Dấu Ấn Lịch Sử – Nhìn lại Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam – HTTLVN (MN).

3488

 HTTLVN.ORG – “Việc Chúa Làm” – Chủ đề của Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam không chỉ nhắc lại những ơn phước lớn lao Chúa đã làm trên đất nước, dân tộc và Hội Thánh Chúa tại Việt Nam trong suốt một thế kỷ qua không thôi, mà đó còn là nội dung mô tả về những phước hạnh ngập tràn trong 2 Chương trình lễ diễn ra ở Đà Nẵng (14-16/6/2011) và TP HCM (23-24/6/2011). Đức Chúa Trời đã bày tỏ vinh quang của Ngài giữa vòng tôi con Chúa và cả những người chưa biết đến Chúa để danh Ngài được tôn cao, được vang ra và hàng ngàn người chạy đến tiếp nhận Phúc Âm Cứu Rỗi.

“Việc Chúa Làm” – Những Thời Khắc Lịch Sử

Năm 2011 ghi dấu Tin Lành của Chúa Giê-xu đến Việt Nam và thành lập Hội Thánh của Ngài tròn 100 năm (1911-2011). Vì vậy, mỗi tôi con Chúa sống trong giai đoạn này đang chứng kiến những thời khắc đặc biệt, thời khắc lịch sử của Giáo hội để ôn lại Việc Chúa Làm trong suốt một thế kỷ. Do đó, từ nhiều tháng, thậm chí là từ vài năm qua tất cả đều hướng về Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam.

Mọi công tác chuẩn bị đều được bắt đầu từ rất sớm, đặc biệt là kể sau khi BTS/TLH quyết định chọn địa điểm tổ chức chính là TP Đà Nẵng – Nơi Phúc Âm được rao giảng đầu tiên tại Việt Nam và Hội Thánh đầu tiên cũng được thành lập tại đây. Có thể nói Đà Nẵng là chiếc nôi của Tin Lành Việt Nam, vì vậy chọn TP Đà Nẵng làm nơi tổ chức chính cho Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam là điều rất thích hợp. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã sắm sẵn tại nơi đây Cung Thể Thao Tiên Sơn – Một công trình có thiết kế độc đáo, hiện đại bậc nhất Đông Nam Á hiện nay với nguồn vốn xây dựng hơn 1000 tỉ đồng, chỉ vừa được đưa vào sử dụng cuối tháng 12/2010.

Ngày từ rất sớm, ngày 20/12/2010, TLH/HTTLVN (MN) đã trình đơn lên Ban Tôn giáo Chính phủ xin phép được tổ chức Lễ Kỷ Niệm 100 năm Tin Lành Truyền đến Việt Nam tại TP. Đà Nẵng (14-16/6/2011) và TP. HCM (23-24/6/2011). Sau gần 4 tháng chờ đợi, đến ngày 14/4/2011 Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi văn bản chấp thuận về “nguyên tắc” cho phép tổ chức chương trình và yêu cầu BTC làm việc theo hướng dẫn cụ thể của UBND TP Đà Nẵng và TP HCM – nơi diễn ra chương trình.

Cũng trong thời gian này, Ban Tổ chức (BTC) đã thành lập 16 tiểu ban, kêu gọi sự cộng tác của hàng ngàn nhân sự là những tôi tớ con cái Chúa ở khắp nơi, đặc biệt là tại TP. HCM, TP. Đà Nẵng và vùng phụ cận. Tất cả đều sẵn sàng, sốt sắng và hết lòng cho công việc Chúa qua kỳ lễ đặc biệt này. Khắp các nhà thờ trên cả nước, băng rôn, biểu ngữ chào đón sự kiện 100 Năm Tin lành truyền đến Việt Nam cũng đã được giăng lên từ nhiều ngày qua. Trong những thông báo, tin tức của mỗi Hội thánh đều kêu gọi cầu nguyện cho Lễ kỷ niệm càng làm nóng thêm tinh thần của con dân Chúa. Đặc biệt trong kỳ đại lễ lần này, BTC đã sử dụng mạng lưới Internet thông qua 2 website www.httlvn.org www.hoithanh.com để truyền hình trực tuyến cũng như liên tục tường thuật cập nhật những thông tin và hình ảnh về chương trình Lễ để tôi con Chúa khắp nơi trên thế giới có thể theo dõi chương trình.

