Phi-lê-môn 1-3
1 Phao-lô, kẻ tù của Đức Chúa Jêsus Christ, và Ti-mô-thê, anh em chúng ta, gởi cho Phi-lê-môn, là người rất yêu dấu và cùng làm việc với chúng ta, 2 cùng cho Áp-bi là người chị em, A-chíp, là bạn cùng đánh trận, lại cho Hội thánh nhóm họp trong nhà anh:3 nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ!
Câu gốc: “Phao-lô, kẻ tù của Đức Chúa Giê-xu Christ, và Ti-mô-thê, anh em chúng ta, gửi cho Phi-lê-môn, là người rất yêu dấu và cùng làm việc với chúng ta” (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô nhận biết Đức Chúa Trời là ai và địa vị của ông là gì? Nhận thức này có tầm quan trọng thế nào? Đức Chúa Trời đang là ai đối với bạn?
Thư Phi-lê-môn được Sứ đồ Phao-lô viết khi đang ngồi tù tại La Mã, và gửi cho ông Phi-lê-môn, một tín hữu và là một địa chủ giàu có tại Cô-lô-se. Bức thư được viết nhằm mục đích kêu gọi ông Phi-lê-môn tha thứ và chấp nhận nô lệ của ông là ông Ô-nê-sim, người đã trộm cắp hoặc làm thiệt hại tài sản của ông Phi-lê-môn và bỏ trốn (câu 18).
Là một vị sứ đồ được tôn trọng, nhưng mở đầu lời yêu cầu của mình, ông Phao-lô đã tự xưng là “kẻ tù của Đức Chúa Giê-xu Christ.” Và vì ông Phi-lê-môn là “người rất yêu dấu và cùng làm việc với chúng ta” (câu 1), cho nên ông Phi-lê-môn cũng là “kẻ tù của Đức Chúa Giê-xu Christ. ”Nói cách khác, Sứ đồ Phao-lô, ông Phi-lê-môn, các ông Ti-mô-thê, Áp-bi, A-chíp, và cả Hội Thánh, đều là những “kẻ tù của Đức Chúa Giê-xu Christ.” Tại đây, Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở ông Phi-lê-môn, người mà ông sẽ cầu xin một đặc ân sau này, nhớ rằng tất cả những người tin nhận Chúa Giê-xu đều là những “kẻ tù” của Ngài. Không ai có một quyền hạn nào cả, cũng không ai sở hữu một điều gì cả. Mọi sự của một Cơ Đốc nhân đều thuộc về Đức Chúa Trời, kể cả sự sống hay tài sản của người đó.
Rất nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay gặp khó khăn trong việc phục vụ Chúa, dâng hiến,hay tha thứ cho người khác, vì không nhận ra lẽ thật này. Nhiều Cơ Đốc nhân vẫn đang sống như một người độc lập, có quyền trên mọi quyết định của đời sống mình mà quên rằng “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20).
Hơn thế nữa, những người thuộc Chúa Giê-xu còn nhận được “ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Giê-xu Christ!” (câu 3). Là Cơ Đốc nhân, chúng ta là những “kẻ tù”, nhưng là những “kẻ tù”phước hạnh vì được ở trong “ân điển và sự bình an”của Đức Chúa Trời. Khi viết thư gửi cho Hội Thánh Ê-phê-sô, Sứ đồ Phao-lô nói rằng: “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 1:7). Khi một người thật sự ý thức Đức Chúa Trời là ai và Ngài đã làm gì cho đời sống mình thì người đó sẽ sống cuộc đời biết ơn Chúa, yêu kính Chúa và yêu thương người khác (Ê-phê-sô 4:32).
Nếp sống bạn thể hiện những điều gì chứng tỏ Chúa là Chủ của mình?
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì đã yêu thương con, đã cứu con, và cho con được phục vụ Ngài. Xin Chúa luôn làm Chủ đời sống con và giúp con sống vui lòng Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 31.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org