Vào ngày 25 tháng Mười năm 2010, tôi bị chẩn đoán bệnh ung thư.
Dĩ nhiên, tôi là người nhận cú điện thoại của bác sĩ và đã lùng sục trên Internet để tìm thông tin về căn bệnh ung thư hiếm gặp này. Rồi khi tin tức từ từ lan truyền trong Hội Thánh nhỏ như một gia đình, thì các anh chị em trong Chúa cùng nắm tay chồng tôi, các con tôi và chính tôi. Họ mang lấy gánh nặng của chúng tôi và khóc với chúng tôi.
Ung thư không phải chỉ là bài tập Chúa giao cho tôi để làm vinh hiển danh Ngài trong sự đau khổ. Ngài cũng giao bài tập khó khăn này cho cộng đồng của tôi nữa.
Khi một thuộc viên trong Hội Thánh mắc ung thư, chúng ta có được cơ hội đặc biệt để bày tỏ tình yêu thương của Đấng Christ bằng cách cùng làm việc với nhau để đáp ứng nhu cầu tâm linh, thể chất và tình cảm của người đó. Mục sư, Chấp sự, bạn bè và những người quen biết đều có vai trò của mình.
Khi chúng ta hiểu cảm giác và những nhu cầu của bệnh nhân ung thư trong hội chúng của mình, thì chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để đến bên cạnh họ bằng tình yêu và sự giúp đỡ. Dưới đây là ba cách thiết thực chúng ta có thể giúp họ:
- Đáp ứng nhu cầu tình cảm bằng cách thể hiện sự cảm thông
Lần đầu tiên nhận kết quả chẩn đoán, tôi nói với bác sĩ “Không biết bác sĩ có thể cho tôi biết tôi còn sống được một năm, năm năm hay bao nhiêu năm không?” Câu trả lời của bác sĩ không đem lại sự an ủi nào khi ông nói: “Chúng tôi chưa biết”.
Chẩn đoán ung thư dẫn đến hàng loạt câu hỏi khó trả lời. Lượng giá bệnh tình ra sao? Việc chữa trị có hiệu quả không – và nếu không hiệu quả thì chúng ta sẽ làm gì tiếp theo? Khả năng tái phát ra sao? Trong nhiều trường hợp, đây là những câu hỏi không thể trả lời cách chắc chắn.
Khi người bạn bị ung thư của chúng ta phải vật lộn với sự mơ hồ như vậy, chúng ta có thể bắt đầu bước vào nỗi đau của người ấy và lắng nghe cách sâu sắc. Rồi chúng ta có thể nhẹ nhàng chỉ người đó đến với hy vọng chắc chắn không thay đổi trong Đấng Christ. Khi bạn mình cảm thấy choáng váng bởi những điều họ không biết, hãy khích lệ người ấy bám lấy điều họ đã biết, đó là những lời hứa chắc chắn, không bao giờ chấm dứt trong Lời Đức Chúa Trời.
Chúng ta cũng có thể hết lòng yêu thương những bệnh nhân ung thư bằng cách cho họ biết rằng chúng ta không quên họ. Trong suốt những tháng điều trị, hầu như tôi không thể tham dự giờ thờ phượng chung. Sự mệt mỏi khiến tôi không thể có mặt trong hầu hết các sự kiện xã hội, và gia đình tôi cũng không còn tham gia những hoạt động chúng tôi thường làm. Chúng tôi như đang trong tình trạng sống chỉ đề tồn tại mà thôi.
Nhưng cộng đồng đã cho tôi thấy rằng “xa mặt” không có nghĩa là “cách lòng” bằng cách tiếp tục thăm viếng, nhắn tin và gửi thiệp cho tôi. Những việc làm đó nhắc nhở tôi rằng dù tôi cô đơn về mặt vật lý, nhưng tôi không thật sự đơn độc. Tôi được bao phủ trong tình yêu thương.
- Tập hợp cộng đồng để đáp ứng nhu cầu thuộc thể
Nhu cầu thuộc thể và hậu cần của bệnh nhân ung thư có thể là từ vài bữa ăn sau phẫu thuật cho đến sự giúp đỡ về tài chính, chăm sóc vườn tược, giặt giũ, dọn dẹp, trông con, phương tiện đi lại và thức ăn kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm. Nhu cầu tình cảm sẽ được đáp ứng chủ yếu từ những bạn bè thân thiết, còn những nhu cầu thuộc thể tạo cơ hội để những người quen biết với người bệnh đến bên cạnh gia đình bệnh nhân.
