngoan kiên nhẫn kiềm chế nó” (Châm Ngôn 29:11 BTTHĐ). Hay “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu muội” (Truyền Đạo 7:9). Con người ai cũng có lúc vui mừng, cũng có lúc buồn giận. Giận là điều bình thường, nhưng đừng để vì “giận mà mất khôn”. Như tiên tri Giô-na nói: “Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn và đổi ý không xuống tai họa” (Giô-na 4:2c), nên khi Chúa chậm giận với chúng ta, chúng ta cũng phải biết chậm giận với người khác. Đôi lúc chúng ta giận những vấn đề rất nhỏ mà không quan tâm đến việc lớn như Tiên tri Giô-na giận con sâu chích làm cho dây dưa héo, nhưng quên đi sự sống của hơn một trăm hai mươi ngàn người (Giô-na 4). Xin Chúa cho qua bài học về cơn giận của ông Ê-li-hu, chúng ta biết kiềm chế cơn giận của mình, và sống khôn ngoan trong mọi lúc mọi nơi.

Bạn có tìm đến Chúa để xin Ngài giúp bạn kiềm chế cơn giận không?

Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì Ngài luôn chậm giận và tha thứ tội con đã phạm. Xin Chúa cho con kiềm chế được những cơn giận và luôn hành động trong sự nhân từ, yêu thương như Lời Chúa dạy.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lu-ca 21.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcĐược Rửa Sạch –  23/2/2019
Bài tiếp theoNgười Xứng Đáng Được Chọn – 25/2/2019