Chủ đề được chọn cho Lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam là VIỆC CHÚA LÀM để dân sự Chúa cùng chiêm ngưỡng lại ơn phước Chúa ban trên đất nước, dân tộc và Hội Thánh Chúa tại Việt Nam trải qua “Chặng Đường 100 Năm” để cùng “Chung Lời Tạ Ơn Chúa”, nhớ ơn tiền nhân. Tin rằng “Chúa Không Hề Quên” công khó của những cuộc đời đã tận hiến cho Ngài, gieo trồng, gây dựng để “Hội Thánh Ngày Nay” được phát triển và “Hướng Đến Tương Lai” trong sự kết ước hầu việc Chúa cách hết lòng để vương quốc Đức Chúa Trời ngày càng mở rộng trên đất nước hình chử “S” thân yêu này. (1)

1

TP. Đà Nẵng – Bài Ca Từ Thập Tự Giá

TP Đà Nẵng trong những ngày đầu tháng 6 trở nên rộn ràng hơn khi có hàng ngàn người từ khắp mọi miền đất nước và cả hải ngoại xa xôi đều hướng về trong tinh thần mong mỏi được tham dự chương trình “Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam”. Hầu như tất cả các khách sạn đều “cháy” phòng. Máy bay, tàu hỏa, xe khách đều có nhiều người đặt vé từ trước. Đặc biệt hơn khi những ngày giáp lễ, các hãng vận chuyển hành khách bắt đầu trở nên những “máy bay Tin Lành”, “chuyến tàu hay chuyến xe Tin Lành” vì quá nữa trong những chuyến đi ấy là những tôi con Chúa về Đà Nẵng dự Lễ. Mọi người “tay bắt mặt mừng”, “vui mừng hớn hở” khi được gặp nhau trong gia đình của Đức Chúa Trời.

Trong những ngày đại Lễ, mới chỉ từ 6h sáng, khu đất rộng thênh thang trên mặt tiền đường 2/9 TP Đà Nẵng trở nên chật kín người. Từ mọi ngã đường, những chiếc xe buýt, taxi, xe máy hay những người đi bộ đều đổ dồn về Cung Thể Thao Tiên Sơn với những trang phục nhiều màu sắc của 21 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đã nhận được ánh sáng Phúc Âm.Suốt kỳ lễ, Cung Thể Thao Tiên Sơn được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với một tầng trệt và bốn tầng nổi sức chứa khoảng 8000 chổ ngồi đã không còn một ghế trống. Dự định ban đầu của Ban Tổ chức có thuê thêm Nhà thi đấu Đa Năng bên cạnh Cung Tiên Sơn nhằm phục vụ cho số lượng ước tính hơn 20.000 người. Nhưng vì nhiều lý do, cuối cùng chỉ có Cung Tiên Sơn là nơi tổ chức đại hội.Dầu vậy, Ban Tổ chức đã linh hoạt, thuê thêm hàng ngàn ghế nhựa đặc kín hết các phòng, hành lang…nơi có đặt màn chiếu và âm thanh để tôi con Chúa có thể xem trực tiếp từ bên ngoài.

Trong đêm khai mạc tối 14/6, Đại diện Chính quyền từ Trung Ương và TP Đà Nẵng cũng đã đến tham dự, tặng lẵng hoa. Ông Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đã có lời chúc mừng và khẳng định “với 100 năm tồn tại và trưởng thành, bằng việc làm của mình, Hội thánh đã làm sáng danh Chúa trên quê hương Việt Nam” (2). Ngoài ra còn có nhiều báo đài, các hãng thông tấn trong và ngoài nước đưa tin về sự kiện đặc biệt này.

Lần lượt các chương trình với chủ đề VIỆC CHÚA LÀM (đêm khai mạc tối 14 – Ms Gary M. Benedict là diễn giả), CHẶNG ĐƯỜNG 100 NĂM (Sáng 15 – Diễn giả Ms Thái Phước Trường), CHÚA KHÔNG HỀ QUÊN (Chiều 15 – Diễn giả Ms Thomas Stebbins), HỘI THÁNH NGÀY NAY (tối 15 – Đại diện các Ủy ban thuyết trình), CHUNG LỜI TẠ ƠN (sáng 16 – Ngợi khen, làm chứng), HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI (Chiều 16 – Diễn giả Ms Thái Phước Trường) và đêm Truyền giảng TRỞ VỀ NHÀ CHA (tối 16 – Diễn giả Ms Thomas Stebbins) được diển ra cách long trọng, vinh hiển danh Chúa. Chương trình được đầu tư và chuẩn bị cách công phu với sự góp phần của các ca sĩ Cơ Đốc như Công Trứ, Nguyên Thủy, Lưu Chí Vỹ, Linh Năng, Nenita, Jalin, Thiên Bảo, Ánh Hồng, Khánh Linh, Naomi, Thanh Trúc….cùng nhiều ca đoàn đến từ khắp nơi trên mọi miền đất nước.