Khi ai đó choáng váng vì mới biết mình mắc bệnh, thật khó để người đó sắp xếp việc tiếp nhận sự giúp đỡ từ người khác. Hội Thánh có thể hỗ trợ cất bớt gánh nặng này khỏi người bệnh và gia đình người bệnh. Người có ơn tổ chức có thể nói chuyện với gia đình về những nhu cầu liên quan đến hậu cần và các nguồn lực có sẵn. Nói gia đình để cho người có ơn điều phối sắp xếp những lời đề nghị giúp đỡ sao cho đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.
Một trong những cách hay nhất mà bạn bè có thể hỗ trợ là đem thức ăn đến. Gia đình chúng tôi nhận bữa ăn mỗi tuần ba lần trong hơn tám tháng. Vậy tổng cộng là 100 bữa ăn. Người điều phối việc ăn uống sắp lịch luân phiên cho các tín hữu, bạn bè và hàng xóm. Mạng lưới hỗ trợ rộng hơn giúp giảm bớt gánh nặng trên hội chúng non trẻ của chúng tôi, và cho nhiều người có cơ hội phục vụ.
- Đáp ứng nhu cầu tâm linh bằng sự khích lệ theo Kinh Thánh
Đời sống tâm linh của tôi thay đổi đáng kể từ khi mắc bệnh ung thư. Trước kia, tôi chưa bao giờ tin chắc vào lẽ thật về bản tính của Đức Chúa Trời – và chưa hề thấy cần được nhắc nhở liên tục về lẽ thật đem đến sự nâng đỡ này. Chúa đã dùng thân thể của Ngài để nâng tôi lên khi tôi không chắc mình có thể đứng dưới sức nặng của nỗi đau đớn.
Tôi được khích lệ và mạnh mẽ hơn mỗi lần nhận được tin nhắn chỉ đơn giản thế này “Chị không cần trả lời tin nhắn, tôi muốn chị biết rằng tôi đang cầu nguyện cho chị.” Khi bộ não của tôi lơ tơ mơ vì hóa trị, thì tôi phải vật lộn với việc tập trung khi đọc Kinh Thánh. Tôi thích có những người bạn nhắc tôi về sự hiện diện của Chúa bằng cách gửi cho tôi những câu Kinh Thánh, những lời thánh ca, và những đường dẫn để xem video về các bài hát thờ phượng.
Ngoài ra, hãy cẩn thận trước những thông điệp sai trật về sự đau khổ mà người bạn mắc ung thư có thể nghe từ người khác. Những thông điệp như “bệnh tật là hậu quả của tội lỗi kín giấu trong đời sống”, hay “người bệnh cần ‘tuyên bố mình được chữa lành’ bằng đức tin không dao động”, hoặc những quan điểm tương tự đều không phù hợp với Kinh Thánh. Hội Thánh của bạn cần nâng đỡ người bệnh bằng cách học biết lẽ thật của Chúa và giúp người ấy có được cách nhìn của Kinh Thánh về sự chịu khổ.
Bạn thân mến, điều này không dễ dàng. Chúng ta sẽ có những hành động sai lầm và phải chịu đựng những cuộc chạm trán khó chịu. Chúng ta có thể cảm thấy chán nản hay bất lực khi nhìn thấy bạn bè chịu khổ.
Nhưng như Rô-ma 5 có hứa, lòng của chúng ta và Hội Thánh sẽ vững mạnh, vì sự chịu khổ sinh sự nhịn nhục, sự rèn tập và hy vọng trong tình yêu của Chúa. Đấng sẽ lau mọi giọt nước mắt của chúng ta nhìn thấy nhu cầu và nỗi đau của bạn bè chúng ta.
Chúng ta có thể tin cậy vào sự thành tín của Cứu Chúa, là Con người đau khổ và là Người Bạn toàn hảo, khi chúng ta chia sẻ nỗi đau với người khác.
Tác giả: Marissa Henley
Người dịch: Khuê Trần
Nguồn: www.thegospelcoaliation.org