I Cô-rinh-tô 6:1-8
1 Khi trong anh em ai có sự nghịch cùng người khác, sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các thánh đồ? 2 Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian sao? Ví bằng thế gian sẽ bị anh em xét đoán, thì anh em há chẳng đáng xét đoán việc nhỏ mọn hơn sao? 3 Anh em chẳng biết chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ sao? Huống chi việc đời nầy! 4 Vậy khi anh em có sự nghịch cùng nhau về việc đời nầy, sao lấy những kẻ không kể ra chi trong Hội thánh làm người xét đoán! 5 Tôi nói thế làm cho anh em hổ thẹn. Ấy vậy, trong vòng anh em chẳng có một kẻ khôn ngoan nào phân xử được giữa anh em mình hay sao? 6 Nhưng anh em kiện anh em, lại đem đến trước mặt kẻ chẳng tin! 7 Thật vậy, anh em có sự kiện cáo nhau, là phải tội rồi. Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao chẳng đành sự gian lận là hơn! 8 Nhưng chính anh em làm ra sự trái lẽ, chính anh em gian lận, lại làm thể ấy cho người anh em nữa!
Câu gốc: “Thật vậy, anh em có sự kiện cáo nhau, là phải tội rồi. Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao chẳng đành sự gian lận là hơn!” (câu 7 BTT).
“Thật vậy, chỉ việc kiện tụng nhau đã là một thất bại rồi. Thà rằng anh em cam chịu bất công có hơn không? Thà cam chịu bị lừa gạt có hơn không?” (câu 7 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô khuyên các tín hữu Cô-rinh-tô nên giải quyết tranh chấp như thế nào (câu 5)? Ông đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất cho trường hợp này là gì? Bài học thách thức chúng ta điều gì?
Các tín hữu Cô-rinh-tô không tự giải quyết những mâu thuẫn với nhau mà lại đưa nhau ra tòa. Sau khi Sứ đồ Phao-lô chỉ cho họ thấy địa vị cao trọng mà họ đã nhận được trong Đức Chúa Giê-xu Christ, ông khuyên họ nếu cần thiết phải phân xử thiệt hơn thì nên tìm giữa vòng anh em, những người đã được xưng công bình trong Danh Đức Chúa Giê-xu Christ, được ban cho sự khôn ngoan của Thánh Linh để phân biệt đúng sai, sẽ phân xử giữa những anh em đang có sự tranh chấp này (câu 5). Tuy nhiên, ở những câu tiếp theo ông đưa ra một giải pháp tối ưu hơn hết, đó là thà chịu bất công, chấp nhận sự thiệt thòi về mình (câu 7) thì mọi bất đồng sẽ tan biến.
Hai câu hỏi của Sứ đồ Phao-lô trong câu 7 vừa là giải pháp hữu hiệu cho những người được Đức Chúa Trời kể là công bình, vừa là lời thách thức cho những ai đang ở trong hoàn cảnh này. Bởi vì khi được sở hữu giá trị thuộc linh cao quý thì mỗi người đã nhận lãnh sự tha thứ vô điều kiện của Đức Chúa Trời cho những điều sai phạm của chính mình. Những tổn thương, những thiệt hại mà mình phải gánh chịu để có được anh em, đâu đáng gì so với những điều thương tổn, sỉ nhục mà Đức Chúa Giê-xu Christ đã vui gánh thay cho chúng ta mỗi ngày (Thi Thiên 68:19). Vì thế, nếu không phải vấn đề tín lý tà giáo, hay tội lỗi, thì giải pháp của Sứ đồ Phao-lô là nên sẵn lòng chịu bất công và thiệt thòi, thà cái tôi của chúng ta chịu tổn thương hơn là thân thể Chúa bị thương tổn.
Nhường nhịn nhau, chịu thiệt thòi về mình, là đức tính của người trưởng thành trong Chúa. Nhường nhịn đòi hỏi phải chấp nhận một số thương tổn và thiệt thòi về mình. Song những điều mà người ấy cũng như Hội Thánh Chúa nhận được lại có giá trị vô cùng lớn lao. “Thà anh em cam chịu bất công có hơn không? Thà cam chịu bị lừa gạt có hơn không?” – đây là lời thách thức các tín hữu Cô-rinh-tô và cũng là lời thách thức cho mỗi chúng ta khi đối diện với những tranh chấp trong cộng đồng đức tin. Những trải nghiệm phước hạnh thuộc linh sẽ giúp chúng ta dễ dàng áp dụng lời khuyên của Sứ đồ Phao-lô như giải pháp hữu hiệu cho riêng mình trong những hoàn cảnh phải đối diện.
Bạn có vui lòng vì Danh Chúa để chịu lấy những bất công và thiệt thòi về mình không?
Kính lạy Đức Chúa Trời! Xin giúp con yêu Ngài sâu sắc hơn mỗi ngày, sẵn lòng vì Danh Chúa gánh chịu sự bất công, thiệt thòi để gìn giữ sự hiệp một giữa vòng anh chị em cùng đức tin.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sa-mu-ên 19.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org