Nổi bật trong hàng loạt tiết mục đầy ấn tượng ấy là những giờ phút thiêng liêng, đi vào lòng người. Thì giờ Tri Ân Tiền Nhân với hình ảnh về những giáo sĩ tiền phong và những tôi tớ Chúa người Việt tuận đạo và tận hiến cho Chúa hiện lên trên màn chiếu đem lại nhiều xúc cảm cho mỗi người tham dự. Ca đoàn Ông bà Mục sư Truyền đạo Trí sự, Quả phụ Mục sư Truyền đạo trong trang phục áo dài truyền thống, dầu tuổi cao, sức yếu, có cụ đứng không vững nhưng vẫn lớn tiếng tôn vinh Chúa khiến những người ngồi bên dưới không kiềm được nước mắt. Hay bài hát “Halelugia – Chúa Là Vua” do ca đoàn tỉnh Gia Lai với ban hát hàng trăm người, nổi bật trong trang phục sắc tộc cất cao giọng ca tôn vinh Chúa khiến cả hội trường phải đứng dậy được nhiều người ví như là ban hát của Thiên sứ trên thiên đàng. Chúa Thánh Linh đã hành động một cách mạnh mẽ trong suốt chương trình, đặc biệt là giờ phút thiêng liêng khi Hội Thánh cùng hiệp chung cầu nguyện cho Việt Nam. Hàng ngàn người cùng giơ tay lên cao, hướng về Chúa hòa trong những tiếng nấc, tiếng nghẹn ngào của những giọt nước mắt chạy đến với Chúa, cầu nguyện kết ước và tái kết ước dâng cuộc đời cho Chúa. Đó là những hình ảnh ấn tượng và mãi không phai nhòa trong tâm trí của mỗi người tham dự…

Giữa Hội trường lớn, sân khấu lớn hình Thập tự giá được trang trí cách lộng lẫy, nỗi bật với màu đỏ tươi thắm. Tại nơi đây, các ca đoàn, các ban hát lễ đã cùng tôn vinh Chúa. Tại nơi đây, những tôi tớ Chúa đã chia sẻ sứ điệp lời Ngài, làm chứng về những ơn phước lớn lao Chúa đã làm cho cuộc đời mình, cho Hội Thánh mình. Và đặc biệt trong đêm Truyền Giảng tối 16/6, cũng chính tại nơi đây, hàng trăm người đã cùng ăn năn tội và cầu nguyện tiếp nhận Chúa Giê-xu. BTC đã thu lại được hơn 500 phiếu từ những tân tín hữu nhưng số lượng thực tế chắc chắn vượt trội hơn rất nhiều.

2
Quả thật, Thập tự giá – biểu tượng cho sự chết của Chúa Giê-xu để đền tội cho cả nhân loại, nơi tình yêu thương và sự tha thứ được bày tỏ mạnh mẽ nhất – giờ đây, không chỉ là nơi để hàng trăm, hàng ngàn người chúc tán, tôn cao danh Chúa, là nơi để chia sẻ, công bố lời Chúa qua các sứ điệp, là nơi để làm chứng về ơn phước Chúa, mà thập tự giá đó còn là con đường dẫn đưa hàng trăm người đến với Chúa, đến với sự cứu rỗi và đến với gia đình Đức Chúa Trời. Một lần nữa trong chương trình Lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam,
thập tự giá đỏ rạng ngời đã hiện lên cách đầy ấn tượng, không bởi màu sắc, bởi hình dáng mà bởi chất liệu của thập tự giá ấy được làm nên từ dòng người bằng lòng đón nhận sự chết chuộc tội của Cứu Chúa cho cuộc đời mình.

TP. Hồ Chí Minh – Dấu Ấn Chặng Đường 100 Năm

Tại TP HCM, địa điểm dự định ban đầu của BTC là Nhà Thi Đấu Phú Thọ nhưng sau nhiều lần làm việc và được sự hướng dẫn của UBND TP, Trung Tâm Triển Lãm Sài Gòn ở Q7 được quyết định là nơi tổ chức chương trình Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam dành cho khu vực miền Đông, Tây Nam bộ và các tỉnh lân cận. Cũng cần nói thêm với kinh phí hơn cả tỉ đồng, BTC chỉ được hợp đồng với Ban Quản lý Trung tâm để sắp xếp khoảng hơn 8.000 chổ ngồi bên trong hội trường khép kín, khu vực hành lang rộng lớn phía ngoài không được phép triển lãm hay đặt màn chiếu, âm thanh phục vụ cho những người đến tham dự.

Chính vì hoàn cảnh như thế, từ sự hân hoan, háo hức của hàng chục ngàn tín hữu từ nhiều tỉnh thành phía Nam và Cao nguyên đã chuyển thành những giọt nước mắt tiếc nuối, bất lực hay sự xót xa, quặn thắt (như lời Ms Phan Vĩnh Cự – Trưởng BTC chia sẻ) khi có gần chục ngàn tín hữu và thân hữu phải quay về ngay trong đêm Truyền Giảng đầu tiên vào tối 23/6 vì bên trong hội trường không còn một chỗ trống. BTC đã nhiều lần kêu gọi những tín hữu đến sớm nhường chổ ngồi để thân hữu bên ngoài có thể vào được bên trong để nghe Phúc Âm nhưng vì số lượng ghế ngồi quá hạn chế so với lượng thân hữu nên kết quả cũng không được nhiều. Khi chương trình bắt đầu diễn ra thì từ các cổng, hàng ngàn người vẫn còn  đứng xếp hàng để chờ được vào bên trong. Trong khi đó Ban Quản lý Trung tâm đã yêu cầu đóng chặt các cánh cửa, những người đứng gần phải áp sát nguời sau những tấm kính để có thể xem những hình ảnh phía trong hội trường mà không thể nghe được âm thanh gì. Dầu BTC đã cố gắng thương lượng nhưng vẫn không thể được phép đưa hệ thống âm thanh và màn chiếu trực tiếp ra bên ngoài.

Riêng ngày 24/6 chương trình “Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam” với nội dung về CHẶNG ĐƯỜNG 100 NĂM (buổi sáng do Ms Thái Phước Trường làm diễn giả) và CHÚA KHÔNG HỀ QUÊN (buổi chiều do Ms Ngô Văn Bửu làm diễn giả) đã tóm lược lại chương trình lễ tại Đà Nẵng để phục vụ cho tôi con Chúa từ nhiều nơi đến tham dự.

3

Đặc biệt trong buổi tối Truyền giảng đêm 24/6 với chủ đề LỜI MỜI QUÝ NHẤT, BTC đã khích lệ các tín hữu ở nhà xem trực tuyến chương trình qua Internet để nhường chỗ cho thân hữu đến tham dự. Một số Hội Thánh tại TP HCM cũng đã tổ chức chiếu trực tuyến chương trình bằng màn ảnh rộng tại nhà thờ và kêu gọi con cái Chúa đến tham dự. Vì thế số lượng người đến trong đêm 24/6 có phần ít hơn nhưng cũng chật kín cả hội trường và phần lớn là thân hữu đi theo đoàn từ nhiều tỉnh lân cận. BTC cũng đã đặt một màn chiếu và loa phóng thanh tại trước cửa chính. Nhờ đó, nhiều người đến sau đã ngồi bệch xuống nền và xem được từ bên ngoài.

Có thể nói TP. HCM đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong đại Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam. Không gian tổ chức chật hẹp đã không thể ngăn được tấm lòng đến với Giê-xu của hàng ngàn người trong 2 đêm truyền giảng 23 và 24/6. Ms Tôn Thất Bình (Thomas Stebbins) diễn giả chính cho tất cả các đêm Truyền giảng trong Lễ kỷ niệm một lần nữa đã đem đến sự thích thú cho hàng ngàn thân hữu tại TP HCM bởi chất giọng “rất Việt” của một giáo sĩ ngoại quốc và lối chia sẻ Phúc Âm tự nhiên, gần gũi. Những đêm truyền giảng cũng để lại một ấn tượng đặc biệt bởi “người mạnh nhất châu Á” – Mr Manoj KumarChopra đến từ Ấn Độ. Màn biểu diễn sức mạnh của anh khiến nhiều người thán phục, nhưng đáng nhớ nhất chính là thông điệp mà anh mang đến bằng chính những lời chứng từ cuộc đời mình: “Chúa Giê-xu yêu quý vị đến nỗi Ngài hy sinh trên thập tự giá để chết thay tội lỗi quý vị. Hãy đến với Chúa để nhận sự tha thứ và sự sống đời đời.”

Tạ ơn Chúa! Đức Thánh Linh đã hành động cách mạnh mẽ qua mỗi đêm Truyền giảng để những kết quả đem về thật tuyệt vời cho Đức Chúa Trời. Theo thống kê của BTC, đêm 23/6 thu lại được 977 phiếu và đêm 24/6 có được 1015 phiếu của những tân tín hữu và còn nhiều người khác tin Chúa ở phía trên sân khấu hay ở phía bên dưới mà BTC không thể tiếp cận để thu hồi thông tin được.

4

Dấu ấn của “Chặng Đường 100 Năm” tại TP HCM là hơn 2000 cuộc đời đã bằng lòng tin nhận Chúa. Danh Chúa được vinh hiển qua chương trình. Đây là một dấu ấn đặt biệt để biết rằng Đức Thánh Linh vẫn đang đồng hành với Hội Thánh Chúa, dân tộc Việt Nam đang khao khát, đang rất cần Chúa Giê-xu. Để rồi từ đây, nhiều chương trình Truyền giảng sẽ được tổ chức, mỗi cuộc đời tin Chúa sẽ là mỗi nhân chứng sống cho Chúa để tiếp tục rao giảng Tin Lành, mở mang vương quốc Đức Chúa Trời trên đất Việt.

“Ơn Chúa Viếng Thăm Việt Nam”

“Một trăm năm Hội Thánh vui chan hòa, đem Tin Lành bình an cho mỗi nhà, ơn Chúa viếng thăm Việt Nam” (3).

Quả thật Chúa đã thăm viếng Việt Nam để Tin Lành được rao truyền, Hội Thánh được thành lập và nhiều linh hồn người Việt Nam hưởng được sự cứu rỗi. 100 năm là độ tuổi ao ước của một đời người. Nhưng đối với Hội Thánh Chúa, 100 năm là một giai đoạn, một dấu mốc, một cơ hội nhìn lại để nhận biết về “ơn Chúa trên đất nước Việt Nam”. 100 năm cũng là cơ hội để bao người đang ngủ quên trong chức vụ, trong sự phục vụ được thức tỉnh, ăn năn tội với Chúa, xót thương cho linh hồn của hơn 80 triệu người Việt của 21 dân tộc trên đất nước này chưa hề nhận biết Phúc Âm. Chúa đã thăm viếng Việt Nam khi sai phái các giáo sĩ vượt bao gian khổ đến Việt Nam gieo hột giống Tin Lành. Ơn Chúa viếng thăm Việt Nam khi sử dụng cuộc đời những tôi trung của Chúa, những người Việt Nam đón nhận Phúc Âm làm chứng nhân cho dân tộc mình.

Năm 2011, sau 100 năm, dầu trên đất nước Việt Nam không còn giáo sĩ hay hội truyền giáo ngoại quốc nào hoạt động công khai nhưng Chúa vẫn thăm viếng Việt Nam, Đức Thánh Linh vẫn ở cùng với Hội Thánh, với mỗi một người tin Chúa để rồi mỗi tôi con Chúa sẽ tiếp tục kế thừa công việc của tiền nhân, đem Tin Lành bình an đến với mỗi nhà, mỗi cuộc đời để PHÚC ÂM HÓA VIỆT NAM – Amen!

TTV. Lê Tuấn (viết riêng cho www.httlvn.org)

Chú thích:

(1): Những chữ in đậm trong ngoặc kép là chủ đề của những chương trình trong Lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam được tổ chức tại TP Đà Nẵng từ 14-16/6/2011.

(2): Theo Báo Nhân Dân
http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/su-kien/k-ni-m-100-n-m-ngay-o-tin-lanh-n-vi-t-nam-1.300167?mode=print#547dDALqzwW6

(3): Điệp khúc bài hát “Ơn Chúa Viếng Thăm Việt Nam”

Bài trướcBài 187: Vui Trong Hoạn Nạn
Bài tiếp theoHội Đồng Bầu Cử Ban Đại Diện Tin Lành Tỉnh Đăk Nông 2011-2013.